Thưởng cho con gái sau kỳ thi giữa kỳ lớp 6, chị Huyền My (ngụ quận Tân Bình) đưa con đến vui chơi, thư giãn ở quán cà-phê mèo trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1). Tại đây, hàng chục chú mèo thân thiện, hiền lành nằm ngoan ngoãn để khách thỏa thuê nựng nịu, chụp ảnh. “Trước kia bé nhà mình rất nhát, nhưng từ khi được tiếp xúc với “các bạn” mèo, bé trở nên dạn dĩ và biết yêu thương động vật nhiều hơn. Đây cũng là nơi hai mẹ con tìm được sở thích chung của nhau, là thời gian con xem mẹ như người bạn để tâm sự chuyện bạn bè, trường lớp” - chị Huyền My cho biết. Ngày cuối tuần, quán cà-phê mèo này chật kín khách; trong đó, phần lớn là cha mẹ đưa các con đến vui chơi cùng thú cưng.
Một quán cà-phê mèo khác tại Aeon (quận Bình Tân) cũng trở thành điểm đến của nhiều em thiếu nhi, học sinh, sinh viên. Tại đây, khách được thỏa thuê chơi đùa cùng những chú mèo Tây đắt đỏ như mèo không lông, mèo tai cụp, mèo báo, mèo lai Anh, mèo Anh chân ngắn… Tại đây, khách còn thỏa thuê thưởng thức các món ăn vặt, trà sữa không giới hạn và ở cả ngày để vui chơi cùng những người bạn bốn chân cực kỳ thân thiện. “Con chó gì đây mẹ? Nó có cắn không? Nó ăn gì?...” là những câu hỏi của các bạn nhỏ tại quán cà-phê chó, mèo trên đường Hoa Sữa (quận Phú Nhuận). Chào người bạn mới, một chú chó nhỏ liền sà vào lòng vị khách nhí, vừa vẫy đuôi thân thiện, vừa liếm nhè nhẹ bàn tay cô bé 5 tuổi.
Cô bé nhẹ nhàng ôm chú chó nhỏ vào lòng. Người mẹ liền đưa điện thoại, nhanh tay lưu lại những tấm ảnh kỷ niệm của con. “May quá, có chó, mèo thực tế để các con trải nghiệm. Sắp tới, mình sẽ cho con đến quán cà-phê chim, cà-phê thỏ, cà-phê bò sát… con biết nhiều hơn”, chị Hoàng Thị Thanh (nhân viên văn phòng) nói.
Với mỗi loại thức uống từ 35.000-70.000 đồng/người, các quán cà-phê thú cưng luôn đông khách vào dịp cuối tuần. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 10 quán kinh doanh loại hình này; khách hàng phần lớn là học sinh, sinh viên và các gia đình trẻ. Những bạn trẻ không nuôi được thì đến những quán này chơi cho đỡ thèm.
Chủ quán cà-phê mèo Catfe Chu Mạnh Hoài Nam cho biết: Với ý định mở thêm một không gian để gặp gỡ bạn bè, những người bạn cùng sở thích yêu mèo với mình, anh đã sưu tầm nhiều giống mèo quý, lạ để khách thỏa thuê chiêm ngưỡng, chụp ảnh, nựng nịu…
“Quán không chỉ có nhiều khách là các bạn trẻ, mà rất nhiều em nhỏ được ba mẹ đưa đến vui chơi cùng những em mèo. Nhìn những gia đình có ba mẹ, con cái quây quần bên nhau để cùng trò chuyện, thảo luận về một bé mèo nào đó, cùng cười vui hạnh phúc làm mình thấy cũng vui lây. Một đứa trẻ nếu đã yêu thương động vật, lớn lên sẽ không tàn bạo với con người. Tôi tin chắc như vậy”, anh Nam tâm sự.
Theo các chuyên gia, những năm gần đây, xu hướng nuôi thú cưng trong các gia đình không ngừng tăng lên. Thú cưng không chỉ là vật nuôi mà còn là liều thuốc giúp “chữa lành” cho nhiều người. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng trong việc sản xuất, cung ứng dịch vụ cho ngành công nghiệp thú cưng; giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động…
Ông Lê Quang Thông, Chủ tịch Chi hội thú y thú nhỏ Việt Nam kiêm Trưởng khoa Chăn nuôi thú y Trường đại học Nông lâm cho biết: Thú cưng ở Việt Nam rất đa dạng như chó, mèo, chim, bò sát, loài gặm nhấm…
Số lượng thú cưng tại Việt Nam đang không ngừng tăng từ năm 2016 đến nay. Hiện, cả nước có 11,8 triệu thú cưng chó, mèo; dự kiến con số này sẽ đạt 14 triệu con trong năm 2025. “Tại Việt Nam, cứ sáu hộ gia đình thì có một hộ nuôi chó hoặc mèo; trong đó, người nuôi nhiều nhất là các bạn trẻ, những người độc thân và chưa muốn có con. Số người nuôi thú cưng sẽ còn tăng trong thời gian tới. Vì vậy, tiềm năng trong ngành công nghiệp thú cưng rất lớn”, ông Thông nhìn nhận.