Dự luật này đã được các bộ trưởng EU chính thức thông qua, trừ đại diện của Bulgaria, nước bỏ phiếu trắng. Trước đó, ngày 24/6, dự luật này đã được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua với 442 phiếu ủng hộ, 203 phiếu chống và 51 phiếu trắng.
Hồi tháng 4, các nhà đàm phán của EP và 27 nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về luật khí hậu châu Âu, trong đó đặt mục tiêu lượng khí thải ròng cho đến năm 2030 giảm 55% so với mức của năm 1990 và đạt được trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.
Theo kế hoạch, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 14/7 tới sẽ đề xuất một loạt các chính sách định hình lại ngành công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải và nhà ở nhằm giảm nhanh hơn lượng khí thải CO2 để đáp ứng được mục tiêu đề ra. Các đề xuất sẽ bao gồm các mục tiêu tham vọng hơn về năng lượng tái tạo, cải cách thị trường carbon của EU và siết chặt tiêu chuẩn về khí thải đối với các ô tô mới.
Phần lớn các luật hiện hành của EU hướng tới thực hiện mục tiêu mà khối này đề ra trước đây là giảm 40% lượng khí thải đến năm 2030. Do vậy, các luật này cần phải sửa đổi để đáp ứng các mục tiêu mới đề ra về giảm lượng khí thải.
Sau khi được 27 nước thành viên EU thông qua, dự kiến trong tuần này EP và các nước thành viên EU sẽ chính thức ký phê chuẩn văn kiện này thành luật chính thức. Một khi luật mới được thực thi, vấn đề khí hậu sẽ là trung tâm trong mọi quyết sách của EU, đảm bảo rằng các quy định trong tương lai đều nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Dự luật cũng yêu cầu EU thành lập một cơ quan chuyên môn độc lập chuyên đưa ra tư vấn về các chính sách khí hậu và thiết lập một cơ cấu giống như ngân sách nhằm tính toán tổng lượng khí phát thải của EU từ năm 2030-2020 theo các mục tiêu về giảm lượng khí thải.