Cần bảo vệ cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Cao Bồ

NDO -

NDĐT - Trong thời gian gần đây, trên địa bàn xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), có một số người nước ngoài đến thỏa thuận với các hộ dân thuê lại diện tích chè Shan tuyết cổ thụ với thời gian từ 20 đến 30 năm.

 Những cây chè Shan tuyết cổ thụ tuổi thọ vài trăm của gia đình ông Bàn Đức Thanh đã được người Trung Quốc trả tiền thuê.
Những cây chè Shan tuyết cổ thụ tuổi thọ vài trăm của gia đình ông Bàn Đức Thanh đã được người Trung Quốc trả tiền thuê.

Xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên có hàng nghìn héc-ta chè Shan tuyết cổ thụ, sinh sống trên các đỉnh núi cao, phân bổ đều ở 11 thôn trong xã. Từ năm 2011, chè Cao Bồ chính thức được Liên đoàn quốc tế về phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cấp chứng chỉ chè hữu cơ - Organic Cao Bồ. Mỗi năm, hàng trăm tấn chè hữu cơ được xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho người làm chè.

Năm 2015, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận cây Di sản Việt Nam cho quần thể 220 cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời từ 100 đến 300 năm ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Việc công nhận cây Di sản Việt Nam cho quần thể 220 cây chè Shan tuyết cổ thụ tiêu biểu đại diện cho vùng chè Cao Bồ có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ nguồn gen của giống chè vùng cao nổi tiếng thơm ngon. Đồng thời, đây cũng là dịp để vinh danh và tiếp tục quảng bá, giới thiệu về sản phẩm chè vùng cao Hà Giang đối với khách hàng trong, ngoài nước.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, có một số người nước ngoài đến thỏa thuận với các hộ dân thuê lại diện tích chè Shan tuyết cổ thụ với thời gian từ 20 đến 30 năm. Chủ tịch UBND xã Cao Bồ, Lý Quốc Hưng cho biết: “Từ đầu tháng 4 năm nay, tại thôn Tham Vè và Lùng Tao, xã Cao Bồ, có một số người Trung Quốc sang thương thảo với người dân thuê cây chè Shan tuyết cổ thụ, sau khi thuê đã gắn biển hiệu bằng chữ nước ngoài. Điều đáng nói là họ chỉ thuê cây chè, không thuê diện tích đất trồng chè. Sau đó, chụp ảnh, quay video clip về diện tích chè đã thuê nhưng không rõ mục đích thực sự của họ là gì”.

Cần bảo vệ cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Cao Bồ ảnh 1

Một loạt các tấm biển từng được treo, đánh số trên mỗi cây chè Shan tuyết do người Trung Quốc thuê.

Chúng tôi được Trưởng thôn Lùng Tao, Đặng Văn Quang dẫn đến vườn chè gia đình ông Bàn Đức Thanh, thôn Lùng Tao, hộ có vườn chè rộng khoảng 500 m2 với gần 20 cây chè cổ thụ đường kính thân cây từ 50 đến 70 cm, tuổi thọ lên tới vài trăm năm. Trưởng thôn Đặng Văn Quang cho biết: “Trước đây khoảng một tuần, các cây chè cổ thụ nhà ông Thành vẫn được gắn biển, đánh số bằng chữ nước ngoài, nhưng giờ đã bị tháo hết, chỉ còn lại những dây thép dùng treo biển. Người dân trong thôn cho biết, vườn chè này được người Trung Quốc thuê với giá 90 triệu đồng trong 30 năm. Ngoài gia đình ông Thanh thì có một cây chè của hộ dân khác trong thôn, tuổi đời cao hơn, thân to hơn cũng được thuê với giá 50 triệu đồng/30 năm”.

Cũng theo trưởng thôn Lùng Tao, trước khi những người Trung Quốc đến thuê cây chè, họ đã đặt vấn đề nhờ sự giúp đỡ của thôn. Những người này cho biết mục đích thuê cây chè để làm dịch vụ du lịch chè. Diện tích chè họ muốn thuê lên tới vài chục ha. Tuy nhiên, lãnh đạo thôn Lùng Tao không đồng ý, đồng thời báo cáo xã để chỉ đạo xử lý. Sau đó, những người Trung Quốc tự thỏa thuận riêng với các hộ việc thuê diện tích chè, không qua thôn.

Trao đổi với chính quyền địa phương được biết, khi những người nước ngoài đến thôn Lùng Tao lần thứ hai để thỏa thuận thuê cây chè của người dân, lực lượng chức năng của xã đã mời lên làm việc. Khi hỏi một số thông tin về mục đích thuê cây chè và hợp đồng giữa hai bên, họ đã bỏ về, đến nay chưa quay lại.

“Sự việc này đã được báo cáo Huyện ủy, UBND huyện Vị Xuyên. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân không tự ý thực hiện các giao dịch dân sự với người nước ngoài khi chưa có sự chứng kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương”, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ, Lý Quốc Hưng cho biết.

Sự mập mờ, nhiều nghi vấn trong việc người nước ngoài thuê chè cổ thụ tại xã Cao Bồ và bài học đắt giá từ việc thương lái Trung Quốc mua lại gốc chè cổ thụ trong nhiều năm trước đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân cần đề cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ thương hiệu, nguồn gien của chè Shan tuyết cổ thụ, bảo vệ nguồn thu nhập của người dân.