Các tỉnh Tây Nguyên thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Năm 2017, các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn của các tỉnh vùng Tây Nguyên thụ hưởng Chương trình 135 được Nhà nước đầu tư gần 460 tỷ đồng để xây dựng, tu bổ các công trình thủy lợi, hệ thống đường giao thông nông thôn, chợ nông thôn, công trình cấp nước hợp vệ sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào...

Làm đường giao thông vào xã Ia Pết, huyện Đác Đoa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: ĐỨC THỤY
Làm đường giao thông vào xã Ia Pết, huyện Đác Đoa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: ĐỨC THỤY

Các tỉnh trong vùng thực hiện tốt chính sách định canh định cư, chính sách đối với người có uy tín, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở đối với các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn đối với đồng bào vùng khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số... Đối với các tỉnh như: Đác Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, không còn quỹ đất để giải quyết đất sản xuất cho người dân, đã linh hoạt chuyển sang hỗ trợ chăn nuôi bò, mua nông cụ phục vụ sản xuất theo yêu cầu của đồng bào…

Hầu hết các công trình, dự án của Chương trình 135 được triển khai thực hiện đều dựa trên nhu cầu, nguyện vọng của người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi trên địa bàn.

* Phú Thọ đề cao trách nhiệm nêu gương trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Tỉnh ủy Phú Thọ triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định khâu đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gồm nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị; thực hiện tốt đạo đức công vụ, xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên, công chức tận tụy, liêm khiết, gần dân, trọng dân, hết lòng phục vụ nhân dân, nhất là việc đổi mới phong cách, tác phong công tác, chống bệnh thành tích, thực hành chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc, nói đi đôi với làm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các đồng chí cấp ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch định kỳ đi cơ sở để nắm tình hình; tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương. Đối với những nơi hoàn thành nhiệm vụ nhưng đạt kết quả thấp và những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, cấp trên chỉ đạo kiểm điểm sâu ở các cuộc họp chi bộ, cấp ủy thường kỳ hoặc kiểm điểm cuối năm. Sau kiểm điểm, từng tập thể, cá nhân xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm.

Theo đó, nhiều cấp ủy có cách làm sáng tạo. Huyện ủy Tam Nông xây dựng phiếu tự đánh giá theo thang điểm, mức độ suy thoái trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) gồm 27 nội dung chia làm ba cấp độ để có biện pháp chấn chỉnh, gợi ý kiểm điểm hoặc xem xét hình thức xử lý kỷ luật; xây dựng, cấp phát cho các đảng bộ, chi bộ trực thuộc “Sổ ghi nhận tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Huyện ủy Thanh Sơn tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, nhất là vai trò của người đứng đầu,...