Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng cũng có những thay đổi tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng bệnh viện cũng như công tác phục vụ người bệnh. Các thách thức mà hệ thống này đang phải đối mặt là nhân lực y tế tại các cơ sở công lập biến động (nhiều người nghỉ việc), thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất khó khăn… trong khi nhu cầu người dân khám, chữa bệnh ngày càng tăng và đòi hỏi ngày càng cao.
Bên cạnh đó, mô hình bệnh tật kép tạo ra áp lực lớn cho hệ thống y tế, vừa phải tăng cường kiểm soát, điều trị các bệnh truyền nhiễm (Covid-19, tay chân miệng, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ), vừa phải quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…).
Những tai biến y khoa, sai sót chuyên môn không chỉ là vấn đề chuyên môn mà sau đó là cả vấn đề tâm lý, xã hội và chính trị mà các cán bộ làm công tác quản lý chất lượng bệnh viện phải đặc biệt lưu ý. Các bệnh viện cần triển khai mạnh mẽ công tác về an toàn người bệnh và có khảo sát, đánh giá, điều tra nguyên nhân gây tai biến y khoa. Tai biến y khoa là một trong những sai sót khó có thể tránh khỏi trong quá trình hành nghề. Do vậy các cơ sở y tế cần xác định các nhóm nguyên nhân và xây dựng các giải pháp phòng ngừa, phát hiện sớm.
Cải tiến chất lượng bệnh viện phải từ những điều nhỏ nhất và thay đổi hằng ngày, phải “thấm” từ giám đốc đến nhân viên bảo vệ. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng việc giảm quá tải bệnh viện, tăng cường khám, chữa bệnh từ xa, thực hiện Bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện... Lãnh đạo bệnh viện cần nghiêm túc quan tâm vấn đề cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh, xác định đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, sống còn với sự phát triển của đơn vị mình.
PGS, TS Nguyễn Khoa Hùng, Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y dược Huế cho biết, tình trạng thiếu một số loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị, vật tư y tế đã ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cũng như sự hài lòng của người bệnh. Thời gian qua, tình trạng này đã bước đầu được khắc phục, nhưng quy trình mua sắm mất nhiều thời gian và chưa đủ hết những loại cần mua, cho nên đối với những người bệnh nặng, vẫn phải chuyển lên tuyến cao hơn để điều trị.
Mặc dù đã cố gắng đáp ứng nhu cầu người bệnh, giảm thiểu bất cập, nhưng việc thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế cần thiết và việc bệnh nhân phải chờ đợi, chưa được điều trị tốt nhất có thể, hoặc phải chuyển đi cơ sở khác, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự hài lòng của người bệnh. Trong thời gian tới, nếu các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế được triển khai đồng bộ, chất lượng bệnh viện sẽ được nâng cao.
Sau gần ba năm ứng phó đại dịch Covid-19, ngành y tế nói chung và hệ thống khám, chữa bệnh nói riêng đã tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở khám, chữa bệnh chưa triển khai lấy số xếp hàng tự động; thanh toán viện phí bằng tiền mặt...
Qua khảo sát, có 455 cơ sở khám, chữa bệnh (chiếm 62%) có bộ phận công nghệ thông tin, còn 277 cơ sở khám, chữa bệnh (chiếm 38%) không có bộ phận công nghệ thông tin; hiện có tới 32,3% cơ sở khám, chữa bệnh chưa triển khai (hoặc đang có phương án triển khai) bệnh án điện tử… Chính vì vậy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống bệnh viện trong thời gian tới.
Ðể thúc đẩy cải tiến chất lượng bệnh viện, thời gian tới các cơ quan chức năng, Bộ Y tế cần sớm có hướng dẫn triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; ban hành các hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật làm cơ sở cho việc xây dựng giá viện phí; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước; xây dựng và hoàn thiện đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công...; xây dựng các phong trào thi đua cải tiến chất lượng, thiết lập các “sân chơi”, diễn đàn chất lượng… Về phía UBND các tỉnh, thành phố và sở y tế các địa phương, cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các bệnh viện trên địa bàn cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh…
Cải tiến chất lượng được xác định là nhiệm vụ “sống còn” đối với sự phát triển bệnh viện, cho nên lãnh đạo các đơn vị cần hết sức quan tâm vấn đề cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh bằng cách triển khai đầy đủ, nghiêm túc các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng và làm thực chất; đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về quản lý chất lượng; hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng tại đơn vị mình như: phòng, tổ quản lý chất lượng; nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng; tăng cường đào tạo, tập huấn về quản lý chất lượng; huy động các nguồn lực đầu tư cho cải tiến chất lượng…
Ðích đến của cải tiến chất lượng là sự hài lòng của người bệnh, do vậy các bệnh viện cần triển khai khảo sát sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế với tinh thần thực sự cầu thị, trân trọng các góp ý…
Ðể khuyến khích cũng như thúc đẩy cải tiến chất lượng bệnh viện, năm 2023 Bộ Y tế sẽ triển khai Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện, cùng với đó là các giải thưởng chuyên đề về an toàn người bệnh, an toàn phẫu thuật, chất lượng lâm sàng, chất lượng xét nghiệm, công tác dược bệnh viện, dinh dưỡng lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phát triển nguồn nhân lực y tế, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện và giải thưởng về đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.