Góp sức cứu hộ rùa biển

Với tỷ lệ sống sót 1/1000, rùa biển được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Đến với Côn Đảo hôm nay, du khách có cơ hội được trải nghiệm một hành trình vô cùng đặc biệt: Cùng nhau góp sức và hành động để cứu loài rùa biển…
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, Vườn quốc gia Côn Đảo đã cứu hộ thành công 2.743 tổ trứng rùa, ấp nở thành công 2.562 tổ và thả về đại dương hơn 207 nghìn cá thể rùa con.
Năm 2022, Vườn quốc gia Côn Đảo đã cứu hộ thành công 2.743 tổ trứng rùa, ấp nở thành công 2.562 tổ và thả về đại dương hơn 207 nghìn cá thể rùa con.

"Nín thở" đón trứng rùa

Từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm, du khách khi đến thăm Vườn quốc gia Côn Đảo có thể tham gia trải nghiệm quá trình chờ rùa đẻ, ấp trứng và thả rùa con về biển. Qua theo dõi bằng vệ tinh do Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện, rùa đến đây đẻ trứng thường là từ các vùng biển Phú Quý, Phú Quốc, Trường Sa, hoặc các đảo thuộc Philippines, Indonesia, Malaysia.

Sau khi đăng ký tham gia trải nghiệm, chúng tôi đi cano ra tới Hòn Bảy Cạnh. Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên, Vườn quốc gia Côn Đảo hiện có 18 bãi cát, mỗi năm đón khoảng 450 rùa mẹ lên làm tổ, đẻ trứng. Bãi cát được rùa mẹ chọn thường phẳng, mịn, sạch sẽ, các điều kiện tự nhiên còn nguyên vẹn. Chúng tôi được nhân viên hướng dẫn dặn nói chuyện khẽ, di chuyển trong bóng đêm nhẹ nhàng, tuyệt nhiên không được bật đèn, bởi rùa rất nhạy cảm với tiếng động, ánh sáng và những vật cản.

Khi con nước lên cao, xa xa, thấp thoáng bóng những con rùa mẹ bắt đầu nhấp nhô trên mép nước. Dưới ánh trăng vàng, rùa mẹ chậm rãi bò lên bờ, cách mặt nước biển khoảng độ hơn 50m rồi dừng lại tìm chỗ đẻ. Rùa mẹ chọn một khu vực cát mịn gần các lùm cây, sau đó dùng hai chân trước đào tổ và hai chân sau đào một lỗ sâu chừng hơn 60cm, rộng khoảng 20cm và bắt đầu đẻ trứng. Sau hơn 2-3 giờ đồng hồ, hoàn tất công cuộc vượt cạn, rùa mẹ dùng chân trước lấp cát chung quanh tổ trứng, quay trở về đại dương.

Một bạn trong nhóm nhanh nhẹn chạy đến đánh dấu tổ rùa vừa đẻ trứng, rồi chúng tôi tiếp tục di chuyển sang tổ tiếp theo. Đêm ấy, có đến hơn 10 rùa mẹ lên bờ. Chúng tôi quan sát từng con rùa mẹ đẻ trứng, lấp cát quanh tổ với tâm trạng háo hức như xem "mẹ rùa" đầu tiên, vừa xem vừa lẩm nhẩm đếm từng quả trứng. Được biết, trong những ngày cao điểm, có đến hơn 30 rùa mẹ sinh sản.

Sau khi quan sát "mẹ rùa" thứ hai đẻ xong, nhân viên kiểm lâm hướng dẫn chúng tôi cách đào lại tổ bằng tay, để lấy trứng và cho vào hồ ấp. Trứng rùa phải mang đi ấp trong vòng sáu giờ từ khi rùa đẻ. Mọi thao tác diễn ra thật nhẹ nhàng và cẩn thận vì trứng rùa rất mỏng, dễ bị vỡ.

Ông Tạ Thắng, nhân viên kiểm lâm của Vườn quốc gia Côn Đảo, chia sẻ: "Công việc này tuy bận rộn nhưng rất ý nghĩa. Nhiều đêm vào mùa cao điểm, chúng tôi thức trắng để canh rùa đẻ là điều bình thường".

Về với biển...

Sớm hôm sau, khi đến tham quan hồ ấp trứng, chúng tôi thấy ở một vài tổ ấp, đã có những chú rùa con nở và ngoi lên mặt cát. Đó là những tổ trứng được ấp từ 45-60 ngày trước. Từng bé rùa cố chui ra khỏi vỏ trứng, chen nhau leo lên miệng tổ để bò về phía biển. Khoảng 7 giờ sáng, khi con nước cao và mặt trời chưa gay gắt, nhân viên kiểm lâm cho những chú rùa con vào giỏ, đưa xuống bờ cát, rồi hướng dẫn chúng tôi thả chúng về biển.

Hàng trăm, hàng nghìn rùa con chập chững tự bò xuống biển, trên quãng đường chỉ cỡ vài chục mét. Trước khi hòa mình vào biển, rùa con vẫn kịp quay đầu lại, ghi nhận hình ảnh về nơi chúng sinh ra, để khi trưởng thành (khoảng 30 năm sau), rùa biển sẽ quay lại chính nơi chào đời, nối tiếp vòng tuần hoàn. Và chúng tôi ai nấy đều nghĩ: Đến lúc ấy, sẽ có những chú rùa mà tôi và các bạn của mình đã thả hôm nay quay về vùng biển Côn Đảo này.