Ðồng chí Dương Văn Thái: Có thể nói, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng đã được xây dựng rất công phu, khoa học, trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ, phù hợp xu thế phát triển của thời đại và điều kiện của đất nước. Một trong những vấn đề lớn tôi quan tâm là việc Ðảng và Nhà nước ta tiếp tục xác định hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, nhất là trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Trên thực tế, dù được coi là điểm đến hấp dẫn, song việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, khó khăn: Hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông dù đã cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nguồn cung tại chỗ cho các dự án FDI; chi phí logistics còn ở mức cao, ảnh hưởng đáng kể đến năng lực cạnh tranh quốc gia; nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn thiếu,… Ðó là vấn đề mang tính thời sự, gắn với sự phát triển của tỉnh Bắc Giang. Từ thực tiễn đặt ra, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, nhất là trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế được tỉnh Bắc Giang xác định và cụ thể hóa trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Với những định hướng, giải pháp của Trung ương nhằm tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; đổi mới, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành trong phát triển kinh tế,... sẽ tạo những tiền đề thuận lợi để các địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Giang vận dụng linh hoạt triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đã đề ra.
PV: Với tình hình thực tế và điều kiện cụ thể, Bắc Giang có giải pháp đột phá gì, để những định hướng và mục tiêu đó trở nên khả thi, thưa đồng chí?
Ðồng chí Dương Văn Thái: Bắc Giang là địa bàn trung du, miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, song với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, trong những năm qua, tỉnh đã lựa chọn hướng phát triển phù hợp, với giải pháp thiết thực, đột phá, đưa nền kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển. Tất cả 15 chỉ tiêu Ðại hội nhiệm kỳ trước đề ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Năm 2020, Bắc Giang là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước đạt 13,02%; thu nhập bình quân đầu người vượt mức trung bình của cả nước. Thu hút đầu tư cũng đạt kết quả rất tích cực, trong năm đã thu hút được gần 1,4 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, trong đó thu hút FDI đạt hơn 950 triệu USD, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Ngay trong tháng 1-2021, Bắc Giang đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho bốn dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 570 triệu USD. Trong số đó có dự án của nhà đầu tư Foxconn thực hiện dự án sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay cho Apple, với vốn đăng ký 270 triệu USD. Ðiều đó có nghĩa là Bắc Giang đã thu hút được "con chim đầu đàn" của ngành công nghệ thế giới về đây "làm tổ".
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Bắc Giang xác định một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá, trong đó có nhiệm vụ về tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và tình hình thực tế của địa phương để tập trung xây dựng môi trường kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm khuyến khích phát triển tất cả các thành phần kinh tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng và minh bạch. Tỉnh sẽ vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương vào điều kiện thực tế của tỉnh; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ các thủ tục gây cản trở, vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng. Ðồng thời, tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng dịch vụ thiết yếu... Từ đó, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, phát triển đa dạng các thành phần kinh tế; phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cả về số lượng và chất lượng. Tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, tập trung đào tạo lao động có tay nghề, kỹ thuật cao nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Quyết tâm chính trị và hành động cụ thể của cấp ủy, chính quyền cùng sự đồng lòng của nhân dân, chúng tôi tin tưởng mục tiêu đưa Bắc Giang vào nhóm 15 tỉnh, thành phố phát triển có quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!