Ðêm 9-3-1945, trong lúc tiếng súng Nhật đảo chính Pháp vừa mới nổ ra, Ban Thường vụ T.Ư Ðảng họp mở rộng quyết định phương hướng phát triển của cách mạng Việt Nam. Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ T.Ư Ðảng ra chỉ thị: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", thổi bùng lên cao trào kháng Nhật, cứu nước trên toàn quốc. Cùng với cả nước và tiếp nối Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở Cao-Bắc-Lạng, các đội du kích tập trung đã ra đời ở Quảng Ngãi, ở hai chiến khu Quang Trung và Trần Hưng Ðạo,... làm nòng cốt, cùng toàn dân tiến hành khởi nghĩa.
Quảng Ngãi, một trong những tỉnh có phong trào mạnh tại Nam Trung Bộ. Chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp, Tỉnh ủy lâm thời quyết định tiến hành khởi nghĩa ở châu Ba Tơ làm ngòi nổ cho phong trào toàn tỉnh. Ngày 11-3-1945, từ số các đồng chí tù chính trị tuyển chọn ở trại "an trí" Ba Tơ, Tỉnh ủy lâm thời quyết định thành lập đội vũ trang làm lực lượng xung kích của cuộc khởi nghĩa. Ðội gồm 17 người, được trang bị một số gươm, giáo và súng, do hai đồng chí Tỉnh ủy viên Phạm Kiệt và Nguyễn Ðôn làm Ðội trưởng và Chính trị viên. Ngay tối hôm đó (11-3), đội vũ trang xung kích có quần chúng nhân dân phối hợp và làm áp lực, có cơ sở nhân mối trong lòng địch hỗ trợ, chia thành các bộ phận tiến chiếm Nha kiểm lý và tiến đánh đồn Ba Tơ, giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng. Sáng 12-3-1945, đội vũ trang xung kích tỉnh tổ chức mít-tinh mừng thắng lợi của khởi nghĩa và ra mắt nhân dân.
Căn cứ tình hình sau khởi nghĩa, Tỉnh ủy lâm thời quyết định chuyển chính quyền và đội vũ trang xung kích vào hoạt động bí mật nhằm bảo toàn và phát triển lực lượng, xây dựng cơ sở quần chúng và căn cứ địa, tạo và nắm thời cơ để khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Chiều 14-3-1945, từ châu lỵ Ba Tơ, đội vũ trang xung kích hành quân hướng lên vùng rừng núi Cơ Nhất, một vùng đồng bào Thượng trên dãy Trường Sơn hiểm trở. Dọc đường hành quân, đội tổ chức lễ tuyên thệ tại khu vực hang Én dưới chân núi Cao Muôn. Thay mặt Ban chỉ huy, chính trị viên Nguyễn Ðôn tuyên bố: "Ủy ban Nhân dân Cách mạng Ba Tơ, theo tiếng gọi của giang sơn, nhận thấy nhiệm vụ nặng nề lịch sử phó thác đã mạnh mẽ tiên phong phất cờ khởi nghĩa, tiếp tục hưởng ứng phong trào đấu tranh của đồng bào Nam Kỳ và Ðội du kích Bắc Sơn dựng nên chính quyền cách mạng Ba Tơ. Chính quyền Ba Tơ là một bộ phận khăng khít của chính quyền cách mạng toàn quốc, là thành viên chống phát-xít của Mặt trận dân chủ thế giới". Dưới cờ đỏ sao vàng, toàn đội tuyên thệ "Hy sinh vì Tổ quốc".
Tại vùng núi Cơ Nhất, Ðội du kích Ba Tơ hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn. Ðội khẩn trương dựng lán trại, ổn định nơi ăn ở, kiện toàn tổ chức, giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, đối phó với các cuộc càn quét của giặc, đồng thời tỏa đi khắp các buôn làng tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc, xây dựng cơ sở chính trị và căn cứ kháng Nhật. Tháng 4-1945, Tỉnh ủy lâm thời cử đồng chí Nguyễn Chánh, Tỉnh ủy viên, làm Chính trị viên và Bí thư chi bộ Ðội du kích Ba Tơ; đồng thời lập ban hậu cần tỉnh và tổ chức hệ thống bảo đảm tiếp tế cho đội.
Cuối tháng 4-1945, Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời nhất trí với đề nghị của Ban chỉ huy Ðội du kích Ba Tơ, quyết định đưa toàn đội về hoạt động ở vùng đồng bằng, với nhiệm vụ làm nòng cốt xây dựng hai chiến khu ở vùng trung châu: Chiến khu Bắc ở vùng Vĩnh Tuy (Sơn Tịnh), Chiến khu Nam ở vùng Núi Lớn (Mộ Ðức). Ngày 2-5-1945, Ðội du kích Ba Tơ chia thành hai bộ phận trở về đồng bằng. Bộ phận thứ nhất do các đồng chí Phạm Kiệt, Phan Phong, Nguyễn Khoách chỉ huy về vùng Sơn Tịnh. Bộ phận thứ hai do các đồng chí Nguyễn Ðôn, Lê Văn Ðức chỉ huy về vùng Núi Lớn.
Ở đồng bằng, Ðội du kích Ba Tơ đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn tỉnh. Phong trào Việt Minh lan khắp các huyện trung châu. Phong trào ủng hộ và tự nguyện tham gia du kích trong các tổ chức cứu quốc dấy lên sôi nổi. Tháng 6-1945, Tỉnh ủy lâm thời quyết định thành lập Ban quân sự tỉnh, đồng thời là Ban chỉ huy Ðội du kích Ba Tơ, do đồng chí Nguyễn Chánh làm Trưởng ban, hai đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Ðôn làm Phó ban. Ðội du kích Ba Tơ đã bổ sung, phát triển lực lượng lên đến 200 người, tổ chức thành hai đại đội và ra tờ báo "Xung phong". Ðại đội Phan Ðình Phùng (5 trung đội), Ban chỉ huy gồm các đồng chí Phạm Kiệt (Ðại đội trưởng), Phan Phong, Võ Thứ (Ðại đội phó), Tạ Phượng (Chính trị viên) hoạt động ở Chiến khu Bắc. Ðại đội Hoàng Hoa Thám (5 trung đội) do đồng chí Nguyễn Ðôn làm Ðại đội trưởng kiêm Chính trị viên, sau đó Ban chỉ huy được kiện toàn gồm các đồng chí Trần Công Khanh (Ðại đội trưởng), Nguyễn Khoách, Lê Văn Ðức (Ðại đội phó), Nguyễn Cừ (Chính trị viên) hoạt động ở Chiến khu Nam.
Chiến khu Quang Trung, căn cứ cách mạng vững chắc của ba tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa ở Bắc Bộ. Trước ngày Nhật đảo chính Pháp, ở ba tỉnh đã tổ chức được Ðội du kích Ngọc Trạo (Thanh Hóa), Ðội du kích Quỳnh Lưu (Ninh Bình), Ðội du kích Nật Sơn (Hòa Bình)... làm nòng cốt trong phong trào cách mạng địa phương. Ðầu tháng 5-1945, theo quyết định của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, Chiến khu Quang Trung được thành lập, trong đó vùng Quỳnh Lưu (Ninh Bình) và Ngọc Trạo (Thanh Hóa) được chọn làm trung tâm của chiến khu. Ban chỉ đạo chiến khu do đồng chí Văn Tiến Dũng, Ủy viên Thường trực Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ đứng đầu, quyết định đẩy mạnh xây dựng các đội du kích tập trung, phát triển tự vệ ở ba tỉnh làm nòng cốt cho phong trào chung của chiến khu.
Ban cán sự tỉnh Hòa Bình từ tháng 5-1945 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng một số đội du kích ở các khu căn cứ Cao Phong, Thạch Yên, Tu Lý, Hiền Lương, Mường Khói và Diềm, phát triển tự vệ ở thị trấn, thị xã. Sau một thời gian, lực lượng tự vệ cứu quốc tỉnh đã phát triển từ một tiểu đội lên hai trung đội. Ðầu tháng 7-1945, đồng chí Vũ Thơ, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh quyết định chọn 30 tự vệ trẻ khỏe, hăng hái ở thị xã lập thành đội vũ trang tập trung rồi đưa về huấn luyện trong khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên. Sau lớp huấn luyện, các đội viên đội vũ trang tập trung được phân công tỏa đi để phát triển, huấn luyện du kích, tự vệ. Phong trào gia nhập du kích, tự vệ dấy lên trong toàn tỉnh. Ở hai xã Thạch Yên, Cao Phong, tất cả các xóm đều đã tổ chức ra các đội tự vệ. Khu căn cứ Tu Lý - Hiền Lương phát triển được ba trung đội tự vệ chiến đấu, mỗi trung đội hơn 30 người, trong đó trung đội tự vệ người Dao được trang bị giáo, mác, tên nỏ, trở thành trung đội mạnh nhất của khu căn cứ.
Ở Ninh Bình, Tỉnh ủy lâm thời đẩy mạnh huấn luyện quân sự cho cán bộ phụ trách các địa phương, mở rộng các tổ chức quần chúng cứu quốc, trên cơ sở đó tổ chức các đội du kích tập trung, nhất là ở khu căn cứ Quỳnh Lưu, trung tâm của chiến khu. Phong trào mua sắm vũ khí, luyện tập quân sự, gia nhập tự vệ, du kích phát triển mạnh, nhất là ở Nho Quan, Gia Viễn, Gia Khánh,... Căn cứ Quỳnh Lưu xây dựng được bốn trung đội tự vệ chiến đấu, trong đó có một trung đội nữ (hơn 30 người) do đồng chí Phan Thị Quế làm Trung đội trưởng, đồng chí Lương Thị Thụy làm Chính trị viên, và mỗi làng có một tiểu đội tự vệ.
Ðầu tháng 6-1945, tại tổng Văn Luận, tỉnh Ninh Bình, Xứ ủy Bắc Kỳ cùng ban lãnh đạo căn cứ Quỳnh Lưu mở lớp huấn luyện quân sự tập trung cho cán bộ các tỉnh Hà Nam, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Thanh Hóa. Cùng thời gian này, Tỉnh ủy lâm thời tuyển chọn cán bộ, đội viên du kích ở Nho Quan, Gia Viễn và Gia Khánh tập trung về Quỳnh Lưu để xây dựng đội du kích tập trung của tỉnh và chiến khu.
Ngày 20-6-1945, tại bãi huấn luyện tập trung ở Khu Trũng, thôn Ðồi, tổng Quỳnh Lưu, đội vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh và chiến khu làm lễ thành lập. Buổi đầu, đội du kích vũ trang tập trung của tỉnh và chiến khu gồm 40 người, biên chế thành ba tiểu đội, được trang bị 18 khẩu súng (11 súng trường, 6 súng kíp, 1 trung liên) và mã tấu. Ban chỉ huy đội do đồng chí Lương Nhân, cán bộ quân sự tỉnh làm Trung đội trưởng.
Ðội du kích vũ trang tập trung của tỉnh và chiến khu vừa mới ra đời đã khẩn trương triển khai lực lượng cùng tự vệ, du kích các địa phương chống các cuộc càn quét của quân Nhật, bảo vệ vững chắc khu căn cứ trung tâm chiến khu, làm hạt nhân thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tiến lên tổng khởi nghĩa trong toàn chiến khu.
Trong khi đó, tại tỉnh Thanh Hóa, một số cán bộ đã qua lớp huấn luyện quân sự do Xứ ủy Bắc Kỳ mở, được Tỉnh ủy điều động tỏa đi xây dựng, huấn luyện tự vệ và du kích các địa phương, xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa. Xứ ủy Bắc Kỳ cử một đoàn cán bộ do đồng chí Hoàng Tiến Trình phụ trách theo đường liên lạc Ngọc Trạo - Quỳnh Lưu ra Ninh Bình nhận vũ khí (24 khẩu súng) của Trung ương chi viện cho tỉnh. Với số vũ khí quyên góp, mua sắm và được Trung ương chi viện, Tỉnh ủy Thanh Hóa khẩn trương xây dựng, mở rộng lực lượng tự vệ chiến đấu tập trung.
Cuối tháng 6-1945, Tỉnh ủy mở lớp huấn luyện quân sự cho 40 đội viên du kích tại khu căn cứ Bái Sơn, huyện Hà Trung. Ðồng chí Lương Nhân, Ðội trưởng đội du kích vũ trang tập trung tỉnh Ninh Bình và chiến khu vào căn cứ tham gia huấn luyện cho lớp. Nội dung huấn luyện tập trung vào kỹ thuật bắn súng, các động tác chỉ huy tiểu đội chiến đấu, và một số động tác đội ngũ. Lớp huấn luyện kết thúc nhanh chóng, các đội viên khẩn trương tỏa đi tổ chức, huấn luyện du kích, tự vệ các địa phương.
Ðến tháng 7-1945, lực lượng du kích, tự vệ tỉnh Thanh phát triển mạnh ở các huyện. Huyện Thạch Thành đã xây dựng được ba trung đội tự vệ chiến đấu tập trung và phát triển tự vệ ở hầu khắp các làng xã. Huyện Hà Trung tổ chức được ba trung đội tự vệ chiến đấu tập trung và nhiều đội du kích cứu quốc ở các làng xã. Ở hai tổng Nam Bạn và Phi Lai, làng nào cũng có đội du kích, trong đó có đội quân số lên đến 40 - 50 người. Tại huyện Hoằng Hóa, các đội tự vệ phát triển nhanh chóng với quân số lên tới hơn 300 người làm nòng cốt cho phong trào ở địa phương. Ngày 24-7-1945, du kích và tự vệ Hoằng Hóa cùng nhân dân Ðằng Trung, Hóa Lộc bẻ gãy cả hai mũi càn quét khủng bố của lính bảo an địch vào khu căn cứ Ba Ðằng và Liên Châu; tiếp đó lại liên tục đẩy lui ba cuộc càn lớn của địch vào khu căn cứ Hóa Lộc - Liên Châu trong những ngày đầu tháng 8-1945. Phong trào du kích, tự vệ Hoằng Hóa phát triển mạnh mẽ, góp phần cổ vũ các huyện đẩy mạnh khởi nghĩa từng phần, tiến lên giành chính quyền trong toàn tỉnh.
Chiến khu Trần Hưng Ðạo - Chiến khu Ðông Triều, một địa bàn chiến lược quan trọng ở vùng Ðông Bắc Bắc Bộ. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, không khí cách mạng ở đây vốn đã dâng cao, nay lại càng sục sôi. Phong trào kháng Nhật, cứu nước ở các địa phương trong vùng lôi cuốn mạnh mẽ đông đảo quần chúng lao động hưởng ứng tham gia.
Ðể có lực lượng làm nòng cốt cho phong trào ở chiến khu, Trung ương Ðảng và Xứ ủy Bắc Kỳ chú trọng chỉ đạo xây dựng các đội tự vệ, du kích các tỉnh ven biển Ðông Bắc. Thực hiện chủ trương của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, tháng 5-1945, các đồng chí Hải Thanh, Trần Cung và Nguyễn Bình trong ban chỉ huy chiến khu đã gặp nhau, bàn và thống nhất quyết định phát triển tự vệ, du kích trên cơ sở những đội đã được tổ chức từ trước, bàn phối hợp hoạt động giữa các đội và bàn xây dựng chiến khu. Sau những cuộc gặp này, nhiều đội tự vệ, du kích cứu quốc được tổ chức ở Chí Linh, ở các huyện Nam Sách, Thanh Hà, An Lão, Thủy Nguyên, Yên Hưng, ở thị xã Quảng Yên, ở khu mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả, Móng Cái...
Ngày 6-6-1945, Ban chỉ huy chiến khu quyết định tiến hành khởi nghĩa, tổ chức lực lượng tiến đánh các đồn Chí Linh, Tràng Bạch, Ðông Triều, Mạo Khê. Ðồng chí Nguyễn Bình được giao phụ trách lực lượng tiến công đồn Ðông Triều; đồng chí Hải Thanh chỉ huy đánh đồn Chí Linh; đồng chí Trần Cung chỉ huy đánh đồn Tràng Bạch và tước vũ khí địch ở mỏ Mạo Khê.
Theo kế hoạch, đêm 7-6-1945, các đội du kích xuất phát đi các mũi hướng, tiến đánh các mục tiêu.
Mũi thứ nhất, đồng chí Nguyễn Bình chỉ huy đội du kích (hơn 50 người, trang bị súng trường, lựu đạn, dao, kiếm, mã tấu), chia làm bốn tiểu đội tiến đánh đồn Ðông Triều. Hành quân đến ngã tư huyện lỵ, đồng chí Nguyễn Bình bắn súng phát tín hiệu cho cơ sở nội ứng trong đồn, đồng thời là mệnh lệnh chiến đấu. Nghe thấy tiếng súng hiệu, viên đồn trưởng làm nội ứng đã lệnh cho lính gác mở cổng đồn. Rạng sáng hôm sau (8-6), đội du kích tiến vào chiếm đồn Ðông Triều, bắt hơn 40 lính (một số tình nguyện đi theo quân cách mạng, một số được thả trở về quê quán), thu hơn 50 súng trường và nhiều đồ quân dụng.
Cùng thời gian đó, ở mũi thứ hai, các đồng chí Hải Thanh và Lê Hai chỉ huy một đội du kích có sự phối hợp của hơn 200 phỉ của Lương Ðại Bân, tiến đánh đồn Chí Linh. Du kích vây chặt đồn, bắn thị uy, đồng thời cho người đem thư đến đồn nêu rõ mục đích yêu cầu của Việt Minh và kêu gọi binh sĩ địch quay súng trở về với cách mạng. Vốn đã hoang mang dao động, lại thấy nhiều binh sĩ ngả theo cách mạng, nên viên chỉ huy đồn đã xin đầu hàng. Hai đồng chí Hải Thanh và Lê Hai cùng một số đội viên du kích mang cờ đỏ sao vàng tiến vào sân đồn. Hơn 40 lính bảo an được nghe giải thích về chính sách khoan hồng của Việt Minh đã tự giác giao nộp vũ khí, một số xin đi theo quân du kích.
Mũi đánh đồn Tràng Bạch, ngay trong đêm 7-6, đồng chí Trần Cung chỉ huy lực lượng du kích khẩn trương hành quân và nhanh chóng áp sát mục tiêu. Quân địch hoàn toàn bất ngờ, không kịp đối phó, hạ vũ khí xin hàng. Trong lúc đó, ở Mạo Khê, lực lượng du kích được hàng trăm công nhân mỏ hỗ trợ, đã buộc chủ mỏ, viên chỉ huy và binh lính phân đội bảo vệ mỏ giao nộp toàn bộ súng đạn.
Sáng 9-6-1945, tại sân đình Hồ Lao, các đội du kích tổ chức mít-tinh. Ðồng chí Trần Cung thay mặt ban lãnh đạo khởi nghĩa tuyên bố thành lập chiến khu kháng chiến Ðông Triều - Chiến khu Trần Hưng Ðạo. Ngày 8-6-1945, ngày hạ các đồn Ðông Triều, Chí Linh, Tràng Bạch, Mạo Khê được chọn là ngày ra đời chính thức của chiến khu. Và cũng từ đây, lực lượng vũ trang chiến khu được mang tên thống nhất "Du kích cách mạng quân".
Du kích cách mạng quân chiến khu Trần Hưng Ðạo sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ ra các khu vực xung quanh, đặc biệt là phía Quảng Yên, Hòn Gai, Kiến An, Hải Phòng. Cùng với sự mở rộng địa bàn, lực lượng vũ trang tập trung chiến khu đã phát triển lên hơn 400 người, được trang bị nhiều súng máy và súng trường. Nhằm đẩy mạnh hoạt động quân sự, Ủy ban quân sự cách mạng chiến khu quyết định biên chế lực lượng vũ trang chiến khu thành các trung đội: Trung đội Hoàng Văn Thụ do đồng chí Nguyễn Quý Ðôn làm Trung đội trưởng; Trung đội Phạm Hồng Thái do đồng chí Phan Mạnh Hà chỉ huy; Trung đội Ký Con (trước là tiểu đội) do đồng chí Lê Phú phụ trách; Trung đội thường trực bảo vệ cơ quan và tiểu đội nữ vũ trang làm nhiệm vụ tuyên truyền, cứu thương, tiếp tế. Tiếp đó, chiến khu tổ chức thêm một đơn vị thủy binh gồm một tàu do công nhân Mạo Khê chiếm được trên sông Kinh Thầy và một số thuyền, ca-nô thu được của địch.
Trung tuần tháng 7-1945, Ủy ban quân sự chiến khu quyết định tập trung lực lượng đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên. Ngày 16-7-1945, đồng chí Nguyễn Bình thay mặt ban lãnh đạo chiến khu triệu tập chỉ huy các trung đội Hoàng Văn Thụ, Phạm Hồng Thái và Ký Con về nhận nhiệm vụ đánh chiếm Quảng Yên. Lực lượng tham gia trận đánh đã xúc tiến chu đáo công tác chuẩn bị, nắm chắc thời cơ, tiến đánh và nhanh chóng làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ Quảng Yên và huyện Yên Hưng chỉ trong một đêm (20-7). Ngay sau thắng lợi ở tỉnh lỵ Quảng Yên, ban lãnh đạo chiến khu tiếp tục tổ chức các trận đánh ở Bến Tắm, Thượng Huyện, Kim Sơn, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào chống Nhật, cứu nước.
Thượng tá TRẦN MINH CAO
(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, biên soạn)