Ngày 30-12, BTC Cuộc bầu chọn VĐV, HLV tiêu biểu - VĐV, HLV thể thao người khuyết tật xuất sắc năm 2005 đã chính thức công bố danh sách những gương mặt xuất sắc nhất của thể thao nước nhà năm qua. Đây là kết quả từ sự lựa chọn của 183 nhà báo thể thao và các cộng tác viên đặc biệt về thể thao thuộc 100 cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên toàn quốc.
Năm 2005 là một năm tràn ngập thành công của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế, trong đó đáng ghi nhận nhất là cuộc đột phá đầy mạnh mẽ của các môn thể thao Olympic. Phản ánh rõ xu thế phát triển này, bản danh sách 10 VĐV tiêu biểu năm 2005 đã hội tụ nhiều dại diện của các môn Olympic như bơi lội, điền kinh, thể dục, cử tạ, Taekwondo, bóng đá... Xứng đáng là gương mặt ấn tượng nhất trong năm, tay bơi trẻ Nguyễn Hữu Việt đã chiếm ưu thế tuyệt đối từ các lá phiếu bầu chọn để trở thành VĐV số một Việt Nam 2005 với 1.153 điểm. Chiến thắng trên đường bơi 100m ếch SEA Games 23 không chỉ là chiến thắng của riêng Hữu Việt mà còn là niềm tự hào chung của bơi lội và thể thao Việt Nam. Sau 45 năm đợi chờ, lần đầu tiên bơi lội Việt Nam vượt vũ môn. Đây là kết quả từ sự đầu tư có trọng điểm của Ủy ban TDTT, Sở TDTT Hải Phòng và cả cố gắng của bản thân Hữu Việt.
Cùng chia sẻ niềm vui và tự hào với bơi lội điền kinh có tới 3 gương mặt trong bản danh sách này: Bùi Thị Nhung, Vũ Thị Hương và Đỗ Thị Bông. Cú bay qua xà tuyệt với 1m95 tại giải Thái-lan mở rộng và 1m89 ở SEA Games 23 đã trở thành căn cứ để các nhà báo lựa chọn Nhung vào vị trí thứ 3. Trong khi đó, cú nước rút ngoạn mục trên đường piste 100m nữ của Hương đã đem lại cho điền kinh Việt Nam tấm HCV nội dung "hàng hiệu" đầu tiên, đồng thời đưa Hương đến vị trí thứ 5 của danh sách. Các nhà báo còn ghi nhận nỗ lực vượt qua cơn đau chấn thương để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giành 1 HCV, 1 kỷ lục SEA Games và 1 HCB của cô gái Huế Đỗ Thị Bông. Vị trí thứ 6 thuộc về cô hoàn toàn xứng đáng. Và cả ba đều trở thành VĐV đại diện cho môn thể thao nữ hoàng sau một năm gặt hái nhiều thành tích.
Xuất hiện lần thứ ba trong bảng "phong thần" của thể thao Việt Nam (năm 2000, 2004 và 2005), ĐKTQT Nguyễn Ngọc Trường Sơn là niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam. Năm 2005, "viên ngọc quý" này đã vượt qua rất nhiều anh tài khu vực để giành liền 4 HCV trên kỳ đài SEA Games 23. Vào thời điểm trước khi diễn ra lễ bầu chọn đúng một ngày, Sơn đã giành thêm HCB đồng đội châu Á. Yêu mến tài năng và bản lĩnh của Trường Sơn, các nhà báo đã đồng thuận bầu cậu bé Kiên Giang vào vị trí á quân.
Cũng là những đại diện xuất sắc của thể thao Việt Nam, Đỗ Thị Ngân Thương (TDDC) thứ 4, Nguyễn Thị Huyền Diệu (Taekwondo) thứ 7, Văn Thị Thanh (bóng đá nữ) thứ 8, Phạm Văn Mách (thể hình) thứ 9 và Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) thứ 10 đều xứng đáng với vị trí của mình trong bảng xếp hạng.
Song hành cùng thành công của các VĐV là các HLV - người thầy, những người luôn sát cánh bên học trò của mình từ buổi tập luyện đầu tiên đến ngày vinh quang. Trân trọng những đóng góp ấy, các thành viên của lễ bầu chọn trên ba miền đất nước đã tìm ra 5 HLV: Mai Đức Chung (bóng đá), Dương Đức Thủy (điền kinh), Lê Công (Karatedo), Hồ Thị Từ Tâm (điền kinh) và Chu Thị Bầng (bơi lội).
Trong bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam, các VĐV thể thao người khuyết tật nước nhà có một chỗ đứng trang trọng. Với một đội quân khiêm tốn, Đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã giành được vị trí thứ nhì ASEAN Para Games 3. Góp phần vào chiến công ấy, có những Như Thị Khoa (điền kinh), Trần Nguyên Thái (điền kinh), Nguyễn Thị Hảo (bơi lội), Nguyễn Thị Cao Nguyên (điền kinh) và Vũ Đặng Chí (bóng bàn). Vượt lên gian khó, 5 gương mặt xuất sắc này luôn là tấm gương sáng về nghị lực. Cùng với thành công các VĐV, cả 3 HLV Ngô Anh Tuấn (điền kinh), Đổng Quốc Cường (bơi) và Đặng Văn Phúc (điền kinh) cùng trở thành HLV thể thao người khuyết tật xuất sắc 2003.
Một năm thành công của thể thao Việt Nam đã có một kết thúc đẹp với bản danh sách đáng tự hào này.