Đây là các nghệ sĩ xã hội hóa thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như ca sĩ, nhạc công, nghệ sĩ xiếc, hài, tạp kỹ, nghệ thuật truyền thống… Tại buổi lễ, các nghệ sĩ đã cùng nhau dâng hương, trình diễn các tiết mục sở trường của mình và chia sẻ cho nhau những tâm tư, nỗi niềm chung quanh việc mưu sinh bằng nghề.
NSND Vũ Ngoạn Hợp, đại diện cho các nghệ sĩ xã hội hóa chia sẻ: “Hiện nay có nhiều nghệ sĩ hoạt động tự do, không thuộc biên chế một cơ quan, tổ chức Nhà nước nào cả, hằng năm cứ đến ngày Sân khấu Việt Nam là anh em lại tổ chức cúng Tổ nghề. Tuy nhiên họ chưa được đứng trong một tổ chức nào cả, vậy nên năm nay anh em họp lại và bày tỏ mong muốn được làm cho tốt, cho đúng và được xã hội ghi nhận như các nghệ sĩ thuộc các đơn vị Nhà nước.”
Hiện nay, bước đầu các đơn vị đang chập chững làm quen với xã hội hóa, phải tự mình tìm kiếm thị trường, tự điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu khán giả. Ông Nguyễn Thăng Phúc, công ty biểu diễn Nguyễn Nam cho biết, các đơn vị xã hội hóa phải tự xoay sở chi phí, tự tìm thị trường cho nên gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên họ cũng có lợi thế là năng động, linh hoạt và tạo được nhiều mối quan hệ…
NSND Vũ Ngoạn Hợp chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của các nghệ sĩ xã hội hóa hiện nay là có cơ chế để tạo điều kiện cho họ hoạt động, biểu diễn thuận lợi hơn. Không nên “gói” chung tất cả các loại hình vào một “gói” cơ chế, mà nên để loại hình nào hoạt động tốt, tự kiếm sống được thì tự hoạt động theo khả năng, loại hình nào cần bảo tồn thì đầu tư để bảo tồn”.