Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 30 bộ, cơ quan trung ương và 55 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 (thông tin cập nhật trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công) làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án.
Để bảo đảm việc phân bổ vốn kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ những tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã được giao theo đúng quy định, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tuân thủ các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định pháp luật có liên quan.
Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đầu tư các dự án khởi công mới sử dụng vốn đầu tư năm 2023 để sớm hoàn thành việc giao kế hoạch vốn; việc bố trí kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án phải bảo đảm phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân. Thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt, kịp thời giữa các dự án, từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn và khả năng giải ngân cao theo quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính chủ động thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, kịp thời kiến nghị phương án xử lý đối với số vốn chậm phân bổ theo quy định nhằm thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Bộ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Công điện này và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp tiếp tục chậm trễ trong phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo đúng quy định.