Tỷ lệ giải ngân có nhiều chuyển biến tích cực
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, trong năm 2024, ngân sách Trung ương hỗ trợ ba chương trình mục tiêu quốc gia cho các tỉnh vùng Tây Nguyên là hơn 5.542,9 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là hơn 3.423,9 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 2.118,9 tỷ đồng. Ðến nay, các địa phương trong vùng đã giao hơn 3.227,6 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; phân bổ chi tiết dự toán vốn sự nghiệp đạt 100% dự toán cho các đơn vị cấp trực thuộc.
Ngoài ra, các địa phương trong vùng đã bố trí đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kinh phí 1.574,2 tỷ đồng. Trong đó, các tỉnh Lâm Ðồng, Ðắk Lắk, Ðắk Nông bố trí trên 300 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình.
Tính đến ngày 30/6/2024, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã giải ngân vốn đầu tư công bao gồm: Vốn đầu tư của các năm trước kéo dài sang năm 2024 ước đạt khoảng 1.532,610 tỷ đồng, đạt 36,45% kế hoạch; nguồn vốn năm 2024 giải ngân ước đạt 1.196,881 tỷ đồng, đạt khoảng 35% kế hoạch giao. Kết quả giải ngân toàn vùng ngang bằng với kết quả giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia chung của cả nước là 36%, cao hơn so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước là 29% và so với cùng kỳ năm 2023 là 21,67%.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của từng chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng tương đối cân bằng, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có tỷ lệ cao nhất là 38%. Ðối với kết quả giải ngân vốn sự nghiệp, đến ngày 31/5/2024, các địa phương vùng Tây Nguyên chỉ mới giải ngân ước đạt khoảng 95,161 tỷ đồng, đạt 4,4% dự toán và thấp hơn so với giải ngân vốn sự nghiệp của cả nước là 5%.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại nhiều kết quả thiết thực cho các tỉnh Tây Nguyên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, đến nay khu vực Tây Nguyên có khoảng 373 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt khoảng 16 tiêu chí/xã. Có 10 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Về hộ nghèo, năm 2024 các tỉnh trong vùng ước giảm 3-4% tỷ lệ hộ nghèo đa chiều so với năm 2023. Ðối với 7 nhóm mục tiêu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 4 mục tiêu cơ bản hoàn thành tại vùng Tây Nguyên gồm: Mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,4%; nhóm mục tiêu về công tác giáo dục; mục tiêu lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nhóm mục tiêu về bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng như các tỉnh vùng Tây Nguyên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng Tây Nguyên còn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế cần tháo gỡ. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, đến thời điểm hiện nay, chưa ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung đối với 83 thôn, buôn đạt tiêu chí thôn, buôn đặc biệt khó khăn sau khi chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc đổi tên.
Do vậy, các địa phương không có cơ sở triển khai các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này. Bên cạnh đó, quy định tại khoản 1 Ðiều 32 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc chưa phù hợp nguyên tắc “Ðầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản, khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất” tại Quyết định số 1719/QÐ-TTg và Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ðối với các xã thuộc khu vực III, khu vực II quy định tại Quyết định số 861/QÐ-TTg ngày 4/6/2021 sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ thôi hưởng các chính sách an sinh xã hội, gây khó khăn cho các địa phương. Ngoài ra, đến nay chưa có quy định và khái niệm “người lao động có thu nhập thấp” là đối tượng thụ hưởng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025…
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk Võ Văn Cảnh cho biết, năm 2024, tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh hơn 1.570 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 1.253 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 317 tỷ đồng.
Ðến hết ngày 31/7/2024, các chủ đầu tư đã triển khai thực hiện và giải ngân được hơn 555,696 tỷ đồng, đạt 35,37%. Về vốn sự nghiệp, năm 2024 tổng dự toán kinh phí thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 1.295 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 1.180 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 114 tỷ đồng.
Ðến ngày 31/7, toàn tỉnh mới giải ngân được hơn 48 tỷ đồng, đạt 3,72% kế hoạch. Nguyên nhân do địa phương vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng và ban hành nghị quyết, quy định một số nội dung và mức hỗ trợ sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết về mẫu hồ sơ, thủ tục lựa chọn dự án dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, làm ảnh hưởng đến một số nội dung thực hiện và giải ngân nguồn vốn được giao.
Bên cạnh đó, các nội dung đầu tư thuộc Tiểu dự án 2 Dự án 3 và Tiểu dự án 2 Dự án 10, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến nay các đơn vị vẫn chưa lập được hồ sơ dự án để hoàn thiện các thủ tục đầu tư giao kế hoạch vốn hằng năm triển khai thực hiện, mặc dù đã đến năm thứ 4 của kỳ kế hoạch giai đoạn 5 năm…
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm cho ý kiến về dự án xây dựng Trung tâm thu mua-cung ứng nông sản an toàn cấp huyện thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới và Bộ Tài chính cho phép địa phương sử dụng kinh phí xóa mù chữ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số-miền núi để chi trả tiền công cho người tham gia dạy các lớp xóa mù chữ do ngân sách địa phương khó khăn. Ðồng thời, cần sửa đổi Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 về mức hỗ trợ chi phí xây dựng hồ sơ thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất thuộc tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số-miền núi…
Sau khi nghe kiến nghị từ các tỉnh vùng Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo từ nay đến cuối năm 2024, các tỉnh Tây Nguyên cần tích cực hơn để hoàn thành nhiệm vụ, nhất là cố gắng giải ngân vốn đã bố trí, không xin thêm ngân sách của Trung ương. Còn các vấn đề đang xung đột, vướng mắc chỗ nào thì các tỉnh nên đề nghị các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, xử lý ngay, còn vấn đề gì vượt thẩm quyền của các bộ, ngành thì Phó Thủ tướng sẽ trả lời đầy đủ, nhanh chóng giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc giải ngân các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.