Nhiều khoản đầu tư lớn vào thị trường bán lẻ
Theo Bangkok Post, mới đây, Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, Tập đoàn Central Retail Corporation (CRC) công bố khoản đầu tư lớn nhất, trị giá 50 tỷ baht (1,45 tỷ USD) vào Việt Nam giai đoạn 2023-2027.
Theo Giám đốc điều hành Yol Phokasub, CRC coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục. Với chỗ đứng vững chắc của CRC trong nước, công ty đã đặt ra lộ trình 5 năm để tiếp tục mở rộng, phân bổ 50 tỷ baht trong thời gian 5 năm.
Là một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, hiện tại, Central Retail Việt Nam có hơn 340 cửa hàng với tổng diện tích sàn hơn 1,2 triệu m2 trên 40 tỉnh, thành phố.
Công ty đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu bán hàng nhanh chóng trong nước, tăng từ 300 triệu baht năm 2014 lên 38,6 tỷ baht vào năm 2021.
Central Retail Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600 trên 57 trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam vào năm 2027, với tổng diện tích sàn dự kiến đạt 2 triệu m2
Ông Olivier Langlet, Giám đốc điều hành của Central Retail Việt Nam đánh giá: “Nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng bất chấp những bất ổn. Tôi kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt là 6,7% và 7,2% vào năm 2023 và 2024, so mức 3,5%/năm của Thái Lan trong 2 năm tới. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á”.
Theo kế hoạch mở rộng, Central Retail Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600 trên 57 trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam vào năm 2027, với tổng diện tích sàn dự kiến đạt 2 triệu m2. “Central Retail Vietnam đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ thực phẩm đa kênh số 1 và số 2 về số lượng trung tâm mua sắm tại Việt Nam vào năm 2027”, ông Langlet cho biết.
Không chỉ riêng Central Retail Việt Nam mà nhiều kênh bán lẻ khác cũng dự kiến tăng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đơn cử, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đang lên kế hoạch từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội; đồng thời sẽ ra mắt các mô hình bán lẻ mới.
Đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Thường trực WinCommerce chia sẻ, năm 2023, WinCommerce bên cạnh việc duy trì 3.400 siêu thị và cửa hàng tiện ích tại 62 tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng các kênh phân phối của người Việt để phục vụ cho người tiêu dùng Việt. |
Kỳ vọng khởi sắc
Số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tháng 1/2023 đạt 544.800 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số khả quan trong bối cảnh thị trường vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép lạm phát, chi tiêu của người dân sụt giảm.
Hiện, tổng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đạt khoảng trên 140 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên khoảng 350 tỷ USD vào năm 2025. Con số này sẽ đóng góp khoảng 59% GDP cả nước. Ngành bán lẻ cũng là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên, về quy mô của kênh bán lẻ hiện đại đang còn rất khiêm tốn, mới chiếm khoảng 25% trên tổng quy mô thị trường trong khi đó tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là khá cao như: Thái Lan 48%, Phillipines 75% và Singapore 80%...
Việc tăng quy mô của kênh bán lẻ hiện đại sẽ đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất trong nước, chuyển dịch mô hình sản xuất hiện đại, an toàn, đảm bảo kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị, thương hiệu và bền vững.
Chính phủ ta cũng xác định đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng là 3 mũi nhọn chính của phát triển kinh tế Việt Nam.
Sau đại dịch, bán lẻ của nước ta hồi phục nhanh chóng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đã tăng gần 20%, vượt kế hoạch đề ra (8%). Có gần 54% các doanh nghiệp bán lẻ công bố đạt hiệu quả kinh doanh bằng hoặc vượt mức trước dịch.
Tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất lớn ở chỗ kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam hiện mới chiếm 25%, còn dư địa rất rộng lớn để phát triển.
Tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất lớn ở chỗ kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam hiện mới chiếm 25%, còn dư địa rất rộng lớn để phát triển. Số cửa hàng tự chọn như siêu thị mini hiện có 4.000 nhưng nếu so với Nhật Bản hay các quốc gia lân cận khác thì còn rất thấp.
Nhận định về thị trường bán lẻ trong năm 2023, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia bán lẻ dự báo, hiện thị trường bán lẻ Việt Nam đang trên đà hồi phục tốt với mức tăng trưởng bằng thời điểm trước dịch. Ông Phú cũng đánh giá cao nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư vào ngành bán lẻ và cho rằng đây chính là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường trong năm 2023. Tuy nhiên, việc các nhà bán lẻ nước ngoài ồ ạt đổ vốn vào thị trường Việt Nam cũng gây nên sức ép nhất định đến “miếng bánh” thị phần cho doanh nghiệp bán lẻ nội địa.
“Trước tình hình này, Chính phủ, các bộ, ngành phải có chính sách hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ trong nước phát triển. Vì lý thuyết của kinh tế thương mại là nếu không nắm được phân phối sẽ không nắm được sản xuất. Do đó, bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành bán lẻ thì việc xây dựng được các kênh bán lẻ Việt của người Việt cũng là điều vô cùng quan trọng”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Về phía các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, thách thức hiện hữu của các nhà bán lẻ nội địa chính là năng lực cạnh tranh với các nhà bán lẻ FDI về quy mô không chỉ ở Việt Nam, với lợi thế chuỗi liên kết toàn cầu giữa các Nhà sản xuất và nhà bán lẻ FDI. Ngoài ra, các chi phí cao từ logistics, chi phí thuê mặt bằng cao cũng đặt ra những bài toán lớn đối với các nhà bán lẻ.
Để phục hồi và phát triển thị trường bán lẻ năm 2023, ông Vũ Vinh Phú “hiến kế”, doanh nghiệp cần có sự chủ động dự trữ hàng hóa, cân đối cung cầu bằng cách bắt tay với các hợp tác xã, nông dân để vừa có được nguồn hàng với giá cả ổn định, vừa giải quyết được tình trạng “được mùa mất giá” như thời gian qua.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy bán hàng đa kênh để không bỏ lỡ bất kỳ khách hàng tiềm năng nào vào tay đối thủ, “khách hàng ở đâu thì doanh nghiệp xuất hiện ở đó”, cung cấp trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng từ các kênh online như Website, Facebook, Zalo... cho đến các kênh offline - các cửa hàng bán lẻ truyền thống, bán buôn, phân phối đến các hệ thống khác.
Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng thương hiệu. Đây yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại của mỗi doanh nghiệp. Người tiêu dùng sẽ lựa chọn hàng của những doanh nghiệp luôn coi “khách hàng là thượng đế”, luôn tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Đó cũng là cách tạo dựng thương hiệu và uy tín, là văn hóa doanh nghiệp.