Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 3/5/2022 trên thế giới đã ghi nhận 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 20 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó đã có 4 trường hợp tử vong.
Các bệnh viện tăng cường giám sát
Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Đa số các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E).
Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Châu Âu cho biết hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra. Tuy nhiên các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm gan "bí ẩn", Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các địa phương cần phải tăng cường giám sát, sàng lọc các ca bệnh nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, vàng da... để xem có tổn thương gan hay không. Việc kiểm soát sớm bệnh sẽ hạn chế tỷ lệ chuyển nặng và giúp ngành y tế nhanh chóng khống chế, khoanh vùng được khu vực có khả năng lây nhiễm cao.
TS, BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhận định khả năng xuất hiện các chùm ca bệnh với tính chất tương tự ở Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra, để sàng lọc và phát hiện sớm bệnh, từ tuần trước Bệnh viện Nhi Trung ương đã xây dựng các bộ câu hỏi ghi nhận, sàng lọc bệnh nhân có biểu hiện nghi vấn.
Các bệnh nhân ở phòng khám nếu có triệu chứng nghi ngờ sẽ làm xét nghiệm liên quan để xác định tổn tương gan. Những bệnh nhân có tổn thương gan cấp sẽ được đặc biệt lưu ý tới tiền sử dịch tễ, các triệu chứng bất thường. Tùy từng bệnh nhân sẽ làm xét nghiệm chuyên sâu hơn để tiếp cận chẩn đoán, can thiệp kịp thời, bao gồm cả sàng lọc virus Adeno.
Theo TS, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sự xuất hiện chùm ca bệnh viêm gan ở trẻ gần đây là một mối lo ngại, nhận được sự quan tâm nhiều của giới chuyên môn.
Có nhiều giả thuyết được đưa ra. Có người cho là Adenovirus, có thể liên quan đến virus khác, hoặc thậm chí là loại virus mới chưa xác định. Tuy nhiên, hiện nay, việc xác định virus nào gây tổn thương gan ở chùm ca bệnh chưa rõ. Tổ chức Y tế thế giới và các nhà chuyên môn đang nỗ lực tìm nguyên nhân.
“May mắn Việt Nam chưa xuất hiện chùm ca bệnh nhưng chúng tôi luôn luôn theo dõi sát tình hình thế giới. Nếu thế giới xác định được loại virus nào thì hệ thống phòng xét nghiệm của chúng tôi hoàn toàn có thể phối hợp và triển khai xác định virus đó ở Việt Nam”, ông Cấp cho hay.
Với chủng virus mới này, cho đến giờ ghi nhận xảy ra ở trẻ nhỏ và xuất hiện với triệu chứng khởi phát nôn, sốt, tiêu chảy, viêm gan cấp, suy gan.
Trong số các bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có những biểu hiện của sốt, nôn, tiêu chảy đều được theo dõi kỹ, xác định xem tổn thương gan không. Nếu bệnh nhi được cho về điều trị ngoại trú sẽ tiếp tục theo dõi tiếp có tổn thương gan hay không, để nếu không may dịch lan sang Việt Nam, các chuyên gia dịch tễ sẽ phát hiện được sớm ngay từ những ca đầu.
Bác sĩ Cấp cũng cho biết thêm, nếu nguyên nhân gây ra tình trạng viêm gan bí ẩn là Adenovirus thì có thể lây lan qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa, qua tiếp xúc tắm tại các bể nước có ô nhiễm.
Nếu như lây truyền qua đường tiêu hóa thì tốc độ lây truyền chậm hơn. Nếu lây qua đường hô hấp, virus sẽ lây truyền nhanh và tạo ra tình trạng lan rộng.
“Chúng ta không loại trừ lúc nào đó lây sang Việt Nam. Do đó, các cháu nhỏ có khởi phát sốt, nôn, tiêu chảy, sau đó có diễn tiến tiếp tổn thương gan, chán ăn,mệt mỏi, vàng da, đi tiểu sẫm màu cần đưa tới cơ sở y tế đánh giá chức năng gan xem tổn thương không?”, bác sĩ Cấp nói.
Không được tự ý dùng thuốc
Theo bác sĩ Hoa, Adeno là virus đã được phát hiện từ 1953 với 57 tuýp với 7 loài. Ở người, virus này có thể gây bệnh với nhiều dạng tổn thương. Virus Adeno khá thường gặp đặc biệt ở trẻ em, nhất là dịch đau mắt đỏ vào mùa hè. Đây cũng là nguyên nhân gây tổn thương viêm đường hô hấp, viêm phế quản ở người lớn chỉ sau cúm. Tổn thương dạ dày, ruột do Adenovirus cũng xếp thứ 2 sau Rotavirus.
Do vậy, chuyên gia này cho biết, theo ước tính ở trẻ 0-4 tuổi, khi kiểm tra kháng thể Adeno trong máu thì đa phần trẻ đã có kháng thể dương tính. Như vậy, trẻ em trong độ tuổi này ít nhất đã va vấp một lần với virus Adeno. Adeno là loài virus cũ, có thể gây tổn thương ở nhiều cơ quan nhưng hay gặp nhất là ở đường hô hấp, phổi , viêm dạ dày ruột với các biểu hiện nôn, buồn nôn, tiêu chảy.
Bác sĩ Hoa khuyến cáo, với trẻ từ 0-16 tuổi, khi có các triệu chứng sau, cha mẹ cần đưa con tới bệnh viện để thăm khám, giám sát y khoa: Trẻ sốt nhẹ, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá; Trẻ mệt mỏi; Trẻ có dấu hiệu vàng da. Ban đầu, vàng da có thể xuất hiện ở củng mạc mắt (phần lòng trắng của mắt). Sự thay đổi màu sắc này dễ dàng nhận biết dưới ánh sáng mặt trời.
Việc cảnh giác, cẩn thận hơn trong chăm sóc con em là cần thiết nhưng các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng, hoang mang. “Các xét nghiệm men gan để sàng lọc chỉ cần thực hiện ở các đối tượng nguy cơ cao do bác sĩ chỉ định, không cần thực hiện đồng loạt xét nghiệm men gan, chức năng gan vì không cần thiết”, bác sĩ Hoa nói.
Đồng quan điểm này, TS, BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu adenovirus tới Việt Nam thì có thể đa số người mắc không có triệu chứng về gan, bệnh sẽ như cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, sẽ có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bị virus tấn công vào gan. Những người này vẫn có thể được chăm sóc bình thường. Điều cần lưu ý nếu có vàng da, tiểu sậm màu thì cần phải tới bệnh viện.
“Nếu trẻ có biểu hiện nhiễm Adenovirus, cần giữ cho gan ổn định, hồi phục. Đặc biệt không được cho con uống thuốc linh tinh. Nếu trẻ bị viêm gan mà uống paracetamol thì gan sẽ bị nặng thêm”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Do đó, khi xuất hiện những ca đầu tiên tại Việt Nam và nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra, các gia đình cần phải thường xuyên theo dõi sức khỏe, vệ sinh ăn uống cho đúng, rửa tay, tuân thủ đeo khẩu trang. Nếu vàng da toàn thân, tiểu màu sẫm đậm phải đi bệnh viện ngay. Tại bệnh viện, các nhân viên y tế cũng cần phải cảnh giác về bệnh viêm gan bí ẩn và có phương án để làm các xét nghiệm đến bệnh lý này.
Bác sĩ Khanh cũng cảnh báo, những em bé có bệnh lý chuyển hóa, có viêm gan B, C sẵn thì nếu gặp virus này sẽ nguy hiểm hơn. Vì thế, cần phải phát hiện sớm triệu chứng đưa tới cơ sở y tế, can thiệp kịp thời cho gan không bị tổn thương thêm.
“Hiện nay, một số phòng khám lợi dụng tình trạng trẻ nôn ói, tiêu chảy để làm các chỉ định thêm, gây tốn kém. Nếu trẻ nôn ói, đau bụng không vàng da, không tiểu sẫm màu thì không cần thiết phải làm nhiều các xét nghiệm thêm”, bác sĩ Khanh chia sẻ.