Ðổi mới công nghệ khai thác
Những năm qua, việc TVN cho các đơn vị sản xuất mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ khai thác là một bước đi chiến lược, không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng than, mà còn giúp thợ mỏ bớt đi phần nào những công việc nặng nhọc, bảo đảm an toàn trong sản xuất. Tại các đơn vị sản xuất than hầm lò, việc thay cột chống gỗ bằng cột chống thủy lực đơn và giàn chống thủy lực di động đã góp phần tăng công suất khai thác các lò chợ, bảo đảm an toàn hơn việc chống bằng cột gỗ.
Công ty than Hòn Gai có ba xí nghiệp khai thác than hầm lò, gồm tám lò chợ đều sử dụng cột chống thủy lực và giàn chống thủy lực di động. Năm 2005, công ty phấn đấu sản xuất hơn 1,2 triệu tấn than nguyên khai, đến hết ngày 28-4, công ty đã sản xuất được hơn 390 nghìn tấn. Anh Dương Văn Chi, Quản đốc công trường vỉa 13 Xí nghiệp than Cao Thắng (Công ty than Hòn Gai) cho biết: Trước đây, thợ mỏ vào lò, ngoài cuốc, xẻng... mỗi người còn phải vác thêm một cây cột gỗ nữa, nhưng bây giờ thì khỏe rồi, cứ nhẹ nhàng đi vào lò sản xuất than. Các phương tiện bảo đảm an toàn được kiểm tra kỹ trước khi thợ vào làm việc trong lò. Các đường lò luôn được bảo đảm thông gió, đo nhiệt độ, hàm lượng khí, nếu thấy không an toàn thì dừng sản xuất ngay.
Trên các khai trường đều có nhà ăn, nhà tắm nước nóng, dây chuyền giặt, sấy quần áo bảo hộ lao động phục vụ thợ mỏ sau mỗi ca sản xuất. Bữa ăn bồi dưỡng độc hại giữa ca được nâng lên 10 nghìn đồng/người, ngoài các món ăn còn có thêm sữa tươi, sữa đậu nành để thợ mỏ bồi dưỡng thêm. Trong số 1.400 thợ mỏ của công ty, có hơn 400 anh em xa gia đình, để giải quyết chỗ ở ổn định cho họ yên tâm sản xuất, công ty đã xây dựng năm lô nhà tập thể cấp bốn, bố trí ba người chung một phòng, mỗi tháng chỉ phải trả 30 đến 40 nghìn đồng tiền điện, nước.
Chăm lo đời sống thợ mỏ
Là đơn vị khai thác than lộ thiên, Công ty than Núi Béo năm 2005 được TVN giao kế hoạch khai thác 2,4 triệu tấn than nguyên khai, bốc xúc 16 triệu m3 đất đá. Ðể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, công ty đã đầu tư thêm nhiều thiết bị khoan, gạt, máy xúc, ô-tô vận tải và các thiết bị phụ trợ khác. Việc triển khai quy chế quản lý tiền lương mới áp dụng thanh toán lương hằng tháng cho cán bộ, công nhân ngày càng có tác dụng khuyến khích người lao động nâng cao năng suất lao động.
Công ty đã nâng mức ăn công nghiệp cho công nhân từ 5.000 đồng lên 7.000 đồng/người/bữa. Công nhân được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội và cấp phát trang phục bảo hộ lao động, cũng như chế độ bồi dưỡng độc hại đúng đối tượng, thời gian. Ðiều kiện lao động của công nhân trực tiếp sản xuất không ngừng được cải thiện. Công ty trang bị các phương tiện y tế hiện đại, bổ sung nhiều loại thuốc chữa bệnh mới với số lượng lớn cho các trạm y tế gần khu vực sản xuất. Hằng năm, cán bộ, công nhân đều được khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Công trường than 1 là đơn vị chế biến than chủ lực của công ty, với 306 công nhân (trong đó 196 công nhân nữ), là một trong những đơn vị có nhiều cố gắng trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chị Ðỗ Thị Bình, công nhân chế biến than cho biết: Trước đây, việc chế biến than đều làm thủ công, chị em công nhân vất vả. Nhưng, từ khi công ty đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, lắp đặt sàng lớn, thì chị em đỡ vất vả hơn rất nhiều, năng suất lao động theo đó cũng tăng lên. Tháng 3 thu nhập của chị Bình được hai triệu đồng, chồng chị cũng công tác trong ngành than, cho nên cộng thu nhập của cả hai vợ chồng cũng đủ bảo đảm cuộc sống, nuôi hai con ăn học.
Rời khối chế biến ra đến khai trường của Núi Béo, chúng tôi gặp các thợ lái máy xúc Ðàm Văn Hùng và lái xe ben-la Vũ Quang Trung, được biết tháng 3 thu nhập của anh Hùng được 6,8 triệu đồng, anh Trung 5,9 triệu đồng. Các anh đều rất vui và phấn khởi vì cơ chế tiền lương đã khuyến khích người thợ hăng say lao động, cuộc sống được bảo đảm tốt hơn trước. Công ty đã phối hợp TVN và công đoàn công ty xây tặng chị Vũ Thị Vui (Công trường than 1) và anh Lương Viết Biểu (Nhà máy cơ khí Hòn Gai) hai căn nhà đoàn kết trị giá hơn 26 triệu đồng/căn, diện tích khoảng 50 m2, để ổn định cuộc sống, yên tâm lao động.
Ðể tìm hiểu rõ thêm về đời sống, mức thu nhập của thợ mỏ, chúng tôi đến Công ty tuyển than Hòn Gai. Vài năm trước đây, công ty là một trong những đơn vị "nghèo" nhất trong TVN. Năm 1997, nhà máy tuyển chuyển toàn bộ ra khỏi TP Hạ Long, đồng thời tách ra khỏi Công ty than Hòn Gai trở thành một đơn vị độc lập trực thuộc TVN. Do sản lượng than đưa vào sàng tuyển thấp, chỉ khoảng 1 triệu tấn/năm, cho nên thu nhập, cũng như đời sống của hơn 1.400 cán bộ, công nhân gặp nhiều khó khăn. Giám đốc kiêm Bí thư Ðảng ủy công ty Bùi Thế Ninh cho biết: Sau khi bàn bạc, được sự nhất trí cao của tập thể cán bộ, công nhân, công ty đã mạnh dạn đề xuất với TVN cho phép đầu tư nốt những hạng mục, dây chuyền như: hệ thống sàng, xoáy lốc; hệ thống hồ chứa than bùn, sáu cầu trục póc-tíc bốc bùn; hệ thống đường sắt, vận tải than kéo mỏ... để phát huy hết công suất dây chuyền sàng tuyển. Mặt khác, được TVN tạo điều kiện, các đơn vị khai thác than cũng ủng hộ bằng các cam kết đưa than kéo mỏ đúng tiến độ, khối lượng.
Năm 2004 vừa qua, lần đầu sản lượng Nhà máy tuyển than Hòn Gai đạt công suất thiết kế hai triệu tấn/năm. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm nay, công ty phấn đầu từng bước nâng dần sản lượng lên 2,3 đến 2,5 triệu tấn. Nhờ đó, đời sống của công nhân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân cũng dần tăng lên, năm 2004 đạt mức 2,7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2004, ngoài đóng góp, ủng hộ cho các quỹ xã hội, từ thiện trên địa bàn, công ty còn đầu tư hơn 100 triệu đồng sửa chữa nhà cửa đã cũ, dột nát, mua các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho các gia đình công nhân khó khăn trong công ty. Hiện nay, công ty đang tiếp tục khảo sát, đánh giá và lên kế hoạch sửa chữa nhà cho 14 gia đình khác.
Qua tìm hiểu một số đơn vị thành viên TVN, mà trực tiếp là những người thợ mỏ, chúng tôi hiểu được phần nào những việc làm mà ngành than và các đơn vị đã và đang làm chính là cho vùng mỏ, cho thợ mỏ. Ngoài việc cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm thu nhập và việc làm cho thợ mỏ, đời sống văn hóa, tinh thần cũng được chú trọng; xây dựng các nhà trẻ, trường học cho con em công nhân, các nhà thi đấu, sân bóng, nhà văn hóa. Các khu tập thể công nhân được quy hoạch, xây dựng thành các làng văn hóa.
Ðây chính là nét đẹp truyền thống của đội ngũ thợ mỏ được gìn giữ và phát huy trong hàng chục năm qua.