Cải tạo ao, hồ các huyện ven đô

Trong quá trình đô thị hóa, rất nhiều ao, hồ tại các quận nội thành Hà Nội bị san lấp, hoặc để xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài. Rút kinh nghiệm từ thực tế này, tại các huyện ven đô, nhất là những huyện chuẩn bị phát triển thành quận như: Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng…, chính quyền địa phương đã triển khai các hoạt động bảo vệ, gìn giữ ao, hồ.
0:00 / 0:00
0:00
Ao, hồ thôn Hội Phụ (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) được cải tạo khang trang, sạch đẹp.
Ao, hồ thôn Hội Phụ (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) được cải tạo khang trang, sạch đẹp.

Hàng trăm ao, hồ đã được kè, cải tạo trong những năm qua, giữ hình ảnh “Thành phố sông, hồ” của Thủ đô Hà Nội.

Những năm trước, mặc dù chính quyền thôn thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, nhưng thi thoảng vẫn có người mang rác thải, vật liệu xây dựng đổ ở ao Ngõ Cả đầu làng Hội Phụ (xã Đông Hội, huyện Đông Anh). Khi Đông Anh rục rịch “lên quận”, nhiều người lo lắng ao làng sẽ bị lấn chiếm, san lấp để xây nhà. Nhưng rồi thay vì bị san lấp, ao Ngõ Cả và một số ao làng khác được Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh đầu tư, cải tạo. Sau nhiều tháng chờ đợi, kết quả ai cũng bất ngờ. Ao được kè lại sạch sẽ, tinh tươm. Quanh ao có vỉa hè đi dạo. Cây cối trồng ngay ngắn, thẳng tắp.

Những con đường quanh ao được rải nhựa phẳng phiu. Cách ao Ngõ Cả một quãng là ao Chùa, vốn nằm lọt thỏm trong làng, cũng được cải tạo khang trang. Bờ kè ao được lắp lan can, lại có cả ghế đá để người dân ngồi nghỉ ngơi, thư giãn. Những chiếc ao được kè cũng khiến nhịp sống người dân thay đổi hẳn. Ngày ba buổi sáng, chiều, tối, nhiều người đi dạo, tập thể dục quanh ao. Buổi tối, đèn điện quanh ao thắp sáng trưng.

Bà Đặng Thị Tân, người dân làng Hội Phụ chia sẻ: “Nghe nói nhiều nơi ao làng bị lấn chiếm, rồi ô nhiễm, chúng tôi cũng cứ lo ao làng mình rồi cũng thế. Nhưng giờ thì khang trang, sạch sẽ lắm. Ao làng do các cựu chiến binh phụ trách trông nom, chăm sóc. Làng Lại Đà bên cạnh cũng đã cải tạo liền một lúc hai cái hồ to. Ai cũng phấn khởi”.

Ao làng được “thay áo mới” không phải là chuyện ở Đông Hội, mà đã và đang diễn ra ở nhiều huyện ven đô của Hà Nội, nhất là tại địa bàn các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thường Tín... Trong đó, Đan Phượng là huyện tiên phong trong cải tạo ao, hồ. Thời điểm trước năm 2009, nhiều ao, hồ trên địa bàn huyện Đan Phượng bị ô nhiễm. Huyện đã thực hiện chủ trương “cứu” ao làng bằng việc đầu tư kè bờ, cải tạo không gian quanh ao.

Chủ trương hợp lòng dân cho nên nhiều nơi người dân hăng hái đóng góp tiền của, công sức để cải tạo ao làng. Điển hình trong đó phải kể đến xã Song Phượng với bốn thôn Tháp Thượng, Thống Nhất, Thu Quế và Thuận Thượng, mỗi thôn đều có ít nhất một ao làng. Các ao được kè, xây lan can, thả cây thủy sinh… Riêng ao thôn Thống Nhất còn được cải tạo để trẻ em có thể tập bơi. Người dân gọi đó là những “ao sinh thái”. Cùng với việc cải tạo ao làng, huyện Đan Phượng cũng thiết kế đường thoát nước thải riêng không đổ vào những ao sinh thái. Việc bảo vệ môi trường ao làng được giao cho các đoàn thể địa phương.

Nhiều nơi sau khi cải tạo ao, người dân đóng góp trang trí cây, hoa và mua sắm dụng cụ luyện tập thể dục, thể thao. Huyện Gia Lâm cũng đẩy mạnh cải tạo ao làng từ năm 2016, nhất là trong mấy năm gần đây, khi triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới phát triển thành quận, nhiều nơi, ao làng được cải tạo khang trang mang dáng dấp của một đô thị hiện đại…

Huyện Đông Anh là địa bàn diễn ra các hoạt động cải tạo ao, hồ sôi động nhất. Từ năm 2018, Hội đồng nhân dân huyện đã ban hành Đề án quản lý hệ thống ao, hồ kết nối với hệ thống sông ngòi đến năm 2025 và các năm tiếp theo. Theo đề án, Đông Anh có 163 ao, hồ cần cải tạo. Huyện triển khai cải tạo đồng loạt ao hồ trên địa bàn.

Đến nay huyện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn 100 ao, hồ các loại. Xã Dục Tú là một trong những điểm sáng về môi trường trên địa bàn. Trước đây, ao Đình Tràng từng ô nhiễm và bị 40 hộ dân lấn chiếm. Sau khi được tuyên truyền, hiểu rõ chủ trương của địa phương về việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các thôn, làng, người dân đã tự nguyện, tự giác trả lại mặt bằng để cơ quan chức năng tiến hành công tác cải tạo.

Hiện giờ ao đã được cải tạo, quanh ao còn trồng nhiều cây xanh, tạo cảnh quan đẹp. Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Dục Tú, huyện Đông Anh cho biết, việc cải tạo ao Đình Tràng là một trong những thắng lợi đầu tiên trong công tác tuyên truyền về chủ trương nâng cấp cơ sở hạ tầng tại xã Dục Tú. Bởi từ những hộ gia đình tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng để chính quyền tiến hành xây bờ kè, cải tạo cảnh quan, đến nay xã đã có 11 ao, hồ được đầu tư, nâng cấp trở thành những điểm sáng về cảnh quan, môi trường.

Hà Nội vốn được mệnh danh là “Thành phố sông, hồ”. Việc chú trọng cải tạo ao, hồ ở các huyện ven đô vừa tạo hình mẫu cho các địa phương khác, đồng thời, cũng là sự kế thừa, phát huy bản sắc “Thành phố sông, hồ” của Thủ đô.