Dự Đại hội có đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên; đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng 249 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 60.000 đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Trong hai ngày làm việc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên lần thứ 4 đã tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và phong trào thi đua yêu nước vùng đồng bào dân tộc; tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc; đồng thời tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Đại hội cũng là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Năm năm qua (2019-2024), nhiều chương trình, chính sách xã hội được triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mang lại hiệu quả tích cực; một số mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội cơ bản hoàn thành và vượt so với kế hoạch. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được cải thiện và nâng cao.
Các đại biểu dự Đại hội. |
Đặc biệt, từ nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác của Trung ương và địa phương, hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng và đưa vào phục vụ đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hệ thống chính trị cơ sở ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện.
Cụ thể như trong 2 năm 2019-2020, thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đã dành gần 37,3 tỷ đồng hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 160 hộ dân; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 369 hộ; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 876 lượt hộ; hỗ trợ 3 dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho hộ dân tộc thiểu số…
Đặc biệt, việc triển khai cùng lúc 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo các huyện miền núi. Tiêu biểu, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) giai đoạn 2022-2024, Phú Yên được phân bổ hơn 598,5 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 426 hộ dân tộc thiểu số nghèo; hỗ trợ đất sản xuất cho 5 hộ; xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung; đầu tư 18 hạng mục công trình thuộc dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nguồn vốn này cũng đầu tư, nâng cấp 187 công trình thiết yếu; 17 hạng mục công trình tại 3 trường phổ thông dân tộc nội trú; sửa chữa 26 nhà văn hóa thôn, buôn; thiết lập 12 địa điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại các xã đặc biệt khó khăn…
Phú Yên phát triển bền vững miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Giai đoạn 2019-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ trên 59,45 tỷ đồng đầu tư 152 công trình cơ sở hạ tầng xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn; duy tu, bảo dưỡng 11 công trình; hỗ trợ 680 hộ dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo… Giai đoạn 2022-2024, Phú Yên được phân bổ hơn 34,1 tỷ đồng. Các địa phương đã hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo ở 18 xã; tổ chức 7 lớp học nghề cho 152 học viên; 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 270 cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở… Kết quả, trong 5 năm (2019-2024), chương trình đã thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 0,7-1%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.
Giai đoạn 2022-2024, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phân bổ gần 150,3 tỷ đồng cho các huyện miền núi. Đến nay, 6/23 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 7/7 xã có thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên lần thứ IV. |
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ghi nhận và chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc tỉnh Phú Yên trong thời qua; biểu dương sự cố gắng nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh chung sức, đồng lòng từng bước làm “thay da đổi thịt” vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Phú Yên, góp sức cùng nhân dân cả nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và bảo vệ đất nước.
Đồng chí Y Thông yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, cán bộ, đảng viên trong tỉnh tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh; tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Các địa phương cần quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường… góp phần xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên lần thứ IV, đồng chí Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đánh giá cao kết quả đạt được trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác dân tộc trong thời gian qua. Các chương trình góp phần đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những kết quả trên khẳng định, dù trong thời kỳ nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn đoàn kết, thống nhất, chung tay vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự phát triển của tỉnh nhà.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu chỉ đạo Đại hội. |
“Thời gian tới tới là thời điểm tăng tốc để thực hiện hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã đề ra; đòi hỏi toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân tỉnh ta, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục vượt khó khăn, đẩy mạnh công cuộc phát triển tỉnh nhà trong thời kỳ mới. Tôi tin tưởng, đề nghị cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, phát huy tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau; tin tưởng vào sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình; ra sức thi đua lao động sản xuất để thoát nghèo bền vững, xây dựng đời sống ngày càng sung túc, góp phần xây dựng quê hương Phú Yên ngày thêm giàu đẹp, văn minh”, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024. |
Tại Đại hội, thừa ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tặng bằng khen cho 1 tập thể, 5 cá nhân; trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc cho 4 cá nhân. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn cũng tặng 26 bằng khen cho 12 tập thể, 18 cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024.
Trước đó, sáng cùng ngày (27/9) 249 đại biểu về tham dự Đại hội đã đến đặt vòng hoa viếng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.