Tuy nhiên, hai bên đã cùng nhau kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với tiến trình chính trị của Libya sau nhiều năm bất ổn.
Các đại diện của Thượng viện Libya có trụ sở tại Tripoli ở miền Tây và Quốc hội Libya có trụ sở tại thành phố Tobruk ở miền Đông đã tiến hành cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày tại thủ đô Rabat của Maroc.
Phát biểu khi kết thúc cuộc đàm phán ngày 1/10, thành viên của Quốc hội Libya El Hadi Ali Elsaghir nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ tiến trình bầu cử ở Libya... và cử các quan sát viên quốc tế tới để bảo đảm rằng sự kiện quan trọng này diễn ra thuận lợi."
Tuy nhiên, quan chức này không đề cập đến thỏa thuận với phe đối dịch ở miền Tây về luật bầu cử.
Mặc dù vậy, theo quan chức này, cuộc đàm phán ở Maroc diễn ra trong bối cảnh "hiểu biết và đồng thuận."
Trong khi đó, Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cũng tham gia cuộc đàm phán trên tại Maroc đã kêu gọi 2 bên đối địch tại Libya tận dụng cơ hội này, thực hiện trách nhiệm lịch sử, để hoàn thành khuôn khổ pháp lý cho tiến trình bầu cử.
Libya rơi vào khủng hoảng kể từ năm 2011 sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ.
Từ đó, quốc gia Bắc Phi này luôn trong tình trạng bị chia rẽ giữa 2 chính quyền đối địch, được các lực lượng nước ngoài và các tay súng trong nước hậu thuẫn.
Tháng 10/2020, các phe phái tham chiến tại Libya đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn.
Một chính phủ lâm thời thống nhất đã được thành lập vào tháng 3 năm nay để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội vào tháng 12 tới.
Tuy nhiên, việc các bên vẫn chưa thể thống nhất cơ sở xây dựng hiến pháp sau nhiều vòng đàm phán đang làm dấy lên hoài nghi về khả năng tổ chức bầu cử vào cuối năm nay.