Tua Hai, nơi mở đầu cho phong trào vũ trang cách mạng Nam Bộ

Nhìn lại quá trình sau 65 năm Chiến thắng Tua Hai (26/1/1960 - 26/1/2025), Tỉnh ủy Tây Ninh khẳng định, trận đánh Tua Hai do Ban Quân sự Miền Đông tổ chức và trực tiếp chỉ huy, song sự chuẩn bị về lực lượng hậu tuyến do Tây Ninh đảm nhiệm.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Lê Cơ, đảng viên bí mật ở Tua Hai năm 1960, đang chăm sóc vườn thuốc nam của gia đình.
Đồng chí Lê Cơ, đảng viên bí mật ở Tua Hai năm 1960, đang chăm sóc vườn thuốc nam của gia đình.

Đây là kết quả quá trình âm thầm chuẩn bị lực lượng lâu dài, bí mật, một thành công lớn của công tác dân vận của Tây Ninh…

Theo Lịch sử Đảng bộ Tây Ninh, sau năm 1954, cũng như các nơi khác ở miền nam, tại Tây Ninh, nguỵ quyền Sài Gòn xây dựng căn cứ ở Tua Hai nhằm kiểm soát đường giao thông, làm lá chắn ngăn chặn lực lượng cách mạng từ vùng căn cứ xâm nhập. Ngày 6/5/1959, Ngô Đình Diệm ban hành luật 10/59, đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp miền nam, Đảng bộ Tây Ninh bị tổn thất vô cùng to lớn, nhiều chi bộ xã bị thiệt hại nghiêm trọng, có xã chỉ còn 2 đến 3 đảng viên, có xã không còn đảng viên. Cuối năm 1959, toàn Đảng bộ tỉnh chỉ còn khoảng 300 đảng viên.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh, tại Tua Hai, địch đặt một kho vũ khí lớn và được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Để phòng vệ, địch cho đắp bờ đê cao, bố trí hệ thống tháp canh, lô cốt, hàng rào kẽm gai chung quanh và bảo đảm lực lượng thường trực gồm một tiểu đoàn canh gác 24 giờ/ngày. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng địch ở Tua Hai là càn quét tiêu diệt cơ quan đầu não cách mạng; đánh phá nhằm ngăn chặn mở rộng vùng căn cứ địa cách mạng; đánh phá các cơ sở cách mạng.

Tuy vậy, lực lượng trinh sát-đặc công của ta đã thâm nhập căn cứ địch, điều tra, nghiên cứu đầy đủ, chính xác trận địa, kể cả các điểm xung yếu, chiến lược và các vị trí chỉ huy, phục vụ đắc lực cho cuộc tiến công tiêu diệt thành Tua Hai. Từ đó nhận thấy, để đề phòng xảy ra binh biến, vào ban đêm, địch gom hết súng cất vào kho. Và còn một điểm thuận lợi của ta và là điểm yếu nhất của địch, đó là việc ta đã xây dựng được lực lượng nội tuyến trong lòng địch.

Thời điểm này, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ ủy đã chỉ đạo đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Trưởng ban Quân sự Miền Đông đề ra phương án để đánh một đòn chiến lược, làm địch bị thối động, thúc đẩy phong trào khởi nghĩa vũ trang, chuyển phong trào cách mạng miền nam sang giai đoạn mới.

Về chiến thuật, trận đánh phải tuyệt đối bí mật, bất ngờ, khai thác tối đa những sơ hở của địch. Kết hợp chặt chẽ đặc công, xung kích với bộ binh ngay loạt đạn mở màn. Đặc biệt, phải tập trung hỏa lực chia cắt không cho các đơn vị nguỵ tiếp cận với kho vũ khí, hạn chế khả năng đề kháng của chúng.

Về lực lượng tham gia trận đánh, Ban Quân sự Miền Đông đã huy động lực lượng gồm: C60, C59, C70, C80 đặc công cùng với C20 Tây Ninh và trung đội Bình Xuyên. Đặc biệt, trận đánh có sự hỗ trợ quan trọng, mang tính quyết định của chi bộ đảng bí mật trong căn cứ Tua Hai, do Tỉnh ủy Tây Ninh dày công duy trì, xây dựng và phát triển.

Lực lượng dân công hỏa tuyến, tải thương, tải đạn cũng được chuẩn bị rất kỹ càng. Trận đánh Tua Hai do Ban Quân sự Miền Đông tổ chức và trực tiếp chỉ huy, song sự chuẩn bị về lực lượng hậu tuyến do Tây Ninh đảm nhiệm. Đây là cố gắng rất lớn của Tây Ninh, là kết quả của quá trình âm thầm chuẩn bị lực lượng lâu dài, bí mật của tỉnh, một thành công lớn của công tác dân vận. Nhờ đó, khi trận Tua Hai diễn ra, tỉnh Tây Ninh đã huy động cùng một lúc hàng trăm người tham gia trận đánh, hậu cần.

Đồng chí Lê Cơ, đảng viên chi bộ đảng bí mật ở Tua Hai, kể: “Ngày 26/1/1960, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Tây Ninh, sau khi cung cấp đầy đủ tình hình và sơ đồ của căn cứ này theo yêu cầu của Ban Binh vận Tỉnh ủy, chúng tôi (cơ sở nội tuyến) vận động gần 400 binh sĩ… về quê ăn Tết Nguyên đán. Thực hiện kế hoạch, chiến thuật và phương châm tác chiến, lực lượng vũ trang bên ngoài chia thành bốn mũi hành quân vào vị trí chiến đấu. Trước đó, lực lượng trinh sát đặc công đã được chúng tôi đưa từ ngoài vào, ém sẵn trong căn cứ địch chờ pháo lệnh...”.

Đúng 0 giờ 30 phút ngày 26/1/1960, lệnh tiến công căn cứ Tua Hai bắt đầu. Được nội tuyến và trinh sát - đặc công dẫn đường, quân giải phóng chia làm ba mũi: Một mũi tập kích vào sở chỉ huy trung đoàn 32 nguỵ; một mũi tấn công vào khu vực phòng ngủ của bọn sĩ quan địch; mũi thứ ba chiếm lĩnh kho vũ khí, lấy súng đối phương đánh lại đối phương.

Trước sức tấn công của ta bằng bộc phá, thủ pháo kết hợp với bộ binh, địch nhanh chóng tan rã, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Kết quả ta tiêu diệt 76 tên địch, bắt, giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 tên, thu gần 1.500 khẩu súng các loại. Về lực lượng ta cũng có tổn thất: 7 đồng chí hy sinh, 12 đồng chí bị thương.

Tua Hai là thắng lợi đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng, đạt được yêu cầu về chính trị và quân sự do Xứ ủy Nam Bộ đề ra. Chiến thắng vang dội này đã cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân Tây Ninh, miền Đông Nam Bộ và cả miền nam vùng lên mạnh mẽ, mở đầu cho thời kỳ đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ.

Chiến thắng này còn là nhân tố quan trọng góp phần củng cố thắng lợi của phong trào đồng khởi đợt một của tỉnh Bến Tre, đồng thời kích thích mạnh mẽ phong trào của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ngày 14/9/1960, đồng loạt các tỉnh: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang đứng lên đồng khởi.

Tiếp đó, trong ba ngày, từ ngày 23/9 đến 25/9, đồng khởi diễn ra ở tỉnh Tiền Giang và đồng khởi đợt hai của tỉnh Bến Tre). Cộng hưởng với chiến thắng Tua Hai, phong trào vũ trang cách mạng năm 1960 cũng diễn ra mạnh mẽ ở các tỉnh duyên hải cực nam Trung Bộ, như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa...

Theo Tỉnh ủy Tây Ninh, chiến thắng Tua Hai là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, là thắng lợi của cả một quá trình chuẩn bị mọi mặt, lâu dài, gian khổ của Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung. Chiến thắng càng ý nghĩa khi mà ở thời điểm 1960, giữa lúc phong trào đấu tranh của nhân dân miền nam đang bị đàn áp, khủng bố đến nghẹt thở.