Các hình thức kinh tế thực hiện quyền sở hữu (Phần I)

Theo chúng tôi, vấn đề này phải được xem xét một cách nghiêm túc và có hệ thống, phải là đối tượng nghiên cứu của khoa học kinh tế chính trị. Xem xét kỹ chúng ta thấy tính ứng dụng của vấn đề lý luận này rất cao, tác dụng thực tiễn rất lớn đối với đời sống kinh tế. Thực tiễn ở nước ta mấy chục năm trước bị kìm hãm trong tư duy cũ "nhất tự công", ràng buộc bởi cơ chế "tập trung quan liêu bao cấp", hiệu quả kinh tế nhà nước và tập thể kém... một phần quan trọng bắt nguồn từ nhận thức không đầy đủ và sâu sắc vấn đề "Các hình thức kinh tế thực hiện quyền sở hữu".

Bài này bước đầu tìm hiểu vấn đề quan trọng trên.

Bài có ba phần:

- Một, cơ sở lý luận.

- Hai, các hình thức kinh tế cụ thể thực hiện quyền sở hữu trong lịch sử.

- Ba, sự thực hiện về kinh tế quyền sở hữu dưới CNXH ở nước ta.

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN

Karl Marx không để lại cho chúng ta một tác phẩm nào, thậm chí một chương, mục của tác phẩm bàn về chủ đề này. Nhưng trong các trước tác của Karl Marx, đặc biệt là Bộ Tư bản, Người đã đề cập ở nhiều nơi với các cấp độ khác nhau về chủ đề này theo trình tự phát triển tự nhiên của chúng trong lịch sử. Tổng hợp lại chúng tôi có nhận thức như sau:

Trước hết là vấn đề sở hữu và chiếm hữu.

Trong các xã hội châu Á cổ đại và trung đại, Nhà nước thường là kẻ sở hữu ruộng đất tối cao, ở đó "không có quyền sở hữu tư nhân đối với ruộng đất, mặc dù vẫn có quyền chiếm hữu ruộng đất và quyền sử dụng ruộng đất, quyền này hoặc là của tư nhân hoặc là của cộng đồng" (1).

Như vậy sở hữu khác với chiếm hữu và sử dụng và chúng có thể tách rời nhau. Karl Marx cho rằng quyền chiếm hữu có thể ra đời trước quyền sở hữu. Và người có quyền sở hữu không nhất thiết có quyền chiếm hữu và sử dụng.

Thứ hai, sở hữu thực tế và sở hữu pháp lý.

Lúc đầu người ta chiếm lấy các điều kiện chủ yếu của lao động, coi đó là sở hữu của mình, như đất đai, rừng, hầm mỏ, v.v... Nhưng quyền sở hữu thực tế này còn chưa được xã hội thừa nhận, có thể gây tranh cãi, vì vậy cần phải được pháp luật thừa nhận, chứng thực và bảo vệ. Ðó là lý do vì sao "Quyền sở hữu về những điều kiện lao động... đã trở thành quyền sở hữu - Lúc đầu trên thực tế, về sau trên pháp lý" (2).

Trong xã hội có giai cấp, pháp lý hay pháp luật thường là ý chí của giai cấp thống trị.

Thứ ba, sở hữu và việc thực hiện kinh tế quyền sở hữu.

Karl Marx viết: "Những hình thái khác nhau của địa tô - tức là sự thực hiện về mặt kinh tế quyền sở hữu ruộng đất" (3).

Ðây là nấc thang thứ ba Karl Marx phân tích về sở hữu, tức từ bản chất trừu tượng bên trong thể hiện ra bên ngoài, cụ thể và cảm nhận được, đó là quá trình vận động trên thực tế của sở hữu.

Mặt pháp lý thường có tính chất ổn định tương đối, ít thay đổi trong một thời gian dài. Nó nói lên ai là chủ thể của quyền sở hữu một đối tượng nhất định được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Còn hình thức thực hiện kinh tế quyền sở hữu lại luôn luôn vận động, thay đổi theo trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Chính mặt này là quan trọng nhất làm nên sức sống và tính hiệu quả của sở hữu nên Karl Marx đã dành nhiều công sức để nghiên cứu theo chiều dài lịch sử từ xã hội phong kiến đến tư bản.

Tổng hợp những điều Karl Marx viết về nội dung sự thực hiện kinh tế quyền sở hữu trong Bộ Tư bản, theo chúng tôi có thể quy về ba vấn đề lớn:

1. Sự thay đổi trong chủ thể sở hữu và kết cấu sở hữu.

2. Sự thay đổi trong phương thức quản lý, khai thác đối tượng sở hữu.

3. Và cùng với hai vấn đề trên, sự thay đổi tương ứng phân phối thu nhập từ sở hữu.

Những vấn đề này sẽ được chứng minh dưới đây.

II. CÁC HÌNH THỨC KINH TẾ CỤ THỂ THỰC HIỆN QUYỀN SỞ HỮU TRONG LỊCH SỬ

Sự thực hiện kinh tế quyền sở hữu trong lịch sử diễn ra đầu tiên vào cuối thời kỳ chiếm hữu nô lệ - đầu thời kỳ phong kiến. Ðó là việc thay đổi trong quản lý, khai thác đối tượng sở hữu và kéo theo đó là phân phối thu nhập. Nếu người nô lệ phải đem toàn bộ sức lao động của mình làm cho người chủ, thì trái lại người nông nô thời kỳ đầu phong kiến chỉ phải làm từ hai đến ba ngày trong tuần trên ruộng đất của chủ - địa tô lao dịch. Những ngày còn lại anh ta làm trên phần đất được giao để tạo ra sản phẩm tất yếu nuôi sống bản thân và gia đình. Lao động cho mình và lao động cho chủ tách rời nhau về không gian và thời gian. Không ai cấm người nông nô làm việc khẩn trương, tăng năng suất lao động trên mảnh đất của mình. Ở đây anh ta vừa lao động nông nghiệp, vừa kết hợp lao động công nghiệp gia đình nông thôn.

Karl Marx kết luận: "Ở đây có khả năng cho một sự phát triển kinh tế nhất định" (4). Ðó là một bước tiến xa về hiệu quả kinh tế khai thác sở hữu ít ra là trên phần đất được giao cho người nông nô nếu so sánh với phương thức bóc lột nô lệ.

Ðịa tô sản phẩm là hình thức kinh tế dựa trên quyền sở hữu ruộng đất tiếp theo địa tô lao dịch. Nó là hình thái đặc trưng của bóc lột địa tô thời phong kiến. Nó giả định một trình độ văn hóa cao hơn của người sản xuất trực tiếp cũng như trình độ phát triển của xã hội. Ở đây lao động thặng dư không thực hiện dưới hình thức tự nhiên của nó như trước, mà thay vào đó là hình thức sản phẩm. Ở đây lao động thặng dư của người nông dân tiến hành trên mảnh ruộng do anh ta canh tác, chứ không phải trên đất của địa chủ. Lao động cho bản thân người sản xuất và lao động cho địa chủ không tách biệt nhau về thời gian và không gian. Người sản xuất được tự chủ hơn, ý thức trách nhiệm đối với công việc cao hơn. Do cách tổ chức sản xuất như vậy mà sức sản xuất của lao động tăng cao, thu nhập của nông dân tăng lên, nghĩa vụ với chủ đất cũng được bảo đảm. Tóm lại, hiệu quả của khai thác đối tượng sở hữu có bước tiến lớn, do đó mà quyền sở hữu có ý nghĩa thực chất hơn.

Ðịa tô tiền

Ðịa tô bằng tiền là sự chuyển hóa hình thái địa tô sản phẩm mà có. Người sản xuất trực tiếp trả giá cả sản phẩm cho người sở hữu ruộng đất, chứ không nộp sản phẩm như trước. Ðịa tô này xuất hiện cuối thời kỳ phong kiến quá độ sang phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nó đánh dấu sự rạn nứt cơ sở của quan hệ phong kiến. Ðúng như F.Ăng-ghen nói: Rất lâu, trước khi bức tường của lâu đài phong kiến bị đạn đại bác chọc thủng thì nền tảng của nó đã bị đồng tiền làm cho lung lay. Người nông dân bây giờ ít nhất phải biến một bộ phận sản phẩm của mình thành hàng hóa. Lúc đầu nó diễn ra một cách lẻ tẻ, về sau mở rộng trên phạm vi cả nước. Ðiều này giả định sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất hàng hóa - công nghiệp và nông nghiệp, lưu thông hàng hóa và lưu thông tiền tệ.

Với địa tô tiền, xuất hiện những quan hệ mới, tiêu biểu cho phương thức sản xuất mới.

Quan hệ địa chủ - nông dân rạn nứt. Với địa tô tiền, mối quan hệ giữa nông dân và địa chủ mang hình thức quan hệ hợp đồng. Người nông dân bây giờ có thể không bị ràng buộc vào ruộng đất, được tự do làm bất cứ nghề gì thậm chí ra thành phố hoặc vào khu công nghiệp để kiếm tiền, trong đó một phần nộp cho địa chủ. Mầm mống của người công nhân tự do dưới chủ nghĩa tư bản xuất hiện.

Với địa tô tiền, người nông dân làm ăn khá, có khả năng mua lại ruộng đất (giá cả ruộng đất là địa tô tư bản hóa) trở thành người nông dân sở hữu độc lập và nếu tích lũy khá họ sẽ trở thành nhà tư bản. Mặt khác nhà tư bản ở thành thị chuyển vốn về nông thôn thuê đất kinh doanh nông nghiệp, áp dụng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào nông nghiệp.

Phương thức bóc lột bằng địa tô tiền đã thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp và nông thôn phát triển. Mục đích là giá trị chi phối sản xuất của người nông dân, làm tăng sức sản xuất của xã hội lên gấp nhiều lần trên cơ sở áp dụng phương pháp canh tác và kỹ thuật tiến bộ so với kinh tế tự cấp tự túc và mục đích của sản xuất là hiện vật của người nông dân trước đây.

Trên đây là các hình thức kinh tế thực hiện quyền sở hữu dưới chế độ phong kiến.

Dưới chế độ TBCN, việc thực hiện kinh tế quyền sở hữu diễn ra trên cả ba nội dung chủ yếu của nó: Sự thay đổi trong chủ thể sở hữu và kết cấu sở hữu; sự thay đổi trong phương thức quản lý, khai thác đối tượng sở hữu; sự thay đổi tương ứng phân phối thu nhập từ sở hữu.

Nhưng điều dễ nhận thấy là sự thay đổi trong chủ thể sở hữu và kết cấu sở hữu, nếu các chế độ trước không có thì trái lại nó là sự thay đổi lớn, đặc trưng dưới chế độ TBCN (cùng với những thay đổi có tính cách mạng trong quản lý, khai thác đối tượng sở hữu và phân phối thu nhập). Chúng ta sẽ bàn đến vấn đề này.

Mục đích của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là tạo ra giá trị thặng dư ngày càng lớn cho nhà tư bản. Muốn vậy, giai cấp tư bản phải thực hiện tái sản xuất mở rộng  không ngừng. Tiền đề cho việc này là nhà tư bản phải có nguồn vốn ngày càng lớn. Nguồn vốn đó có được bằng cách tích tụ và tập trung tư bản.

Tích tụ tư bản là làm tăng quy mô của tư bản cá biệt bằng cách tư bản hóa giá trị thặng dư trên cơ sở tái sản xuất mở rộng. Bằng con đường tích tụ, tư bản cá biệt vẫn lớn lên, nhưng chậm chạp vì giới hạn bởi quy mô tích lũy của từng nhà tư bản riêng lẻ.

Trong khi đó sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự mở rộng của thị trường trong nước và thế giới, nhất là khi CNTB bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, đòi hỏi quy mô tư bản ngày càng lớn, vượt ra khỏi quy mô của từng tư bản cá biệt.

Karl Marx nhận xét: Nếu chờ cho đến khi tư bản cá biệt lớn lên đủ sức xây dựng đường sắt thì thế giới đến nay vẫn chưa có đường sắt. Bằng con đường tập trung tư bản, việc xây dựng những công trình lớn như đường sắt trở nên dễ dàng và nhanh chóng.

Chủ nghĩa tư bản tiến hành tập trung tư bản bằng các phương thức hợp nhất các tư bản cá biệt sẵn có thành tư bản cá biệt khác lớn hơn hoặc thành nhà tư bản tập thể. Ðiều này diễn ra bằng cách:

- Do cạnh tranh gay gắt, nhiều doanh nghiệp suy yếu hoặc rơi vào tình trạng phá sản, trở thành đối tượng cho "cá lớn nuốt cá bé". Những tư bản lớn và mạnh sẽ thôn tính các tư bản yếu và nhỏ. Tư bản lớn càng lớn hơn, quy mô vốn theo đó cũng tăng lên.

- Do tư bản cá biệt liên kết, hợp nhất với nhau, liên kết dọc hoặc liên kết ngang từ trong nội bộ một quốc gia đến phạm vi quốc tế, trở thành những tập đoàn tư bản hùng mạnh. Ngày nay, quá trình hợp nhất, liên kết đó diễn ra phổ biến, hình thành những tập đoàn xuyên quốc gia mà quy mô vốn của một tập đoàn trong nhiều trường hợp lớn hơn tổng sản phẩm trong nước của một quốc gia trung bình.

- Quy mô tập trung tư bản tăng lên còn do thực hiện cổ phần hóa.

Cổ phần hóa lúc đầu tiến hành giữa các nhà tư bản với nhau, sau mở rộng cho các cổ đông ngoài doanh nghiệp, cho người lao động trong doanh nghiệp, sau nữa là cho các cá nhân và tổ chức người nước ngoài.

Dưới hình thức này cổ phần hóa đạt tới mức xã hội hóa cao nhất nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế.

- Góp phần vào việc tăng quy mô tập trung tư bản còn phải kể đến vai trò của tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán.

Những công cụ này là những đòn bẩy mạnh mẽ làm tăng quy mô tư bản lên trong "nháy mắt", đáp ứng nhanh nhu cầu vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Như vậy tập trung tư bản trong phần lớn trường hợp là cơ sở dẫn đến những thay đổi trong chủ thể sở hữu. Ðây là điều mới mẻ mà chủ nghĩa tư bản tạo ra so với các xã hội trước đó. Từ đây hình thành nên người chủ tập thể sở hữu trong khuôn khổ chế độ sở hữu tư nhân bằng cách liên kết, liên doanh, cổ phần hóa hoặc thông qua thị trường chứng khoán. Kết cấu sở hữu do đó cũng thay đổi, từ vốn của các cá nhân tư bản riêng lẻ trở thành vốn của nhà tư bản tập thể với quy mô lớn hơn. "Phương pháp tập trung... chỉ làm thay đổi sự bố trí về lượng của những bộ  phận cấu thành của tư bản xã hội...", nhưng "những tư bản lớn do tập trung tạo nên một cách mau chóng, cũng tự tái sản xuất ra bản thân như các tư bản khác, nhưng nhanh hơn, và do đó, chúng trở thành những đòn bẩy mạnh mẽ của tích lũy xã hội" (5).

Vậy là tập trung vốn có tác dụng kép: Vừa làm tăng quy mô vốn tức thời, vừa là điểm xuất phát cho việc tái sản xuất ra nó lớn hơn ở chu kỳ sau. Quy mô sở hữu do đó tăng lên cùng nhịp độ. Ðó là một phương pháp quan trọng thực hiện về kinh tế quyền sở hữu dưới CNTB.

Trong phương thức sản xuất TBCN, phải nói tới một phương cách khác nữa làm tăng hiệu quả kinh tế của sở hữu là xử lý mối quan hệ giữa sở hữu và sử dụng, khai thác sở hữu.

Trong phần đầu của bài này, chúng tôi đã nêu lên quan điểm của Karl Marx: Sở hữu khác với chiếm hữu và sử dụng. Quyền sở hữu có thể tách rời quyền chiếm hữu và sử dụng. Ðiều này đã diễn ra trong thời cổ đại. Ðến thời cận và hiện đại, dưới CNTB, việc tách biệt này diễn ra một cách phổ biến hơn và trở thành thông lệ, tuy rằng về lý thuyết và thực tế, có thể chủ sở hữu và chủ sử dụng, kinh doanh thống nhất ở  một người. Trong Bộ Tư bản, Karl Marx chỉ ra một trường hợp đặc thù là tư bản cho vay về bản chất, ngay từ khi phát sinh, quyền sở hữu đã tách rời quyền sử dụng. Ở đây tư bản được trao cho người khác toàn quyền sử dụng, khai thác, còn chủ sở hữu hưởng lợi tức cho vay.

Ðối với những trường hợp khác: Tư bản công nghiệp, tư bản thương nghiệp, chủ sở hữu ruộng đất..., lúc ban đầu quy mô còn nhỏ, trong một số trường hợp có thể họ vừa là chủ sở hữu vừa là chủ sử dụng, kinh doanh. Nhưng theo đà phát triển, quy mô tư bản ngày càng tăng lên, tính phức tạp trong kinh doanh nhiều hơn, địa bàn kinh doanh lại trải rộng từ trong nước  đến ngoài nước, tư bản sở hữu buộc phải tách rời tư bản chức năng. Lúc đó chủ sở hữu phải thuê một đội ngũ chuyên nghiệp đứng ra kinh doanh thay họ gồm người quản lý, giám đốc điều hành, kỹ sư, chuyên gia, nhân viên nghiệp vụ... Những người này được khoán hoặc nhận lương gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ bảo tồn và phát triển sở hữu, mang lại lợi nhuận tối đa cho chủ sở hữu.

Trên đây chúng tôi bàn về việc khai thác quyền sở hữu trong lịch sử. Chúng ta thấy rằng sở hữu tồn tại không phải là nhất thành bất biến, nó luôn vận động và phát triển. Ðiều này có liên quan chặt chẽ với tính năng động của con người trong việc sử dụng quyền sở hữu dưới tác động của sự phát triển lực lượng sản xuất.

Những hình thức kinh tế thực hiện sở hữu nói trên mang dấu ấn lịch sử của những thời đại nhất định: tiền tư bản chủ nghĩa hoặc tư bản chủ nghĩa. Nhưng điều cốt lõi là nó phản ánh tính quy luật chung của xã hội loài người, giống như kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội đều có thể sử dụng được.

III. SỰ THỰC HIỆN VỀ KINH TẾ QUYỀN SỞ HỮU DƯỚI CNXH Ở NƯỚC TA

Mấy chục năm qua có một thực tế là chúng ta thực hiện về kinh tế quyền sở hữu chưa xuất phát từ nhận thức đầy đủ lý luận của Karl Marx về vấn đề này. Ngay khái niệm đó cũng còn xa lạ với nhiều người trong chúng ta. Thực tiễn xây dựng CNXH ở các nước anh em lúc đó cũng không cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về vấn đề này.

Tuy nhiên, do cuộc sống đòi hỏi, chúng ta vẫn phải làm, trong quá trình đó, có cái đạt được thành tựu, có cái thất bại, có cái thiếu nhất quán, nói chung là phải trả giá nhiều để ngày càng trưởng thành lên.

Quá trình này có thể chia ra hai giai đoạn:

Một: Giai đoạn trước đổi mới (trước 1986)

Ðây là thời kỳ tư duy cũ chi  phối công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta nói chung, xây dựng kinh tế nói riêng. Nét bao trùm nhất là quan niệm về CNXH và xây dựng CNXH mang tính chất "ấu trĩ tả khuynh", giản đơn, duy ý chí, không xuất phát từ thực tiễn. Chúng ta hầu như lấy mục tiêu, đặc trưng của CNXH giai đoạn cao làm yêu cầu phải thực hiện ngay trước mắt, trong giai đoạn thấp.

Trong kinh tế, đó là quan niệm "nhất tự công". Từ đó, ồ ạt tiến hành "quốc doanh hóa", "tập thể hóa" gò ép. Chúng ta quên lời chỉ dẫn của Karl Marx: Một hình thức kinh tế không mất đi khi sức sản xuất của nó vẫn còn.

Do vậy, việc xã hội hóa này có tính hình thức, không bền vững. V.I.Lê-nin đã từng phân biệt hai hình thức xã hội hóa: Xã hội hóa hình thức dựa vào sắc lệnh và xã hội hóa thực tế do lực lượng sản xuất phát triển đòi hỏi. Chúng ta đã làm theo cách thứ nhất. Cứ từng kế hoạch 5 năm, chúng ta lại đặt chỉ tiêu thực hiện công hữu hóa với các mức độ khác nhau tùy theo từng lĩnh vực. Do không có cốt vật chất - kỹ thuật bảo đảm chất kết dính, nên dù phát động hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, công hữu hóa cũng chỉ là con số cộng những cá nhân hoặc đơn vị biệt lập lại với nhau một cách hình thức. Dù chỉ như vậy, nhưng kế hoạch đề ra vẫn không thể hoàn thành, vì trái quy luật. Theo đuổi mục tiêu công hữu hóa nhanh trong điều kiện sức sản xuất lạc hậu, một số người đưa ra lý luận "quan hệ sản xuất đi trước mở đường" cho lực lượng sản xuất phát triển. Thực tế diễn ra là quan hệ sản xuất chỉ đi trước về mặt công hữu hình thức, còn mặt quản lý và phân phối không tiến kịp, thậm chí có mặt thụt lùi. Trong tình hình đó không thể thực hiện được "vai trò mở đường" của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất.

Ðó là lý do vì sao trong nông nghiệp, có đến hơn 90% đất đai thuộc về hợp tác xã và nông lâm trường quốc doanh sử dụng, thậm chí có lúc công hữu hóa cả mảnh vườn, ao cá của hộ nông dân. Người nông dân là chủ sử dụng thực tế chỉ 5% diện tích đất đai, nhưng nó là nguồn bổ sung quan trọng sản phẩm tất yếu nuôi sống bản thân và gia đình.

Trong các ngành phi nông nghiệp, cũng có tình hình tương tự. Quốc doanh hóa và tập thể hóa tràn lan, thậm chí cả hiệu cắt tóc gội đầu, tiệm may vá, cửa hàng sửa chữa xe đạp... Cũng có khi thực hiện "công tư hợp doanh", nhưng chỉ là hình thức cả trong việc thành lập và hoạt động, thực chất vẫn là "quốc doanh". Ở đây, nhà tư sản gần như bị "tước đoạt" vì tài sản đưa vào "công tư hợp doanh" bị định giá thấp, phần được hưởng là một ít cổ tức nhỏ nhoi, còn bản thân họ thì không được sử dụng đúng tài năng, sở trường.

Vậy là trong các trường hợp trên không có gì thay đổi trong chủ thể sở hữu và kết cấu sở hữu. Vẫn chỉ là một ông chủ "thuần khiết": quốc hữu hoặc tập thể. Nguồn lực để tăng trưởng sở hữu chỉ giới hạn trong phạm vi từng "ông chủ" biệt lập. Người chủ đại diện cho sở hữu toàn dân và tập thể không chỉ làm chủ độc tôn, mà đồng thời  kiêm luôn chủ sử dụng, khai thác sở hữu. Quyền sở hữu và quyền sử dụng không tác rời nhau. Người ta quan niệm ai là chủ sở hữu (hoặc đại diện chủ sở hữu) thì người đó là chủ sử dụng như một lẽ đương nhiên. Vì vậy mới có tình trạng đơn vị nào có được khu đất có vị trí khá đẹp và muốn biến nó thành cơ sở kinh doanh ngành nghề khác (như nhà hàng, khách sạn, xưởng chế tạo cơ khí...) thì người lãnh đạo của đơn vị cũ kiêm luôn chức danh lãnh đạo và quản lý đơn vị mới, mặc dù ngành nghề khác nhau. Rõ ràng là người chủ mới thiếu tính chuyên nghiệp trong kinh doanh, làm thế nào tăng trưởng được quy mô sở hữu? Trong trường hợp này, đáng lý ra anh ta chỉ nên đóng vai trò là chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu, còn chủ kinh doanh là người khác thì hợp lý hơn.

Cũng như vậy, ở các cơ sở kinh tế quốc doanh, người đại diện chủ sở hữu toàn dân, đồng thời cũng là người sử dụng quản lý, khai thác tài sản đó. Hai chức năng khác nhau cùng thống nhất ở một người, trong khi đúng ra nó phải được phân tách một cách tương đối. Ðó là tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát triển sở hữu.

Trong quản lý sản xuất kinh doanh và phân phối thu nhập, chúng ta duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, "chủ nghĩa tập thể", bình quân, thiếu động lực.

Trong nông nghiệp, lúc đầu là tập thể làm chung, phân phối theo công điểm (có phân loại lao động). Sau đó, áp dụng khoán việc, tính công điểm. Toàn bộ quá trình sản xuất chia làm tám khâu, hợp tác xã chịu trách nhiệm bâ khâu, người lao động (hộ gia đình) chịu trách nhiệm năm khâu. So với lúc chưa khoán, đó là một bước tiến nhất định. Nhưng vấn đề then chốt vẫn chưa giải quyết được: Ai chịu trách nhiệm cuối cùng về sản phẩm làm ra và tình trạng "rong công phóng điểm"? Mặc dù công tác tư tưởng vẫn làm thường xuyên: "Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ", nhưng chừng nào chưa thay đổi cơ chế quản lý thì thực tế vẫn không thay đổi được tình trạng trên.

Trong nền kinh tế nói chung, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp, cơ chế quản lý sản xuất kinh doanh có đặc điểm chính sau:

1. Phi thị trường:

- Nhà nước bao cấp "đầu vào", bao tiêu "đầu ra".

- Sản xuất theo chỉ tiêu pháp lệnh.

- Hạch toán hình thức. Lời nhà nước thu, lỗ nhà nước bù. Giá cả không dựa trên giá trị hàng hóa.

- Chạy theo số lượng hiện vật, không quan tâm đầy đủ mặt giá trị của hàng hóa và thị hiếu người tiêu dùng.

2. Hạn chế quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Quyết định hành chính của cấp trên chi phối nhiều mặt thuộc chức năng, thẩm quyền giải quyết của cơ sở.

- Sở hữu doanh nghiệp trong tình trạng vô chủ.

3. Hoạt động kinh doanh khép kín.

Ðơn vị cơ sở không trực tiếp thiết lập mối quan hệ dọc và ngang, liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước.

4. Phân phối bình quân triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh.

Cơ chế quản lý này kéo dài hàng mấy chục năm, đến đầu những năm 80, với việc ban hành Quyết định 25/CP về "ba phần kế hoạch" trong công nghiệp, trong đó, có phần sản xuất sản phẩm phụ, thì những hạn chế nói trên mới được tháo gỡ một phần.

Những cải cách kinh tế từ năm 1981 đến giữa những năm 80 đã tạo nên những thay đổi liên tục trong đời sống kinh tế và tạo tiền đề cho đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.

(Còn nữa)

....................

(1) Karl Marx, Anghel toàn tập, Phần II, tập 25, tr.449, Nxb CTQG, HN.1994.

(2) Như trên, tr.509.

(3) Như trên, tr.270.

(4) Như trên, tr.504.

(5) Karl Marx: Tư bản Quyển I, tập 3, tr.96-97. Nhà XBST, Hà Nội, 1962.