Các nhà văn Việt Nam thương tiếc tiễn biệt nhà văn Sơn Tùng

NDO -

Sáng 26/7, tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, gia đình và Hội đồng hương Nghệ An tại Thủ đô Hà Nội đã tổ chức trang trọng lễ tang nhà văn Sơn Tùng (8/8/1928 - 22/7/2021).

Thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội, lễ tang nhà văn Sơn Tùng được tổ chức tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội, lễ tang nhà văn Sơn Tùng được tổ chức tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Nhà văn Sơn Tùng, Anh hùng Lao động, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; người đã dành cả cuộc đời viết hàng nghìn trang sách về lãnh tụ Hồ Chí Minh, các danh nhân lịch sử, cách mạng và cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước.

Do Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nên lễ viếng tuân thủ theo các quy định của Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bảo đảm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã gửi vòng hoa viếng và chia buồn với gia đình nhà văn.

Sau lễ truy điệu là lễ di quan nhà văn Sơn Tùng về an táng tại quê nhà xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Thay mặt các nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đọc lời tiễn biệt nhà văn Sơn Tùng, bày tỏ lòng biết ơn đối với những tác phẩm và cuộc đời đẹp đẽ, mẫu mực mà ông đã sống. Xin giới thiệu toàn văn lời tiễn biệt của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

Các nhà văn Việt Nam thương tiếc tiễn biệt nhà văn Sơn Tùng -0
 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi sổ tang tại Lễ viếng.

“Có những nhà văn khi rời khỏi đời sống này đã để lại hai cuốn sách lớn: Cuộc đời và tác phẩm. Nhà văn Sơn Tùng là một nhà văn như vậy. Ông đã để lại cho đời sống này những sáng tác đặc biệt của ông và cuộc đời lớn của ông.

Nhà văn Sơn Tùng bước vào cuộc đời như một người lính. Ông đã tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong thế kỷ 20 cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Có thể nói, chiến tranh đã tàn phá thân thể ông. Nếu không có một khát vọng lớn lao, một nghị lực phi thường, thì những di họa chiến tranh đã xóa tên ông trong đời sống này cho dù ông vẫn sống. Nhưng ông đã đứng dậy, đã cầm bút và đã minh chứng một cách kỳ diệu sức mạnh vô bờ của khát vọng làm người chân chính.

Ông đã sống hơn 90 năm trong cõi đời này. Đấy không phải là tuổi thọ của ông. Đấy chính là khát vọng sống đẹp đẽ của ông và ý chí phi thường của ông cho khát vọng ấy. Cho dù sống trong sự đau đớn của thương tật, nhưng bạn đọc không hề tìm thấy sự mệt mỏi và yếu đuối của ông trong từng trang viết. Trái lại, trong mỗi trang viết của ông, con người đã tìm thấy sự chia sẻ sâu sắc, tình yêu thương rộng lớn và lòng quả cảm vượt qua nhiều giới hạn. Ông là một nhà văn hay nói đúng hơn là một con người chối từ mọi quyền lợi vật chất cho cá nhân mình để đòi hỏi sự công bằng, bác ái cho con người.

Trong một thời đại mà con người đang đứng trước bao thách thức, đặc biệt là những thách thức từ một đời sống ngập tràn sự hưởng thụ ích kỷ, sự vô cảm và phi nhân tính, thì con người nhà văn Sơn Tùng là một giá trị tựa một báu vật còn sót lại. Trong giờ phút này, chúng ta thường nghĩ tới sự ra đi của một con người. Và tôi nhận thấy: Có những người đã ra đi ngay khi họ vẫn đang tồn tại như một thể thức sống giữa chúng ta. Nhưng có những con người ra đi nhưng lại tồn tại mãi trong đời sống chúng ta như một niềm kiêu hãnh. Sự ra đi của nhà văn Sơn Tùng đã làm cho sự ở lại của tinh thần ông trong đời sống này ý nghĩa hơn, cần thiết hơn và dài lâu hơn.

Trước linh cữu của ông trong giờ phút này, Ban Chấp hành cùng các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam xin bày tỏ một lần nữa lòng biết ơn đối với những tác phẩm của ông và biết ơn một cuộc đời đẹp đẽ và lớn lao mà ông đã sống.

Xin cúi đầu tiễn biệt ông”.