Các biện pháp miễn trừ trừng phạt với nhiều nhân vật cấp cao của Taliban hết hiệu lực

Các biện pháp miễn trừ áp dụng lệnh cấm đi lại của Liên hợp quốc với 13 nhân vật cấp cao của Taliban hết hiệu lực trong đêm 19/8, trong khi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang tìm cách gia hạn biện pháp này.
0:00 / 0:00
0:00
Các tay súng của lực lượng Taliban. (Ảnh: Reuters)
Các tay súng của lực lượng Taliban. (Ảnh: Reuters)

Theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ban hành năm 2011, có 135 nhân vật cấp cao Taliban chịu các lệnh trừng phạt gồm đóng băng tài sản và cấm đi lại.

Tuy nhiên, 13 người trong số này được miễn trừ cấm đi lại để có thể ra nước ngoài gặp gỡ giới chức các nước khác.

Tháng 6 vừa qua, Ủy ban phụ trách các biện pháp trừng phạt tại Afghanistan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm 15 nước thành viên, đã đưa 2 nhân vật cấp cao phụ trách giáo dục trong lực lượng Taliban ra khỏi danh sách miễn trừ trừng phạt vì cho rằng hệ thống giáo dục còn tồn tại bất bình đẳng với nữ giới.

Đồng thời, ủy ban này cũng gia hạn miễn trừ trừng phạt với 11 người còn lại đến hết ngày 19/8, có thể thêm 1 tháng nếu không có thành viên nào trong ủy ban phản đối.

Theo các nguồn tin ngoại giao, trong tuần này, Ireland đã lên tiếng phản đối. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga kêu gọi gia hạn, Mỹ muốn rút ngắn danh sách các quan chức được phép đi lại và hạn chế số điểm đến.

Hãng tin AFP (Pháp) dẫn các nguồn thạo tin cho biết, theo đề xuất mới nhất, chỉ có 6 nhân vật cấp cao của Taliban được phép đi lại vì mục đích ngoại giao.

Nếu không có thành viên của của Hội đồng Bảo an phản đối trong cuộc họp chiều 22/8 thì đề xuất trên sẽ có hiệu lực trong 3 tháng.

Trong khi đề xuất đang được cân nhắc thì biện pháp miễn trừ với 13 nhân vật cấp cao của Taliban sẽ hết hiệu lực từ nửa đêm 19/8.

Trong số 13 người này có các ông Abdul Ghani Baradar và Sher Mohammad Abbas Stanekzai được chính quyền Taliban bổ nhiệm là Phó Thủ tướng và Thứ trưởng Ngoại giao.

Hiện cộng đồng quốc tế vẫn chưa công nhận cơ chế lãnh đạo Afghanistan của lực lượng Taliban.

Sau khi trở lại nắm quyền điều hành đất nước cách đây 1 năm, Taliban cam kết sẽ thay đổi cách điều hành, giảm bớt những quy định Hồi giáo hà khắc từng được lực lượng này áp dụng cách đây hơn 10 năm.

Tuy nhiên, sau 1 năm, nhiều quy định vẫn được duy trì, trong đó có những quy định được cho là hạn chế quyền của phụ nữ và trẻ em gái.