Các điểm nóng Covid-19 trên thế giới hạ nhiệt

NDO -

Theo thống kê của Worldometers, Ấn Độ trong ngày qua ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong khoảng một tháng rưỡi qua. Ngày 30-5 cũng đánh dấu ngày Mỹ ghi nhận ít ca mắc mới nhất kể từ ngày 22-3-2020, tức là thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát tại nước này.

Sân bay quốc tế Miami, Mỹ, ngày 28-5. (Ảnh: AP)
Sân bay quốc tế Miami, Mỹ, ngày 28-5. (Ảnh: AP)

Tại châu Á, Ấn Độ vừa ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong khoảng một tháng rưỡi qua, với 153.485 ca.

Ngày 30-5, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết các bệnh viên tư nhân tại nước này nếu phối hợp các khách sạn hạng sang để cung cấp gói dịch vụ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho khách du lịch sẽ bị coi là vi phạm quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đây là nội dung lá thư Bộ Y tế Ấn Độ gửi tới các bang để hướng dẫn giám sát và bảo đảm các quy định được thực hiện nghiêm túc trong khi triển khai chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc. Thông báo trên được đưa ra sau khi một số khách sạn hạng sang tại Ấn Độ tung ra các gói dịch vụ, trong đó bao gồm dịch vụ ở, ăn sáng, ăn tối, wifi và tiêm phòng vaccine theo yêu cầu, mà theo quảng cáo của các khách sạn là "do các chuyên gia từ các bệnh viện hoặc phòng tư vấn uy tín thực hiện".

Lá thư của Bộ Y tế Ấn Độ nêu rõ, tạm thời, việc tiêm vaccine Covid-19 nên được thực hiện tại các trung tâm tiêm chủng nhà nước hoặc tư nhân, tại nơi làm việc, gần trung tâm tiêm chủng dành cho những người cao tuổi và những đối tượng ưu tiên khác tại các địa điểm nhà cộng đồng, các văn phòng của các tổ chức phúc lợi, tòa nhà ủy ban, trường học, viện dưỡng lão... Việc tiến hành tiêm chủng tại các địa điểm khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.

Tới nay, Ấn Độ đã tiêm khoảng 212 triệu liều, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ, nhưng những người được tiêm đủ hai mũi hiện chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng số 1,35 tỷ dân của nước này. Nhiều bang tại Ấn Độ đã phản ánh tình trạng khan hiếm vaccine làm chậm tốc độ của chương trình tiêm chủng. Ngày 29-5, chính quyền thủ đô New Delhi đã phải tạm dừng chương trình tiêm phòng cho người từ 18-44 tuổi vì thiếu vaccine. Hiện có ba loại vaccine đã được cấp phép tại Ấn Độ gồm Covishield của AstraZeneca, Covaxin của công ty dược nội địa Bharat Biotech và Sputnik-V của Nga. 

Về vấn đề này, ngày 30-5, Chính phủ Ấn Độ khẳng định trong tháng 6, quốc gia này sẽ có gần 120 triệu liều vaccine để dùng trong nước. Như vậy, tổng số liều vaccine tại Ấn Độ sẽ tăng mạnh so với mức 79,4 triệu liều trong tháng 5. Hồi đầu tháng này, một cố vấn hàng đầu của Chính phủ Ấn Độ cho rằng cần hơn hai tỷ liều vaccine để tiêm cho người dân trong nước trong khoảng từ tháng 8-12 năm nay.

Tại Nam Mỹ, ngoài các điểm nóng dịch bệnh như Brazil, Argentina hay Colombia, Chile ngày 31-5 thông báo ghi nhận số ca nhiễm tăng 21% trong 14 ngày qua, bất chấp việc nước này vẫn đang đẩy nhanh công tác tiêm chủng. Chile ghi nhận 7.772 ca nhiễm mới vào ngày 30-5, trong khi số ca nhiễm mới ghi nhận trong hai ngày trước đó đều vượt con số 8.000 ca/ngày. Tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Chile hiện đã lên tới 1.377.507.

Chính phủ nước này đã kêu gọi người dân Chile tiêm chủng và tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp y tế để bảo vệ bản thân và phòng chống dịch bệnh. Đến nay, Chile đã tiêm chủng cho 52% người nằm trong diện chỉ định. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, số ca nhiễm mới tại nước này liên tục tăng với 80% số ca nhiễm mới là người chưa được tiêm chủng. Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris cảnh báo những người không tiêm chủng có nguy cơ nhập viện điều trị, phải chăm sóc trong phòng bệnh đặc biệt hoặc tử vong cao hơn từ 3,23 đến 4,5 lần so với người đã tiêm chủng.  

Tại Mỹ, số ca mắc mới và tử vong đã giảm đáng kể trong những ngày gần đây. Ngày 30-5, Mỹ ghi nhận 7.750 ca mắc mới và 124 ca tử vong. Đây là ngày Mỹ có ít ca mắc mới nhất kể từ ngày 22-3-2020 (gần 10 nghìn ca).

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp tại châu Phi, Nam Phi quyết định nâng mức phong tỏa lên cấp độ 2 trên quy mô toàn quốc, bắt đầu từ ngày 31-5, trong bối cảnh các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đang tăng nhanh những ngày gần đây.

Trong thông điệp quốc gia được phát sóng trực tiếp tối 30-5 (giờ địa phương), Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố, nước này đang chuẩn bị bước vào làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ ba và việc nâng mức phong tỏa lên cấp độ 2 với nhiều quy định hạn chế giao tiếp xã hội khắt khe hơn là điều cần thiết.

Theo đó, các quy định hạn chế được điều chỉnh theo cấp độ 2 sẽ bao gồm: giờ giới nghiêm bắt đầu từ 23 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau; các cơ sở không thiết yếu như nhà hàng, quán bar phải đóng cửa lúc 22 giờ để nhân viên có thể đi về trước giờ giới nghiêm; tất cả các cuộc tụ họp chỉ được giới hạn 100 người trong nhà và 250 người ngoài trời (trong trường hợp địa điểm tổ chức quá nhỏ thì không được chiếm quá 50% sức chứa của địa điểm); tang lễ vẫn bị giới hạn chỉ cho 100 người tham dự, trong khi các cuộc tụ họp sau tang lễ vẫn bị cấm.

Kể từ khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Nam Phi vào ngày 5-3-2020 đến nay, quốc gia cực Nam châu Phi này đã có 1.659.070 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 56.363 người đã tử vong.

Kenya thông báo sẽ kéo dài thời gian giới nghiêm thêm 60 ngày và duy trì lệnh cấm tất cả các cuộc tụ tập chính trị do những rủi ro từ các biến thể mới của SARS-CoV-2 gây ra.

Lệnh giới nghiêm hiện tại được thực hiện từ 22 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau. Vào đầu tháng 5-2020, Bộ Y tế Kenya đã cảnh báo về nguy cơ phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ tư có thể nguy hiểm hơn những đợt trước do sự xuất hiện của các biến thể của SARS-CoV-2.

Kenya đã ghi nhận số ca nhiễm mới sụt giảm trên toàn quốc trong hai tuần qua, tuy nhiên lại phát hiện sự xuất hiện của các biến thể mới ở các ổ dịch ở phía tây nước này. Cơ quan chức năng Kenya 30-5 xác nhận các biến thể có nguồn gốc từ Ấn Độ, Anh và Nam Phi đã được phát hiện trong 39 mẫu lấy gần đây từ những người Kenya chưa từng đi du lịch nước ngoài. Do đó, Kenya có thể phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ tư vào tháng 7 tới. 

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Kenya đang nỗ lực hoàn thiện các biện pháp y tế công cộng và tiêm chủng để loại bỏ đại dịch Covid-19, tránh khủng hoảng y tế cộng đồng và thúc đẩy khôi phục trạng thái bình thường mới. Hiện Kenya đã tăng gấp đôi nỗ lực để có thêm số lượng vaccine mới, qua đó bảo đảm thực hiện mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số vào tháng 6-2022. Kenya đã ghi nhận tổng cộng 170.647 trường hợp mắc Covid-19 và 3.157 ca tử vong.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 31-5 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 171.017.132 ca mắc, 3.556.529 ca tử vong

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 34.043.068 ca mắc, 609.544 ca tử vong
2. Ấn Độ: 28.046.957 ca mắc, 329.127 ca tử vong
3. Brazil: 16.515.120 ca mắc, 462.092 ca tử vong
4. Pháp: 5.666.113 ca mắc, 109.402 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.242.911 ca mắc, 47.405 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.816.041 ca mắc, 50.404 ca tử vong 
2. Philippines: 1.223.627 ca mắc, 20.860 ca tử vong
3. Malaysia: 565.533 ca mắc, 2.729 ca tử vong 
4. Thái Lan: 154.307 ca mắc, 1.012 ca tử vong
5. Myanmar: 143.571 ca mắc, 3.216 ca tử vong
6. Singapore: 62.028 ca mắc, 33 ca tử vong
7. Campuchia: 29.404 ca mắc, 209 ca tử vong
8. Việt Nam: 7.107 ca mắc, 47 ca tử vong
9. Lào: 1.911 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Brunei: 241 ca mắc, 03 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 51.073.490 ca mắc, 682.370 ca tử vong
2. Châu Âu: 46.573.703 ca mắc, 1.070.785 ca tử vong  
3. Bắc Mỹ: 39.718.530 ca mắc, 893.404 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 28.710.015 ca mắc, 778.038 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.872.186 ca mắc, 130.665 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 68.487 ca mắc, 1.252 ca tử vong

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư