Tốc độ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng trong năm 2023 sẽ rõ ràng hơn khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi trên diện rộng và các số liệu tăng trưởng trở lại quỹ đạo trung hạn và ổn định hơn. Điều này được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước ngày càng tăng, cũng như sự phục hồi dự kiến của du lịch quốc tế. Tuy nhiên, tăng trưởng chi tiêu thực tế của hộ gia đình sẽ bị kìm hãm trong năm 2023 do ảnh hưởng của lạm phát gia tăng. Điều này cũng sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng trong thời gian còn lại của giai đoạn dự báo (2023-2027) và sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thói quen mua hàng, chẳng hạn như việc tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và hạn chế tăng trưởng trong chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu.
Dữ liệu mới nhất về doanh số bán lẻ danh nghĩa cho thấy sự phục hồi doanh số bán lẻ chậm lại trong nửa cuối năm 2022. Doanh số bán lẻ tháng 1/2023 tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng so với mức tăng trưởng 17,1% của tháng trước. Số liệu tháng 1 được đánh giá là mạnh nhất trong thương mại bán lẻ kể từ tháng 9/2022 cho thấy mức tiêu thụ vẫn mạnh do ảnh hưởng của đại dịch giảm dần. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ là sự hồi phục trong chi tiêu của người tiêu dùng, cũng như tăng trưởng xuất khẩu ròng. Tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước sẽ ổn định trong năm, ở mức 2,2% lực lượng lao động, trong khi lạm phát dự kiến sẽ tăng cao hơn, đạt mức trung bình 4,5% trong năm.
Doanh số bán lẻ tháng 1/2023 tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: NAM ANH |
Trong năm 2023, dự báo đồng Việt Nam sẽ tiếp tục giảm giá so với đồng USD. Điều này sẽ tạo ra một số khó khăn khi nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Nhìn chung, tăng trưởng sẽ giảm trong các quý tới, do nền kinh tế phải đối mặt với những trở ngại ngày càng lớn xuất phát từ lạm phát gia tăng, đồng Việt Nam giảm giá và nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại.
Ở nhiều thị trường, áp lực lạm phát vẫn tăng cao và trong khi tốc độ thay đổi giá đang chậm lại. Giá vẫn cao hơn mục tiêu của các ngân hàng trung ương, cũng như những gì người tiêu dùng đã quen thuộc trong thập kỷ qua. Giá của một số hạng mục, chẳng hạn như tiền thuê nhà, dịch vụ và một số loại thực phẩm, vẫn ở mức cao hơn vào năm 2023. Nếu tiền lương danh nghĩa không thể theo kịp với tỷ lệ lạm phát cao này, người tiêu dùng sẽ tiếp tục thấy sức mua bị xói mòn. Sự tăng giá không đồng đều trên các loại mặt hàng khiến người tiêu dùng sẽ ngày càng phải phân bổ thu nhập khả dụng của họ nhiều hơn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
Tại Việt Nam, lạm phát đang có xu hướng tăng, đạt 4,9% so với cùng kỳ vào tháng 1/2023. Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất trong cả nước kể từ tháng 3/2020. Mức tăng chủ yếu là do giá cả hầu hết các mặt hàng đều tăng mạnh. Ngoài ra, vào tháng 1/2023, lạm phát thực phẩm ở mức 3,7% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ tháng 12/2021. Do người tiêu dùng đang tập trung chi tiêu vào các nhu yếu phẩm khi ngân sách thắt chặt, họ sẽ cảm nhận được chi phí gia tăng đối với các nhu yếu phẩm hằng ngày. Nhóm chuyên gia về Rủi ro quốc gia của Fitch Solutions dự báo lạm phát sẽ giảm dần vào năm 2023, trung bình 4,5% hằng năm và kết thúc năm ở mức 4%. Rủi ro hiện nay là lạm phát vẫn tăng ở mức này trong thời gian dài hơn dự đoán, điều này sẽ đẩy nhanh quá trình xói mòn sức mua của các hộ gia đình.
Các khoản nợ tín dụng hộ gia đình cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng tiêu dùng. Hiện tại, nợ tư nhân chiếm khoảng 130,2% GDP danh nghĩa trong quý II/2022, một con số tương đối cao. Khi lãi suất repo và lãi suất bắt đầu tăng, chi phí trả nợ cũng tăng theo. Điều này có nghĩa các hộ gia đình sẽ ngày càng phải phân bổ thu nhập khả dụng để trả nợ, gây áp lực giảm chi tiêu trong tương lai, gây thêm áp lực lên ngân sách hộ gia đình.
Hiện tại, vẫn có các vấn đề về chuỗi cung ứng gây áp lực lên các nhà sản xuất, với tình trạng tắc nghẽn và thiếu hụt hàng tiêu dùng đang nổi lên. Cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục gây áp lực đáng kể về nguồn cung đối với một số mặt hàng chính, đặc biệt là nguồn cung cấp thực phẩm, đẩy giá cuối đối với nhiều loại hàng tiêu dùng lên cao. Một số thị trường đã phản ứng bằng cách đặt ra các hạn chế riêng đối với việc xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm, gây thêm áp lực lên giá cả toàn cầu. Cuối cùng, với việc hầu hết các nền kinh tế đều báo cáo tình trạng suy thoái trong năm 2023, nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp cao hơn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tiêu dùng trong ngắn hạn.