Cấm xe khách "cỡ lớn" vào nội đô thành phố là cần thiết

Để hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo tới các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, hiệp hội… liên quan hai phương án tổ chức giao thông đối với xe khách trên địa bàn thành phố để lấy ý kiến đóng góp trước khi trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét.
0:00 / 0:00
0:00

Cơ sở để Sở Giao thông vận tải đề xuất hai phương án này là tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông tại khu vực trung tâm thành phố diễn ra ngày càng phức tạp, trong khi thành phố đang tồn tại hơn 100 điểm tổ chức hoạt động đón, trả khách dọc đường, tại các cây xăng, bãi xe tự phát… Vấn đề này đã gây khó khăn cho các đơn vị xử lý vi phạm, nhất là đối với các loại xe khách giường nằm.

Theo phương án 1, giai đoạn 1 từ năm 2022 đến năm 2025 sẽ hạn chế xe khách giường nằm (các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi thành phố ban hành) đi vào khu vực nội đô từ 6 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Giai đoạn 2 từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ hạn chế xe khách trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe phục vụ đám tang, xe công vụ, các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi thành phố ban hành) vào khu vực nội đô từ 6 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Khu vực cấm xe được giới hạn bởi các tuyến quốc lộ 1-Nguyễn Văn Linh ở hướng bắc, tây và nam; đường Võ Chí Công-Đồng Văn Cống-Mai Chí Thọ-Xa lộ Hà Nội ở hướng đông để tạo ra vành đai bao quanh thành phố. Phương án 2 tương tự phương án 1 nhưng đối tượng áp dụng là xe khách trên 16 chỗ thay vì trên 30 chỗ.

Theo Sở Giao thông vận tải, phương án 2 tác động đến tình hình kinh tế-xã hội lớn hơn, cũng như đến hoạt động của phần lớn doanh nghiệp vận tải hành khách. Qua đó, đơn vị này đề xuất lựa chọn phương án 1 do ít tác động kinh tế-xã hội nhưng vẫn bảo đảm được hoạt động vận tải hành khách trong khu vực.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian gần đây, số lượng xe khách giường nằm vào nội đô thành phố ngày càng "dày đặc", gây mất an toàn giao thông tại các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố, vốn đã quá tải. Hiện, thành phố quy hoạch các bến xe ngoài trung tâm thành phố như Bến xe Miền Đông mới, Bến xe Miền Tây, Bến xe An Sương, Bến xe Ngã Tư Ga… nên xe khách liên tỉnh phải vào các bến này. Khách muốn vào nội đô phải đi bằng phương tiện trung chuyển công cộng hoặc các phương triện trung chuyển của các hãng xe. Do đó, cấm xe khách loại lớn vào nội đô thành phố là việc cần thiết để giao thông thành phố giảm bớt ngột ngạt. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, thành phố cần tính toán kỹ, xây dựng lại mạng lưới giao thông trung chuyển phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đi lại. Trong đó, nên tính toán đến phương án dùng các loại xe buýt cỡ nhỏ để vận chuyển hành khách, vừa góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, vừa vận chuyển hành khách linh hoạt, nhanh chóng hơn.

Cần thẳng thắn nhìn nhận, việc cấm xe khách giường nằm, xe khách trên 30 chỗ ngồi chỉ là giải pháp tình thế làm thông thoáng hơn giao thông khu vực trung tâm thành phố, chứ chưa phải là giải pháp bền vững giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông nội đô, nhất là giải quyết được nạn "xe dù, bến cóc". Bởi, muốn dẹp nạn "xe dù, bến cóc" cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, phải rà soát lại, xử lý nghiêm khắc các loại xe đón, trả khách không đúng nơi quy định. Đồng thời, thành phố phải xây dựng, đầu tư, quy hoạch lại mạng lưới giao thông, kết nối giao thông công cộng từ nội đô thành phố tới các bến xe đầu mối, bến bãi một cách thuận lợi để vận chuyển hành khách, hàng hóa.