Trong trận chung kết Giải Cúp bóng chuyền ASEAN Grand Prix 2022 tại Thái Lan, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thua đội chủ nhà Thái Lan với tỷ số 0-3, qua đó chấp nhận vị trí á quân, nhận Huy chương bạc. Điều mà giới chuyên môn đánh giá thầy trò của huấn luyện viên trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt đã thể hiện tốt là lối chơi của các tuyển thủ khá mạch lạc và có tinh thần thi đấu kiên cường, hết mình vì “mầu cờ, sắc áo” ở tất cả trận đấu tại giải, không buông xuôi cho dù bị đối thủ dẫn trước.
Sau SEA Games 31 (tháng 5/2022), Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã thay đổi ban huấn luyện mới với đội tuyển bóng chuyền nữ và tập trung từ tháng 7/2022. Tổng Thư ký Liên đoàn Lê Trí Trường cho biết: “Chúng tôi lựa chọn ông Nguyễn Tuấn Kiệt vào vị trí huấn luyện viên trưởng để thay huấn luyện viên Thái Thanh Tùng (từng dẫn dắt đội tuyển tại SEA Games 31) với mục tiêu không để công tác huấn luyện bị ngắt quãng, đứt đoạn và ban huấn luyện có thể xuyên suốt chương trình tập luyện chuyên môn dài hơi, kéo dài đến SEA Games 32 vào năm sau.
Huấn luyện viên trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt từng huấn luyện đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tại SEA Games 30 năm 2019 ở Philippines và xây dựng cho đội tuyển lối chơi theo phương pháp chuyên môn của ông. Cũng vì vậy, khi trở lại đội tuyển vào lúc này, vị chiến lược gia của bóng chuyền nữ Việt Nam có thêm cơ hội tiếp tục theo đuổi lối đánh do mình đã xây dựng trước đó. Ông Nguyễn Tuấn Kiệt cũng chia sẻ: “Để tăng cường chuyên môn tốt nhất cho vận động viên thì trang thiết bị phụ trợ khi tập luyện cần đầy đủ. Thí dụ như thảm sàn đấu tập luyện của đội tuyển quốc gia cũng cần loại tốt chứ không phải loại thảm đã xuống cấp do đã dùng lâu năm. Bên cạnh đó, vận động viên cần thêm tạ tập bổ trợ thể lực, các đồ uống dinh dưỡng bổ sung cho cơ thể. Điều này phụ thuộc nhiều ở kinh phí.
Trước khi lên đường thi đấu tại Philippines và Thái Lan ở hai giải vừa qua, huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt cùng ban huấn luyện đã cho các tuyển thủ tập luyện nhiều bài chiến thuật chuyên môn, nhưng điều được vị huấn luyện viên trưởng này đẩy lên cao nhất với từng người là tinh thần thi đấu. Thực tế chứng minh tại Cúp bóng chuyền nữ châu Á 2022, trong trận gặp đối thủ mạnh là đội tuyển nữ Trung Quốc, cầu thủ Việt Nam để thua hai ván đầu, song lấy lại tinh thần chơi quyết tâm và bất ngờ thắng lại hai ván tiếp theo rồi đưa trận đấu vào ván thứ năm để phân thắng bại.
Đội tuyển nước ta chỉ thua chung cuộc sít sao đối thủ trong ván này chứ không hề thua cách biệt với tỷ số 2-3. Kết thúc giải đấu, bóng chuyền nữ Việt Nam đứng hạng tư. Trong khi đó, chung kết Cúp bóng chuyền ASEAN Grand Prix 2022 cũng là một thí dụ chứng minh cụ thể điều ấy. Đội tuyển nữ Việt Nam đã có một trận thi đấu quyết tâm trước đối thủ mạnh Thái Lan và chỉ chấp nhận thua trong thế giằng co chứ không phải bị áp đảo hoàn toàn.
“Trong cả hai giải, chúng tôi đã cố gắng cải thiện khâu bắt bóng bước một cho cầu thủ đội tuyển. Với thời gian tập trung rồi bước vào thi đấu quá ngắn, những gì cầu thủ của chúng tôi đã thể hiện là sự cố gắng rất lớn. Theo tôi nhìn nhận, các tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam nói chung và nữ nói riêng đều ít được thi đấu cọ xát quốc tế, cho nên vào sân dễ bị những tác động tâm lý trước đối thủ.
Thời gian tới, nếu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cải thiện công tác tổ chức thi đấu, tăng cường cho đội tuyển và các câu lạc bộ tham gia những giải quốc tế nhiều hơn, chắc chắn các cầu thủ bóng chuyền Việt Nam sẽ tự tin và không e dè khi ra sân”- huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết.
Hiện tại, các thành viên đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã trở lại đơn vị chủ quản để chuẩn bị cho những giải tiếp theo ở trong nước. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho biết sẽ vẫn tiếp tục theo dõi chuyên môn của tuyển thủ hiện tại và tìm kiếm các gương mặt triển vọng mới để đưa vào danh sách tập trung giai đoạn tiếp theo (dự kiến tháng 1/2023).
Theo Ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, nên triệu tập cầu thủ lên đội tuyển quốc gia đông hơn để từ đó sự lựa chọn được các tuyển thủ cho từng vị trí một cách hiệu quả, thay vì chỉ tập trung vừa đủ 14 cầu thủ như hiện tại.