Các địa phương phải chuẩn bị kịch bản chống dịch cao hơn một mức

NDO -

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu nhất, nâng cao kịch bản chống dịch hơn một mức để chủ động chống dịch.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tại 128 điểm cầu ngày 16/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương chưa có dịch phải chuẩn bị ngay kịch bản. Với địa phương có dịch phải chuẩn bị kịch bản chống dịch cao hơn một mức so với yêu cầu.

"Chúng tôi đã báo cáo với Bộ Chính trị sẽ cho phép các địa phương chuẩn bị cao hơn một mức để khi dịch xảy ra không bị ngỡ ngàng, bối rối, hoang mang", Bộ trưởng nói. 

Theo Cục Y tế Dự phòng, cơ quan này xây dựng kịch bản 100.000 người mắc Covid-19 trên cả nước, 5.000, 10.000 đến 30.000 ca bệnh tại các tỉnh để khi dịch lan rộng sẽ không bị động. Từ kịch bản này, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch phù hợp.

Các ban, ngành liên quan có trách nhiệm cập nhật kế hoạch đáp ứng, tập huấn cán bộ, kiện toàn đội đáp ứng nhanh, tổ truy vết, tổ Covid-19 và sẵn sàng mở rộng khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến; sẵn sàng về nhân lực, test kit xét nghiệm, vật tư chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19, ưu tiên người trên 65 tuổi, mắc bệnh nền, lực lượng tuyến đầu và theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh 5 nội dung mà các địa phương cần lưu ý. 

Thứ nhất, phải nâng công suất xét nghiệm và có kế hoạch cụ thể về điều phối - tổ chức cũng như trả kết quả xét nghiệm, tránh lúng túng, không có đầu mối chịu trách nhiệm về vấn đề quan trọng này.

Thứ hai, về cách ly, các địa phương phải chuẩn bị  các cơ sở cho cách ly tập trung. Bộ Y tế đã có những chỉ đạo rất chặt chẽ về chuyên môn tại các khu cách ly. Do đó, các địa phương phải quyết liệt thực hiện, giảm thiếu tối đa lây nhiễm trong khu cách ly tập trung vì chủng virsu lần này nguy cơ lấy nhiễm rất cao, rất nhanh.

Thứ ba, về điều trị, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các địa phương, các bệnh viện hạng 2, hạng 3 phải có hệ thống ô-xy để thở HFNC, thở mask. Bộ Y tế đánh giá một số địa phương có nguy cơ thiếu hụt ô-xy nếu xảy ra lây nhiễm trên diện rộng. “Về tổng thể chung, chúng ta vẫn bảo đảm nhưng từng nơi phải tự rà soát lại tình hình sử dụng cũng như khả năng cung ứng có gì khó khăn hay không. Các địa phương cũng phải bảo đảm số giường theo các chỉ đạo của Bộ Y tế”, Bộ trưởng lưu ý.

Thứ tư, về máy, trang thiết bị phục vụ chống dịch. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh quan điểm “4 tại chỗ”. Các địa phương phải chuẩn bị các loại máy cơ bản nhất gồm: Máy thở. Bộ Y tế đã cấp máy thở cho các địa phương, do đó yêu cầu các địa phương tăng cường đào tạo tập huấn sư dụng máy thở. Nếu địa phương nào chưa sử dụng đến, báo lại Bộ Y tế, để bộ thu hồi điều chuyển đến địa phương khác đang có nhu cầu.

Bộ trưởng Y tế cũng lưu ý, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng 1 trở lên phải có trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực đối với bệnh nhân nặng và nguy kịch, trong đó có hệ thống máy ECMO, máy lọc máu và một số trang thiết bị khác. Không phải tuyến nào cũng cần có hệ thống ECMO vì không phải ai cũng làm được kỹ thuật này. Đối với các cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng, không nhất thiết phải trang bị những thiết bị quá chuyên sâu, quá nhiều. “Chúng ta phải làm sao sử dụng trang thiết bị vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm”- Bộ trưởng nói.

Thứ năm, các địa phải tiếp tục đào tạo, tập huấn về chuyên môn: lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng “để chuẩn bị cho tình huống xấu có thể xảy ra”.

"Chúng tôi mong tất cả chúng ta phải quyết liệt, quyết tâm hơn ngăn chặn dịch vào địa phương của mình. Với địa phương có dich phải quyết liệt khống chế dịch sớm", Bộ trưởng nói.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan