Cần bảo đảm an toàn phòng chống dịch khi đi làm

NDO -

Trước đề xuất của Bộ Y tế nên xem xét cho người bệnh F0 đi làm đã nhận được nhiều sự quan tâm, ý kiến và nhận định của các Công ty, doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, nơi có số lượng người lao động nhiều nhất cả nước.

Công nhân sản xuất tại Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng.
Công nhân sản xuất tại Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng.

Ông Vũ Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP Giày Thiên Lộc (quận 12) cho biết, Công ty có khoảng 2.500 công nhân lao động thì hiện có khoảng 100 người lao động là ca F0. Công ty áp dụng quy định chung của thành phố đối với trường hợp F1 vẫn đi làm bình thường, trường hợp F0 được cách ly điều trị tại nhà trong thời gian 7 ngày. Sau thời gian điều trị, nếu người bệnh F0 xét nghiệm âm tính sẽ đi làm trở lại, trong trường hợp người lao động không có  điều kiện tự xét nghiệm kiểm tra thì công ty sẽ hỗ trợ xét nghiệm nhanh. 

Theo ông Bình, thời gian quy định 7 ngày điều trị và cách ly tại nhà đối với ca F0 là phù hợp vì tất cả người lao động tại Công ty đều đã tiêm đủ 3 mũi vaccine nên bảo đảm đủ sức khỏe để người lao động trở lại làm việc. Tuy nhiên, đối với đề xuất cho ca F0 đi làm, bản thân ông Bình rất băn khoăn vì người lao động cần có thời gian nghỉ ngơi, ổn định sức khỏe do nhiễm bệnh. Ngoài ra, nếu người F0 đi làm sẽ dễ phát sinh tâm lý lo lắng, “ngại tiếp xúc” của những người bên cạnh, công nhân làm cùng chuyền do đó nên để người F0 điều trị và nghỉ ngơi rồi hãy đi làm là hợp lý. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh) cũng đồng tình với quan điểm người bệnh F0 cần được nghỉ ngơi để bảo đảm sức khỏe, thực hiện 5K nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người xung quanh. Theo ông Hùng, Công ty khuyến khích người F0 thuộc khối văn phòng có thể làm việc trực tuyến, còn công nhân trực tiếp sản xuất thì sau khi xét nghiệm âm tính có thể quay trở lại làm việc ngay, thông thường thời gian điều trị của người bệnh F0 trung bình là 7 ngày. 

Công đoàn Công ty cũng có chế độ thăm hỏi cho mỗi trường hợp F0 là 500.000 đồng kèm túi thuốc điều trị nếu cần bên cạnh các chế độ quy định của Bảo hiểm xã hội. 

Ông Đàm Văn Tuấn, công nhân bộ phận Ráp thô, Công ty Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng chia sẻ: “Tôi bị Covid-19 về quê điều trị cách ly thời gian 7 ngày, thêm 3 ngày nghỉ ngơi ổn định xong mới quay trở lại làm việc. Tôi thấy người F0 nên nghỉ ngơi, theo dõi diễn biến bệnh là hợp lý. Khi nào có kết quả kiểm tra âm tính hãy đi làm như vậy sẽ bảo đảm an toàn cho anh em công nhân tại Công ty”. 

Nhận định về việc người F0 nên đi làm hay ở nhà, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Tùy vào đặc thù và tính chất nghề nghiệp để đưa ra quy định cho phù hợp. Nếu người lao động làm việc tập trung tại các nhà máy, xí nghiệp mà bị nhiễm bệnh thì nên được cách ly tại nơi ở để theo dõi, điều trị, nếu đi làm sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất, khó kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, Bộ Y tế nên xây dựng tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ lây nhiễm của dịch bệnh, cơ sở nào đánh giá người F0 được đi làm và chưa được đi làm, đặc thù ngành nghề… để các doanh nghiệp, đơn vị, người sử dụng lao động có căn cứ tham khảo, áp dụng quy định để thực hiện. 

Mới đây, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HBA) đã kiến nghị Bộ Y tế cho phép công nhân là F1 có kết quả xét nghiệm âm tính được đi làm. 

Theo lãnh đạo HBA, đặc điểm hiện nay biến chủng Omicron lây nhiễm nhanh và cũng qua khỏi nhanh, ít có trường hợp chuyển nặng. Tuy nhiên, nếu áp dụng rập khuôn cách ly người F1 thì chỉ cần 1 công nhân ở nhà trọ là F0 thì có khả năng cả phòng trọ, thậm chí cả khu nhà trọ đó là ca F1. Nhà máy cũng không có công nhân đi làm. Từ đó, HBA kiến nghị khi có ca F0 tại nhà trọ hoặc tại nhà máy, các đối tượng có nguy cơ F1 chỉ cần thực hiện 5K, báo cơ quan y tế có trách nhiệm và báo doanh nghiệp. Sau khi xét nghiệm nhanh với kết quả âm tính, công nhân vẫn được đi làm nhưng phải ở vị trí sản xuất giãn cách giữa người với người trên 2 m.