Trưa 24/4, thông tin với phóng viên Báo Nhân Dân, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô cho hay, cá thể rùa Hoàn Kiếm tại Đồng Mô (Hà Nội) đã qua đời. Cá thể rùa này có cân nặng gần 100kg.
Người dân địa phương và các chuyên gia đã phát hiện xác rùa nổi lên mặt nước. Hiện nguyên nhân tử vong của cá thể rùa cực kỳ quý hiếm này đang được tiếp tục làm rõ.
Cá thể rùa Hoàn Kiếm tại Đồng Mô. (Ảnh do Chương trình bảo tồn rùa châu Á chụp năm 2020) |
Trước đó, trong nỗ lực bảo tồn loài rùa đặc biệt quý hiếm này, năm 2020, các nhà bảo tồn đã tiến hành đặt bẫy bắt trên hồ Đồng Mô và phát hiện một cá thể rùa nghi là rùa Hoàn Kiếm.
Các nhà khoa học đã lấy mẫu, tiến hành phân tích gene và làm các nghiên cứu chuyên sâu. Kết quả xác nhận, cá thể tại Đồng Mô có giới tính cái, thuộc loài Giải Sin-hoe hay còn được gọi là rùa Hoàn Kiếm.
Theo Chương trình Bảo tồn rùa châu Á, rùa Hoàn Kiếm (còn có tên là giải Swinhoe, Rafetus swinhoei), là loài rùa mai mềm khổng lồ được miêu tả lần đầu tiên vào năm 1873, nhưng hiện có rất ít nghiên cứu về loài.
Loài rùa nước ngọt lớn nhất này cũng được coi là loài rùa nguy cấp nhất thế giới. Do đó, loài rùa này được đánh giá là Cực kỳ nguy cấp (CR) trong Sách đỏ IUCN (2019), và nằm trong số 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt nguy cấp nhất thế giới theo nghiên cứu của Liên minh bảo tồn rùa (2018).
Cá thể rùa Hoàn Kiếm tại Đồng Mô. (Ảnh Chương trình Bảo tồn rùa châu Á chụp năm 2020) |
Sau khi cá thể rùa ở hồ Hoàn Kiếm chết vào năm 2016 và cá thể ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc chết vào tháng 4/2019, chỉ có 3 cá thể của loài được biết đến còn tồn tại. Một cá thể đực tại Vườn thú Tô Châu, trong khi Việt Nam có 2 cá thể: Một ở hồ Đồng Mô được tìm thấy vào năm 2007 và một cá thể ở hồ Xuân Khanh, Hà Nội, Việt Nam được xác nhận vào tháng 4 năm 2018 bằng kỹ thuật gene môi trường (eDNA) hiện đại.
Với việc cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô chết, hy vọng khôi phục loài rùa quý hiếm nhất thế giới sẽ hẹp dần hy vọng.