Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ trao Giải thưởng VinFuture 2022, Tọa đàm Khoa học vì Cuộc sống: “Liệu pháp cá thể hóa trong điều trị ung thư” đã mang đến những nghiên cứu-ứng dụng và tiềm năng phát triển của liệu pháp tế bào, liệu pháp gene để điều trị chính xác và cá thể hóa các bệnh lý ung thư.
Nhiều liệu pháp mới trong điều trị ung thư
Trong bài báo cáo tại tọa đàm “Liệu pháp cá thể hóa trong điều trị ung thư”, Giáo sư Je-Jung Lee (Khoa Huyết học, Trường Y, Đại học Quốc gia Chonnam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Liệu pháp miễn dịch ung thư tại Bệnh viện Hwasun, Đại học Quốc gia Chonnam; Giám đốc VaxCell Biotherapeutics, và Chủ tịch Hội Trị liệu Tế bào-Miễn dịch, Hiệp hội Cấy ghép máu và tủy Hàn Quốc) đã chia sẻ về công việc mà nhóm của ông đã thực hiện trong việc thúc đẩy các phương pháp điều trị như CAR-NK, CAR-MIL và liệu pháp tế bào CAR-T đa mục tiêu trên lâm sàng.
Nhóm của ông nghiên cứu về giải pháp tế bào tiêu diệt tự nhiên (CAR-NK) từ năm 2010. Tỷ lệ phản hồi sau khi sử dụng liệu pháp NK đạt hơn 81%, ổn định trong 3 năm.
“Theo liệu pháp này, người bệnh được truyền tế bào NK và HAIC nhằm kích hoạt và phát hiện tế bào ung thư và tiêu diệt. Chúng tôi đã triển khai các thử nghiệm lâm sàng trên 11 người.
Ban đầu chúng tôi nghiên cứu với 10 trường hợp và trong giai đoạn 2 thì tỷ lệ phản hồi tích cực lên 66,7% và tỷ lệ thích nghi tới 100%. Kết quả điều trị sau 4 tuần, dấu hiệu tế bào ung thư ác tính gần như biến mất, và kết quả ổn định trong 3 năm”, Giáo sư Je-Jung Lee nói.
Liệu pháp tế bào miễn dịch ung thư dự kiến sẽ có vai trò rất quan trọng trong tương lai gần, trước diễn biến trẻ hóa của ung thư trên toàn cầu. Ngoài ra, một ưu thế lớn của liệu pháp miễn dịch là khả năng giảm bớt các biến chứng lâu dài đến từ các phương pháp chữa trị ung thư ở trẻ em thông thường.
Theo chuyên gia này, 2 nghiên cứu trên thể hiện số liệu sơ bộ ban đầu cho thấy liệu pháp sử dụng tế bào NK là an toàn và xây dựng thành mô hình để mở rộng trong điều trị bệnh nhân.
Hiện nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị tiền lâm sàng cho tế bào NK ở các bệnh nhân sử dụng liệu pháp truyền tế bào miễn dịch tự nhiên.
Với bệnh nhân ung thư phổi, liệu pháp truyền tế bào NK cho thấy tỷ lệ phản hồi tích cực lên tới 90%. Dựa trên các thử nghiệm lâm sàng này, nhóm đã triển khai ở bệnh nhân có tiền sử ung thư phổi đã kéo dài. Ngoài ra, nhóm lấy tế bào tủy xương và cấy trên hệ thống miễn dịch người bệnh, sử dụng tế bào T.
Giáo sư Je-Jung Lee. |
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy, việc truyền HAIC và tế bào NK rất an toàn và mang lại mô hình điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân ung thư.
“Liệu pháp này ít tác dụng phụ hơn so với tế bào CAR-T và quan trọng nhất là cho phép khả năng của một liệu pháp miễn dịch “có sẵn”. Do đặc điểm của chúng, các tế bào NK từ những người khỏe mạnh có thể được thiết kế và đưa vào bệnh nhân ung thư mà vẫn thực hiện khả năng tiêu diệt ung thư của nó”, Giáo sư nói.
Giáo sư Lee và nhóm của ông đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I, II sử dụng liệu pháp CAR-NK kết hợp với hóa trị liệu để điều trị bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối 3. Kết quả cho thấy đa số bệnh nhân đã giảm hoặc kiểm soát được sự phát triển của khối u.
"CAR-NK, CAR-MIL và liệu pháp tế bào CAR-T đa mục tiêu đều là những cải tiến đáng kể so với các mô hình điều trị hiện tại. Chúng tôi hy vọng rằng những liệu pháp miễn dịch cải tiến này có thể sớm được cung cấp cho những bệnh nhân mắc bệnh tiến triển hoặc không đáp ứng", giáo sư nói.
Một liệu pháp khác cũng được đặc biệt quan tâm đó là “Thiết kế hệ thống miễn dịch trong điều trị ung thư thông qua liệu pháp tế bào CAR-T” của Giáo sư Bruce Levine (chuyên gia nghiên cứu về liệu pháp gene ung thư, Giám đốc sáng lập của Cơ sở sản xuất vaccine và tế bào lâm sàng (CVPF) thuộc Khoa Bệnh học và Phòng thí nghiệm Y học và Trung tâm Ung thư Abramson, Trường Y khoa Perelman, Đại học Pennsylvania).
Hiện tại có 6 liệu pháp miễn dịch được phê duyệt để điều trị các loại ung thư máu. Ngoài ra còn liệu pháp gene được ứng dụng để chữa các bệnh khác như thiếu máu hồng cầu liềm, tan máu bẩm sinh (thalassemia).
Chúng ta đang ở kỷ nguyên có thể sửa chữa được lỗi gene hoặc hướng dẫn tế bào miễn dịch giết tế bào ung thư.
Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện nhiều nghiên cứu để ứng dụng trong điều trị ung thư đặc nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức. Chúng tôi cũng đang cố gắng để làm giảm chi phí và mang đến cơ hội cho nhiều bệnh nhân được sử dụng phương pháp điều trị này.
Tôi rất hy vọng có thể có những hoạt động hợp tác sâu rộng hơn giữa Trường Đại học Pennsylvania và Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec.
Giáo sư Bruce Levine
Những nghiên cứu của Giáo sư Bruce Levine chạm vào một đột phá nhằm chữa trị những căn bệnh ung thư hiểm nghèo, khó chữa nhất. Đột phá đó là liệu pháp CAR-T - một phương pháp nhằm biến tế bào lympho T thành tế bào có thể tác động đặc hiệu lên tế bào ung thư.
Liệu pháp CAR-T là một luồng gió mới, được tạo từ tế bào tự thân của bệnh nhân. Phương pháp này giúp phân biệt tế bào ung thư khỏi tế bào khỏe mạnh, qua đó giảm bớt các tác dụng phụ của việc trị liệu ung thư so với các phương pháp chữa trị khác như hóa xạ trị.
Giáo sư Bruce Levine. |
Liệu pháp tế bào miễn dịch ung thư có hiệu quả cao với các loại ung thư máu, với 80% người bệnh ở Mỹ phản ứng tích cực với thuốc là 80% và 40-50% bệnh nhân thuyên giảm hoàn toàn. Ở Trung Quốc, 99% bệnh nhân ung thư nhi hoàn toàn khỏi bệnh.
Bác sĩ Levine thậm chí đã thành công trong việc thuyên giảm hoàn toàn bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho trong một bệnh nhân nhi chỉ trong vòng 23 ngày.
Công nghệ sẽ hỗ trợ trong xây dựng chiến lược chống ung thư
Bác sĩ Phương Lễ Trí (Giám đốc Điều hành Y khoa-Pháp quy-Bảo đảm chất lượng tại AstraZeneca Việt Nam) cho hay, đến nay, sự hỗ trợ của công nghệ đặc biệt trí tuệ nhân tạo AI sẽ giúp nhiều trong quá trình điều trị ung thư. Tương lai, AI sẽ giúp con người xây dựng chiến lược về nhận diện và giải pháp phát hiện ung thư sớm.
"Chúng tôi đang xây dựng một số mô hình, hướng tới kết hợp mô hình hiện tại và phương pháp khác để điều trị ung thư. Ta có thể sử dụng AI trong việc lấy mẫu với tần suất, quy mô lớn", bác sĩ Trí cho hay.
Để bệnh nhân dễ tiếp cận các phương pháp điều trị ung thư mới, Nhà nước cần có đầu tư hơn nữa. Đặc biệt cần phải nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ y tế, khích lệ họ sử dụng phương pháp này tại Việt Nam trong tương lai.
Giáo sư Je-Jung Lee
Hiện nay các dữ liệu càng ngày càng lớn lên và các điều kiện phân tích dữ liệu, thống kê hiệu quả hơn trước. Do đó, Giáo sư Vũ Hà Văn (Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Giáo sư Toán học Percey F. Smith và Giáo sư Khoa học Dữ liệu tại Đại học Yale, Giám đốc Khoa học Viện Dữ liệu lớn VinBigData) cho rằng, nếu cần xem xét dữ liệu y tế và ung thư thì cần ít nhất 2 loại, một là dữ liệu tập hợp từ hàng nghìn bệnh nhân. Hai là dữ liệu về các vấn đề khác, ngoài ung thư, thí dụ như lối sống, lịch sử các cá nhân.
Tọa đàm thu hút rất đông các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. |
Tuy nhiên, để AI hỗ trợ vào việc phát hiện ung thư sớm, ta cần cơ sở dữ liệu sạch, khách quan và tin cậy mang tầm quốc gia. Thực tế điều này đang thiếu ở hầu hết quốc gia, cả quốc gia phát triển và đang phát triển, nhất là Việt Nam.
Do đó, bác sĩ Trí cho rằng, để tiếp cận với các phương pháp điều trị ung thư hiện đại, Việt Nam cần xây dựng bộ quy chế quy định về quản trị dữ liệu. Việc cung cấp thêm vật liệu cho thử nghiệm lâm sàng sẽ là điều kiện thuận lợi ở Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển mới tham gia vào liệu pháp điều trị ung thư mới.
Trong chuyến công tác với Bệnh viện Vinmec tại Việt Nam lần này, Giáo sư Bruce Levine nói ông thấy Việt Nam cũng đang trên con đường xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ y tế và giáo dục thông tin cho người bệnh. Ở Việt Nam cũng đã có cấy tế bào gốc và liệu pháp miễn dịch. Và ông tin, khi Việt Nam đã có hệ thống rồi thì cơ hội phát triển các phương pháp điều trị mới này tốt hơn.
Tại tọa đàm, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tại Việt Nam, có hơn 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư.
Với mục tiêu giảm bớt gánh nặng từ bệnh này, Việt Nam đã chú trọng phát triển sáng kiến và quan tâm đầu tư như với các chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm, chương trình nghiên cứu ung thư toàn quốc và các đề án được các bệnh viện triển khai tổ chức thực hiện.
Ông bày tỏ hy vọng, những chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành là những bài học giúp cho người bệnh, thầy thuốc và Việt Nam tiếp tục hội nhập trên con đường khoa học, giúp người bệnh Việt Nam.