Tiếp tục nghiên cứu để kiểm soát dịch hiệu quả hơn
Phát biểu tại thảo luận Tổ sáng 21/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các phát biểu rất sôi nổi, trách nhiệm, tâm huyết, thể hiện tinh thần xây dựng của các đại biểu Quốc hội; khẳng định các ý kiến rất hay, sâu, phân tích kỹ, sát tình hình, thể hiện mong muốn mọi khó khăn qua đi, thuận lợi sẽ đến nhiều hơn.
Thủ tướng cũng ghi nhận, trân trọng những chia sẻ của các đại biểu Quốc hội với Chính phủ, các bộ, ngành trong điều kiện khó khăn hiện nay, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội chủ động, tích cực phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành.
Khẳng định công tác phòng, chống dịch đang là vấn đề quan tâm nhất của cử tri, của đại biểu Quốc hội và toàn dân, Thủ tướng cho biết cả thế giới bất ngờ với chủng Delta, không chỉ chúng ta.
“Chủng này khác với chủng cũ (chủng gốc), thêm vào đó là các chủng mới nữa. Tối qua, tôi có trao đổi với các đồng chí của tỉnh An Giang, vừa qua xuất hiện ổ dịch ở bệnh viện rất nhanh, nhanh hơn các đồng chí tưởng tượng. Sáng nay, tôi vừa chỉ đạo Bộ Y tế cho người xuống ngay để nghiên cứu. Diễn biến rất nhanh”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, đối với riêng chủng Delta, hiện nay các nghiên cứu vẫn chưa đầy đủ, Việt Nam cũng đang nghiên cứu. Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 này chủ yếu là chủng Delta lây nhiễm từ Ấn Độ có một số đặc điểm nhận biết.
Thứ nhất, chủng Delta có đặc thù là nồng độ virus cao, dẫn đến lây lan nhanh. Thứ hai, chu kỳ lây nhiễm của chủng Delta nhanh hơn nhiều so với các chu kỳ lây nhiễm của các chủng cũ, chỉ mất 8 tiếng đồng hồ so với 3-4 ngày như trước đây.
Thứ ba, người nhiễm chủng Delta thường không có biểu hiện, trên dưới 80% không có biểu hiện nên phát hiện lâm sàng rất khó. Do đó, khi không phát hiện sớm thì không cách ly sớm, điều trị sớm được.
Thứ tư, người nhiễm chủng Delta có thời gian đào thải mầm bệnh chậm hơn so với các chủng trước. “Các đồng chí thấy, trước đây tại sao cách ly 14 ngày, vì sau 13 ngày là đào thải. Nhưng lần này phải đến 18-19 ngày mới đào thải, nên cách ly 21 ngày”, Thủ tướng nói.
Thứ năm, theo nghiên cứu thì chủng Delta bám vào niêm mạc chắc hơn so với các chủng cũ.
Thứ sáu, chủng Delta lây lan trong không khí.
Theo Thủ tướng, những đặc điểm khác biệt so với các chủng virus của chủng Delta khiến cho chúng ta bất ngờ, không kịp phản ứng với những diễn biến mới. Không chỉ chúng ta bất ngờ với chủng này, các nước khác cũng thế, thí dụ như qua Israel, chủng này còn biến sang chủng Delta Plus.
“Bất ngờ dẫn đến lúng túng, vì có nhiều cái mới, không thể nghiên cứu xong trong ngày một ngày hai. Cho đến bây giờ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về chủng Delta này”, Thủ tướng thừa nhận.
Dẫn thí dụ như vụ mầm bệnh ở Hà Nam, Thủ tướng cho biết mầm bệnh sau khi về đã cách ly rồi, làm xét nghiệm rồi nhưng sau 14 ngày hoàn thành cách ly thì bắt đầu mới lây lan.
Phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực
Về chính sách chống dịch của Việt Nam, Thủ tướng cho biết qua kinh nghiệm tổng kết ra 3 trụ cột chính: thứ nhất là giãn cách, cách ly; thứ hai là xét nghiệm; thứ ba là điều trị.
“Tinh thần là phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực. Qua quá trình phòng, chống dịch chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Rút kinh nghiệm cũng không phải đơn giản vì có những cái diễn ra rất nhanh. Giãn cách, cách ly ở phạm vi đối tượng phải nhanh nhất, chặt nhất, hẹp nhất có thể, để nguồn lây không lây lan rộng”, Thủ tướng nói.
Về trụ cột thứ hai, Thủ tướng cho biết xét nghiệm phải thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh, nhưng phải khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm.
“Vì sao phải xét nghiệm? Vì biến chủng này nhìn không thấy, nghe không được, sờ không được. Xét nghiệm nhanh để phân loại nhanh, để đưa ra điều trị, chăm sóc hợp lý, hiệu quả”, Thủ tướng lý giải.
Đối với trụ cột thứ ba, Thủ tướng cho biết trong điều trị phải tích cực, từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở. Người bệnh được tiếp cận nhanh với các biện pháp y tế thì mới không chuyển nặng, giảm tử vong.
“Chúng ta kiên định với ba trụ cột này. Từ ba trụ cột chúng ta đưa ra công thức phải có vaccine. Vaccine là vừa phòng vừa chống, kết hợp với điều trị tích cực, kịp thời, hiệu quả, phù hợp. Quản lý trên diện rộng, dân số lớn thì phải có công nghệ để quản lý”, Thủ tướng khẳng định.
Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng cần phải đề cao ý thức của nhân dân trong việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch. “Chúng ta dần dần sẽ hoàn chỉnh được mặt lý luận này, vừa qua chúng ta làm theo cách này chúng ta mới đang từng bước đẩy lùi, kiểm soát tình hình là như vậy”, Thủ tướng cho biết.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, đối với biến chủng Delta thì không thể ngay lập tức có kinh nghiệm. “Chúng ta phải dồn lực lượng vào, muốn thần tốc thì phải dồn lực lượng. Thí dụ TP Hà Nội chúng ta thần tốc dồn lực lượng trong vòng 1 tuần vừa xét nghiệm, vừa tiêm chủng chúng ta mới kiểm soát được, sau đó nới lỏng giãn cách”, Thủ tướng dẫn chứng cho biết.
Về lý luận và phương châm chống dịch của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, Bộ Y tế cũng có hướng dẫn về mặt chuyên môn (số 4800). Đồng thời, về thực tiễn chống dịch thì đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá rất cao Việt Nam có cách tiếp cận toàn dân: lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ. Người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm trong phòng, chống dịch.
“Trong hệ thống chính trị của chúng ta, cấp cơ sở là cấp gần dân, hiểu dân nhất”, Thủ tướng khẳng định.
Ngoài các trụ cột, phương châm chống dịch nêu trên, Thủ tướng cho biết còn có các biện pháp chúng ta phải làm, thí dụ như dồn lực lượng làm thật nhanh, cuốn chiếu: “Trong một địa phương, nếu một tổ dân phố bị thì cả xã phải làm, một xã bị thì cả huyện phải làm…”
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, Việt Nam cũng có một số mặt khó khăn như nguồn lực có hạn, năng lực hệ thống y tế hạn hẹp cả nhân lực, cả nguồn lực, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở.