"Cái nôi" của nghệ thuật bài chòi

Quá trình khảo sát, tìm hiểu, các nhà nghiên cứu cho rằng: Bình Định là "cái nôi" của bài chòi và đang lưu giữ được truyền thống biểu diễn bài chòi với hội đánh bài chòi dân gian. Trên cơ sở đó, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận bài chòi Bình Định là di sản cấp quốc gia và đồng ý lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hội chơi đánh bài chòi trong một dịp lễ hội tại Bình Định.
Hội chơi đánh bài chòi trong một dịp lễ hội tại Bình Định.

Trò chơi đánh bài chòi và hát dân ca bài chòi đã có lịch sử hàng trăm năm ở các tỉnh Nam Trung Bộ, bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất, giao thoa văn hóa và sự sáng tạo nghệ thuật của người dân bản địa. Bài chòi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhiều tầng lớp nhân dân, thu hút cả người già và lớp trẻ ở mọi vùng miền trên dải đất miền trung, không những trong dịp Tết mà còn ở các lễ hội của địa phương.

Bởi tính dân dã, mộc mạc và vui nhộn cho nên trò chơi nghệ thuật dân gian này thu hút rất nhiều người tham gia và cổ vũ. Ý nghĩa của nó còn vượt ra khỏi một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian đơn thuần là nơi người nghệ nhân trổ tài ứng tác và biểu diễn, vừa hát hô, đối đáp; và đặc biệt hội đánh bài chòi, diễn bài chòi còn là môi trường giao tiếp cộng đồng và là nơi nam thanh, nữ tú đến gặp gỡ, giải trí, tìm hiểu, trao duyên... Hội bài chòi cổ thường được tổ chức ở những nơi công cộng rộng rãi, thoáng mát như ở quảng trường phường xã, hoặc ở ngã ba đầu làng, sân đình. Trong những năm gần đây, loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian này cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ trẻ kế cận và do các hình thức giải trí ngoại lai chi phối. Vì vậy, công tác bảo tồn nghệ thuật bài chòi cổ là hết sức cấp bách.

Tại cuộc hội thảo khoa học: "Phát triển sân khấu ca kịch bài chòi miền trung" do Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Viện Sân khấu Việt Nam tổ chức tại Nha Trang tháng 10-1991, có ý kiến cho rằng: cái gốc của các làn điệu cổ, xuân nữ, xàng xê, cổ bản... đang sử dụng trong hát bội và cải lương, đều bắt nguồn từ bài chòi mà ra. Duy nhất một điều được mọi người đồng ý với nhau: là các điệu thức trong hô bài chòi có nhiều nét tương đồng với hát bộ và cải lương.

Đây không phải là sự pha tạp để làm mất cái nguyên gốc ban đầu của bài chòi, mà chỉ nên thêm vào hơi hướng tuồng, cải lương để cho bài hô phong phú hơn, hay hơn. Tuy nhiên, nếu loại hình nghệ thuật dân gian này chạy theo hướng thương mại hóa thì sự cố gắng dù cho có thành công đến mấy, cũng không thể thay thế được, bởi bài chòi đã sống cùng với dân tộc suốt dòng chảy của thời gian hàng trăm năm. Hiện nay, riêng Bình Định đã có tới mười đoàn bài chòi không chuyên, nhưng diễn hay như chuyên nghiệp và hàng trăm Câu lạc bộ bài chòi ở khắp làng, xã. Đây cũng là nơi còn tồn tại Hội đánh bài chòi cổ thường xuyên được tổ chức rất sôi nổi ở TP Quy Nhơn và các huyện phụ cận. Nhiều cuộc liên hoan và hội thảo khoa học về bài chòi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn tổ chức tại Bình Định. Trong số ba đoàn nghệ thuật bài chòi của vùng Nam Trung Bộ thì Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định được đánh giá cao bởi vẫn giữ được bản sắc. Tuy vậy, điều đáng băn khoăn là sân khấu bài chòi đang có xu hướng cách tân, hiện đại hóa làm cho chất dân gian mộc mạc của bài chòi bị mờ nhạt. Bên cạnh sân khấu bài chòi, Bình Định hiện lưu giữ khá tốt vốn bài chòi cổ trong dân gian và nghệ thuật bài chòi truyền thống vẫn được đông đảo nhân dân yêu thích.

Điều này đã khẳng định sức sống của nghệ thuật bài chòi ở Bình Định, đồng thời là động lực cho những người tâm huyết làm hết sức mình trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi.

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn tỉnh Bình Định đại diện cho sáu tỉnh, thành phố ở khu vực Nam Trung Bộ để làm công tác khảo sát, kiểm kê khoa học về bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể là một quyết định phù hợp và khả thi, bởi có thể nói, Bình Định là cái nôi của loại hình nghệ thuật này, nhất là nơi đây đang còn lưu giữ lễ hội bài chòi cùng hàng chục đoàn bài chòi dân gian khá mạnh. Trên cơ sở đó, với sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, tỉnh Bình Định cùng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ để trình UNESCO xét duyệt, công nhận bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Để chuẩn bị xây dựng hồ sơ, Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi hướng tới UNESCO công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại" sẽ được tổ chức tại Bình Định ngày 24-10 với sự tham gia của hàng trăm nhà quản lý, nghiên cứu và nghệ sĩ.

Hội thảo nhằm làm rõ hơn những giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa của di sản nghệ thuật bài chòi, tôn vinh và góp phần thiết thực bảo vệ loại hình nghệ thuật độc đáo này của vùng Nam Trung Bộ.

Có thể bạn quan tâm