Cảm hứng sáng tạo từ hình tượng linh vật Rồng

Hàng trăm bức họa rồng từ một cuộc thi trực tuyến của cộng đồng nghệ sĩ trẻ được trưng bày tại không gian của hai di tích quốc gia đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội là Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Hoàng thành Thăng Long, cho thấy sức sáng tạo mới mẻ và tình yêu dành cho văn hóa truyền thống dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan triển lãm "Vẽ con rồng" tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Khách tham quan triển lãm "Vẽ con rồng" tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Hai triển lãm song song mang đến cho công chúng yêu hội họa những câu chuyện thú vị, giàu cảm xúc tích cực về linh vật Rồng của năm mới Giáp Thìn 2024.

Triển lãm "Vẽ con rồng" giới thiệu những tác phẩm xuất sắc nhất từ Cuộc thi vẽ tranh minh họa do TiredCity (một công ty sáng tạo) và Diễn đàn Vietnam Local Artist Group (cộng đồng quy tụ gần 131.000 thành viên là các họa sĩ và người yêu thích nghệ thuật nói chung, hội họa nói riêng) tổ chức cuối năm 2023.

Chỉ sau khoảng bốn tuần, cuộc thi nhận được gần 400 tác phẩm của các tác giả trên cả nước, với muôn vẻ hình tượng rồng được lấy cảm hứng từ truyền thuyết, tranh dân gian, kiến trúc, âm nhạc, phim ảnh.

Tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, 80 tác phẩm vẽ rồng của 79 tác giả được giới thiệu mang đậm không khí chào xuân, đón Tết. Theo Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, đây là sự kiện mừng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đồng thời là sự kiện hưởng ứng việc thành phố Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và chủ trương đẩy mạnh công nghiệp văn hóa.

"Rồng là linh vật thiêng trong tâm thức người Việt nhưng với triển lãm này người xem sẽ thấy hình ảnh con rồng rất sáng tạo, gần gũi, dung dị và đầy sức sống", Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh. Chẳng hạn, bức tranh Gói bánh chưng của tác giả Tahtag có nhân vật chính là một chú rồng đang học gói bánh chưng - một sinh hoạt văn hóa vô cùng quen thuộc mỗi dịp Tết cổ truyền.

Một tác phẩm ấn tượng khác là Rồng dệt của họa sĩ Phúc Huy, bắt nguồn từ những ký ức thời thơ ấu của tác giả với chiếc khăn thổ cẩm của bà, của mẹ. Hay tác phẩm Rồng đưa Tết về của Chi Chi liên tưởng con rồng chính là chuyến tàu đưa những người con xa quê trở về nhà đoàn tụ, sum vầy đón Tết; còn Khoảnh khắc của Chung Phạm thì miêu tả thời điểm "chuyển giao con giáp" đầy cảm xúc với hình ảnh nàng Mèo và chàng Rồng ngồi bên nhau trông nồi bánh chưng đêm giao thừa.

Hình tượng rồng cũng lên tranh với khung cảnh người dân thu hoạch bông súng mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ; trong vườn thanh long trĩu quả ở vùng cực nam Trung Bộ; được nhân hóa, phá cách như ngồi uống trà đá, cà-phê vỉa hè - những hình ảnh dân dã mà đáng nhớ khi nhắc đến du lịch Hà Nội...

Trong văn hóa phương Ðông, rồng là linh vật huyền thoại gắn liền với quyền năng to lớn, sự cao quý, sức mạnh vô song. So với các con giáp khác, vẽ rồng vừa dễ, vừa khó, vì rồng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng. Tuy nhiên, các họa sĩ đã cho thấy sự nghiêm túc, chỉn chu khi đầu tư nghiên cứu, tìm tòi về hình tượng rồng trong lịch sử và văn hóa Việt Nam khi bắt tay vào sáng tác.

Dù mang những sắc thái khác nhau, từ uy nghiêm, dũng mãnh cho tới thân thiện, dễ thương, các bức tranh minh họa tại triển lãm "Vẽ con rồng" đều giữ được những nét đặc trưng, truyền tải tinh thần tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Song, do thu hút chủ yếu các họa sĩ vẽ minh họa trẻ tuổi, cho nên phần lớn tác phẩm được thể hiện bằng công cụ kỹ thuật số. Cách thể hiện này có nhiều khác biệt với hội họa truyền thống, song cũng là một xu hướng mới không thể tách rời trong mỹ thuật đương đại. Những gam mầu, hình khối trẻ trung, hiện đại khi hòa quyện vào không gian cổ kính, truyền thống không chỉ khiến du khách quốc tế thích thú mà còn hấp dẫn khách tham quan trong nước, nhất là giới trẻ.

Triển lãm tại không gian Hoàng thành Thăng Long trưng bày 30 tác phẩm vẽ hình tượng rồng của 25 tác giả, dường như mang màu sắc tâm linh, lịch sử và tính nghiên cứu sâu sắc hơn. Ngắm tranh, người xem chợt gặp lại những câu chuyện quen thuộc nhưng bị đẩy lùi xa trong ký ức bởi nhịp sống hối hả đương đại, để rồi có dịp hiểu thêm về thế giới linh thiêng của linh vật Rồng.

Có thể kể đến bức tranh Rồng bay vào mộng của họa sĩ Duy Hồ, tái hiện truyền thuyết về giấc mơ rồng trong hành trình tìm "miền đất hứa" của Vua Lý Thái Tổ - nguồn gốc của tên gọi "Thăng Long". Tác phẩm Múa rồng Việt của Trà Mee thì lấy cảm hứng từ điệu múa rồng phổ biến trong nhiều lễ hội Xuân Vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Ấn tượng với hoa văn rồng ở các ngôi đình, đền, chùa cổ, tác phẩm Chạm khắc rồng của họa sĩ Duy Tô thể hiện hình tượng rồng bay lượn mềm mại như vừa thoát ra từ bản khắc gỗ trong khung cảnh một làng nghề điêu khắc truyền thống.

Một tác phẩm ấn tượng khác là Truyền nhân của Lê Phương Thảo, thể hiện hai hình tượng rồng thời Nguyễn và rồng thời Lý đang cùng nhau nặn tò he. Nữ họa sĩ trẻ cho biết, thể hiện hai hình tượng rồng khá tiêu biểu và dễ nhận biết (cũng là biểu tượng của hai triều đại phong kiến rực rỡ trong lịch sử phong kiến Việt Nam), ý nghĩa bức tranh mà cô gửi vào là thông điệp mong muốn những tinh túy của văn hóa dân tộc sẽ được kế thừa, trao truyền cho thế hệ trẻ.

Trên hết, các tác phẩm hội họa trong triển lãm "Vẽ con rồng" còn mang đến và lan tỏa giá trị nhân văn khi được đấu giá để đóng góp cho Quỹ Rồng xanh (Blue Dragon Children’s Foundation - Tổ chức giúp đỡ trẻ đường phố và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn). Các bức vẽ tiêu biểu nhất sẽ được sử dụng để khai thác thương mại có bản quyền, đưa vào thiết kế sản phẩm thời trang, quà lưu niệm... để tiếp thêm động lực sáng tạo cho các tác giả trẻ, nối dài sức sống của những đam mê hội họa.