Chữa bệnh "sợ" trách nhiệm, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng

"Cần khắc phục một bộ phận lẩn tránh, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm khi việc của anh đẩy cho người khác, việc cấp dưới đẩy lên cấp trên", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ quan điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: DUY LINH
Quang cảnh phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: DUY LINH

Triển vọng tích cực, nhưng khó khăn chồng chất

Ngày 9/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 23, phiên họp cuối cùng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Và ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn thảo là nội dung "nóng hổi", luôn được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm: tình hình kinh tế-xã hội-ngân sách.

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, giữ vị thế là nền kinh tế có độ mở lớn, song quy mô còn khiêm tốn và năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư, kinh doanh bất động sản…

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, tăng trưởng GDP quý I/2023 rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là "vô cùng khó khăn".

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao nỗ lực và những kết quả đạt được, song cho rằng cần đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng kinh tế của đất nước để thấy sự suy giảm hiện nay không phải là đột ngột, mà đã có những tín hiệu rất rõ ràng ngay từ những quý cuối của năm 2022.

Về tình hình đầu năm 2023, Chính phủ nêu là dù có nhiều khó khăn, nhưng những biện pháp tháo gỡ ban hành từ đầu năm đã tạo chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn dòng tiền cho nền kinh tế… "Thực tế khi làm việc với chuyên gia và nhà khoa học, họ nói dòng tiền vẫn còn nghẽn đâu đó. Cần xem lại sở hữu chéo, sân sau của ngân hàng là các doanh nghiệp thân thuộc", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thẳng thắn bình luận.

Ông cũng nói rõ, "không rành về kinh tế ngân sách", nhưng những nhận định trái chiều về tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng của các cơ quan chức năng cần được xem xét thực chất. Phản ánh khó khăn rất lớn của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi tiếp xúc cử tri, doanh nghiệp chia sẻ thẳng thắn rằng họ đã dùng những đồng cuối cùng của dự trữ để trang trải cho hai năm vừa rồi…

Nhận diện đúng nguyên nhân để có giải pháp hữu hiệu

Cần làm nổi bật "mầu hồng" thật sự của nền kinh tế, đồng thời cần nhìn thẳng, nhận diện đúng những khó khăn hiện nay mới có được giải pháp hữu hiệu - đó là quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Theo Chủ tịch Quốc hội, điểm sáng cần ghi nhận là nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và lạm phát trong bối cảnh phải đối diện với nhiều cú sốc. "Đó là thành công lớn, báo cáo cần nhấn mạnh".

Ngược lại, trong số những hạn chế, tồn tại đã nêu trong các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: "Né tránh, đùn đẩy trong giải quyết công việc do sợ trách nhiệm liệu có phải nguyên nhân chính, nguyên nhân chủ yếu bây giờ hay không?".

Đây cũng là vấn đề rất trăn trở của các thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với câu trả lời đặc biệt thẳng thắn, không hề né tránh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu thí dụ cụ thể về việc có rất nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương, nhưng địa phương không dám quyết, phải hỏi đi hỏi lại. Ông khẳng định: "Tôi cho rằng có lẽ vấn đề lớn nhất hiện nay là cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy và lẩn tránh không làm".

Đặc biệt, theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang chùng lại. "Chúng ta đã đấu tranh suốt mấy năm nay. Thể chế đã cải thiện, giảm được rất nhiều các điều kiện kinh doanh và loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng bây giờ, thông qua các văn bản của các bộ, ngành, các địa phương, đã phát sinh ra hàng nghìn thủ tục mới", Bộ trưởng Dũng lo lắng. Theo ông, cần tiếp tục tách riêng vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh thành một nghị quyết riêng của Chính phủ, nối tiếp Nghị quyết 19 và 02 đã phát huy tác dụng tốt những năm trước (thay vì nhập vào thành một nội dung trong nghị quyết chung về kinh tế-xã hội).

Mục tiêu năm 2023 tăng trưởng GDP 6,5% là khó đạt được, vì muốn đạt được 6,5% thì các quý sau tăng trưởng phải rất cao, xấp xỉ khoảng 8%, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn biến động bất lợi và những hạn chế nội tại vẫn chưa được khắc phục. Chính phủ đang cố gắng phấn đấu giữ mục tiêu này. Để hiện thực hóa quyết tâm đó có rất nhiều việc phải làm: khắc phục căn bệnh "sợ" trách nhiệm, thực chất là thiếu, thậm chí vô trách nhiệm, từ đó tìm ra và thực thi các giải pháp lập pháp và hành pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn… Nhưng trước hết, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh, phải nhận diện đầy đủ, chính xác cả thành tựu lẫn hạn chế, khuyết điểm và tìm ra những nguyên nhân căn cốt để khắc phục.