Cà-phê sáng đối thoại với người dân

Mô hình “Cà-phê sáng đối thoại với nhân dân” diễn ra lần đầu tiên ở phường Phú Mỹ (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) với mong muốn gần dân, sát dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại. Sau hai năm triển khai, mô hình được lan tỏa ra toàn thành phố Thủ Dầu Một, được Ban Tuyên giáo Trung ương tuyên dương.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo, cán bộ Thành ủy Thủ Dầu Một và phường Phú Mỹ uống cà-phê, đối thoại với nhân dân.
Lãnh đạo, cán bộ Thành ủy Thủ Dầu Một và phường Phú Mỹ uống cà-phê, đối thoại với nhân dân.

Sáng cuối năm 2024, ông Hoàng Ngọc Thức (Khu phố 1, phường Phú Mỹ) sau khi uống cà-phê sáng với lãnh đạo phường xong, chia sẻ: “Ngồi cà-phê, tôi bớt e ngại hơn nên đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. Nhờ vậy, việc xử lý vi phạm hành chính do bà con phản ánh đã được giải quyết rất nhanh. Gần gũi, nên có khi bà con còn đánh vài ván cờ tướng, ăn hủ tíu với cán bộ phường bởi họ cũng cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận phản ánh và có giải pháp khắc phục”.

Còn bà Lê Thị Thảo (Khu phố 2, phường Phú Mỹ) trong buổi sáng cũng tìm đến quán cà-phê quen thuộc. Chưa uống hết ly nước, bà kiến nghị về việc thí điểm phân loại rác tại nguồn để đến ngày 1/1/2025 sẽ phân loại chính thức. Bà lo lắng thời gian quá gấp, liệu có thể thực hiện đúng như kế hoạch đề ra không? Nghe qua, Bí thư Đảng ủy phường đã yêu cầu Ủy ban nhân dân phường tiếp thu, ghi vào sổ và trình cấp trên, quyết định sớm. Về phần mình, bà Thảo cho biết: “Tôi đã yên tâm và sẽ kêu gọi gia đình tiếp tục phân loại rác để bảo đảm môi trường tốt hơn”.

Bí thư Đảng ủy phường Phú Mỹ Từ Thị Anh Đào chia sẻ, với phương châm “Phải đắm mình trong thực tiễn, phải gần dân, sát dân, vì dân”, mô hình “Cà-phê sáng đối thoại với nhân dân” đã giúp lãnh đạo phường Phú Mỹ ghi nhận phản ánh và giải quyết nhanh chóng, có việc quyết ngay tại bàn cà-phê, thay vì theo cách thức truyền thống phải mất đến cả tuần. Mô hình hoạt động đã hai năm và đã tổ chức thực hiện tại toàn bộ các khu phố trên địa bàn. Các buổi cà-phê đều có Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường dự; đồng thời mời lãnh đạo cấp thành phố, cấp tỉnh cùng uống cà-phê sáng với bà con.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thủ Dầu Một Võ Thị Bạch Yến, mô hình của phường Phú Mỹ được đánh giá cao, giúp cấp ủy, chính quyền gần gũi với nhân dân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng. Mô hình còn là cầu nối giữa nhà hảo tâm với người khó khăn trong phường, trong khu phố. Từ những hoàn cảnh khó khăn được kể trong lúc cà-phê, các nhà hảo tâm đã nhận đỡ đầu, trao tặng quà. Thông qua các buổi cà-phê sáng, lãnh đạo phường thông tin những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến với nhân dân.

Tại phường Hòa Phú, trong một buổi cà-phê, ông Nguyễn Văn Hùng (Khu phố 2, phường Hòa Phú) sau khi cà-phê xong, đã nêu các vấn đề: “Ủy ban nhân dân phường cần lưu ý việc trồng cây ở các khúc cua trên một số tuyến đường sẽ che khuất tầm nhìn của lái xe, gây mất an toàn giao thông. Ủy ban nhân dân phường định kỳ tổ chức dọn dẹp vệ sinh, phát quang cây cối bảo đảm môi trường sạch đẹp.

Ủy ban nhân dân phường lắp đặt đèn chiếu sáng để ban đêm người dân đi lại thuận tiện”. Tiếp thu ý kiến của ông Hùng, Ủy ban nhân dân phường Hòa Phú cho biết: Việc bố trí trồng cây sẽ chú ý tỉa tán khi cây phát triển. Việc lắp đặt đèn chiếu sáng sẽ thực hiện sớm nhất. Riêng việc phát quang cây cối sẽ được phường thực hiện ngay.

Theo Thành ủy Thủ Dầu Một, từ mô hình tại Phú Mỹ vào năm 2022, sang năm 2024, Thành ủy đã nhân rộng mô hình “Cà-phê sáng đối thoại với nhân dân” ra toàn thành phố. Tại các buổi cà-phê sáng, lãnh đạo địa phương gặp gỡ trao đổi thông tin, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, những ý kiến, hiến kế, góp ý xây dựng… từ các đồng chí cán bộ về hưu, các doanh nghiệp, các đoàn viên, hội viên và người dân trên địa bàn, nhằm kịp thời xem xét, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời có những giải pháp tức thời hoặc lâu dài để xử lý.

Tính đến nay, toàn thành phố Thủ Dầu Một đã tổ chức thực hiện mô hình cà-phê sáng được 501 lần với 27.974 lượt nhân dân tham dự, đóng góp 883 lượt ý kiến, hiến kế, kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực vệ sinh môi trường, trật tự đô thị… Hầu hết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân được lãnh đạo địa phương, thành phố trực tiếp giải quyết (còn 24 ý kiến đang xem xét).

Các phường Phú Mỹ, Phú Hòa đã có từ 110-120 lượt cà-phê; các phường mới triển khai như Định Hòa, Hiệp An, Tương Bình Hiệp, Chánh Mỹ, Chánh Nghĩa, Phú Thọ cũng thực hiện 20-23 lần uống cà-phê với người dân (số liệu tháng 9/2024). Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Dầu Một xem mô hình thể hiện khát vọng “Làm theo Bác” trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với hưởng ứng Đề án Nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị” do Thành ủy Thủ Dầu Một phát động.

Đồng chí Nguyễn Văn Đông, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một cho biết, mô hình đã tạo sự kết nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền và người dân; nắm bắt dư luận xã hội, vừa để công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sát thực tiễn, vừa định hướng dư luận, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.

Các vấn đề bức xúc hoặc kiến nghị của người dân được chuyển tải nhanh nhất đến chính quyền cấp cơ sở, qua đó có hướng chỉ đạo xử lý kịp thời, nhanh chóng. Trong thời gian tới, các phường sẽ tính toán về thời gian, đối tượng, nội dung, làm sao phải tạo nên sự gần gũi giữa chính quyền và người dân để thẳng thắn trao đổi, giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày một cách thực chất, hiệu quả đúng với mục đích ban đầu khi xây dựng mô hình...