Vào ngày 20-8, anh Nguyễn Văn Trọng, cán bộ thực địa tại hồ Đồng Mô của ATP/IMC đã chụp lại được khoảnh khắc hai cá thế rùa cùng xuất hiện tại một địa điểm. Mặc dù cả hai cá thể rùa chỉ nổi chưa đến 3 giây, anh Trọng đã chụp được một số bức ảnh quý giá về hai cá thể này.
Trong ảnh, cá thể lớn xuất hiện phía trước, ước tính nặng khoảng 100-130kg vào thời điểm hiện tại so với cân nặng 69kg khi được cứu hộ vào năm 2008.
Cá thể rùa thứ hai xuất hiện phía sau trong khung hình, khá gần cá thể lớn. Mặc dù bức ảnh chưa đủ rõ để quan sát kỹ các hoa văn trên đầu, ước tính cá thể này nặng khoảng 40-50kg.
Các ngư dân ở hồ Đồng Mô từ lâu đã khẳng định có một cá thể thứ hai nhỏ hơn đang sống trong hồ, bên cạnh cá thể Giải Sin-hoe lớn thường xuyên được chụp ảnh. Cá thể lớn chính là cá thể thoát ra khỏi hồ trong vụ vỡ đập năm 2008 và ngay sau đó đã được cứu hộ và thả lại hồ, tại thời điểm đó, cá thể này nặng 69kg.
Việc so sánh các hoa văn trên đầu rùa từ những bức ảnh chụp rõ nét khi rùa nổi cho thấy đó đều là ảnh của cá thể rùa lớn.
Nhưng vào tháng 5-2011, trong khi quan sát rùa trên hồ, nhân viên ATP/IMC đã lần đầu tiên nhìn thấy một cá thể rùa mai mềm có vẻ nhỏ hơn cá thể lớn thường được quan sát.
“Mặc dù một số ảnh về cá thể nhỏ đã được chụp trong những năm gần đây, những ảnh này vẫn chưa đủ rõ nét để chứng minh đây là cá thể rùa thứ hai. Cuối cùng, thần may mắn đã mỉm cười với chúng tôi”, đại diện Chương trình bảo tồn Rùa châu Á cho biết.
Chặng đường dài bảo tồn loài rùa quý hiếm nhất thế giới
Năm 2003, ATP bắt đầu công tác nghiên cứu và bảo tồn loài rùa quý hiếm nhất thế giới ở Việt Nam. Đó là một chặng đường dài và gian nan.
Đến nay, Chương trình bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) đã tiến hành khảo sát tại 21 tỉnh ở miền Bắc Việt Nam.
Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) khổng lồ, còn được biết đến với tên gọi rùa Hoàn Kiếm, là loài cực kỳ nguy cấp, có thể nặng hơn 150kg. Loài rùa này đã bị săn lùng ráo riết trong giai đoạn 1970–1990 để làm thực phẩm và rất hiếm gặp ngoài tự nhiên.
Loài này có phân bố ở các vùng đầm lầy, hồ và sông lớn ở miền Bắc Việt Nam, miền Nam Trung Quốc và có thể cả Lào. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, không có quần thể tự nhiên nào được tìm thấy, cho đến tận năm 2007 khi cá thể hoang dã đầu tiên được xác nhận ở hồ Đồng Mô, ngoại thành Hà Nội.
Nhóm nghiên cứu của ATP/IMC đã tiếp tục tìm kiếm và chờ đợi trong một thời gian dài trước khi cá thể thứ hai được xác nhận vào ngày 24-5-2017 tại hồ Xuân Khanh.
“Chúng tôi vui mừng thông báo về triển vọng có thêm một cá thể Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) mới ở hồ Đồng Mô, nâng tổng số cá thể còn tồn tại được biết đến của loài này lên bốn cá thể, trong đó ba cá thể ở Việt Nam và một cá thể ở Trung Quốc”, ATP cho biết.
ATP/IMC, với vai trò là thành viên tích cực của Liên minh bảo tồn rùa Hoàn Kiếm (Rafetus Alliance) đang phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Nội, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Tổ chức Turtle Survival Alliance (TSA), Tổ chức Global Wildlife Conservation (GWC) và Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES) để thực hiện kế hoạch hành động bảo tồn loài Giải Sin-hoe.
Thực tế, có rất ít loài rùa nước ngọt ở Việt Nam có thể đạt kích thước lớn như rùa Hoàn Kiếm đã mang lại hy vọng rằng có ít nhất hai, và thậm chí có thể nhiều hơn đại hiện của loài Giải Sin-hoe hiện còn tồn tại ở hồ Đồng Mô.
Tuy nhiên, đại diện Chương trình cho biết, phải tiến hành thêm các nghiên cứu chuyên sâu trước khi có thể khẳng định chính xác danh tính của cá thể rùa mới này.
“Với một số địa điểm khác đã được xác định bởi ATP/IMC ở Việt Nam, chúng tôi hy vọng có thể tìm thấy thêm các cá thể khác cùng loài, mang lại nhiều cơ hội hơn cho công tác bảo tồn loài rùa quý hiếm nhất thế giới ở Việt Nam trong tương lai”, Chương trình bảo tồn Rùa châu Á cho biết.
“Những bức ảnh mới sẽ góp phần thúc đẩy công tác tuần tra giám sát tại hồ và chúng tôi hy vọng chúng sẽ gia tăng sự quan tâm của công chúng đến loài rùa này”, đại diện ATP kết luận.