Theo báo cáo của huyện Bá Thước, từ ngày 20/3 phát sinh hiện tượng cá nuôi trong lồng của hộ dân trên sông Mã, đoạn chảy qua địa bàn huyện Bá Thước bị chết lác đác, nhỏ lẻ.
Từ ngày 27/4, cá tự nhiên cũng ngoi lên mặt nước, chết, dạt vào bờ; nhiều loại cá nuôi ở các độ tuổi khác nhau như cá trắm cỏ, cá lăng của các hộ dân ở 8 xã, thị trấn huyện Bá Thước bị chết nhiều.
Lũy kế đến ngày 6/5, cá nuôi trong 217 lồng trên sông Mã của 159 hộ ở 8 xã, thị trấn ở huyện Bá Thước bị chết lên tới hơn 13 tấn.
Từ ngày 3/5, cá trắm nuôi trong 21 lồng trên sông Mã của 7 hộ dân xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy cũng bị chết hơn 972kg cá.
Kiểm tra thực tế của Chi cục chăn nuôi và thú y, Chi cục thủy sản và Ủy ban nhân dân huyện Bá Thước cho thấy: Các cơ quan nội tạng của cá hoàn toàn bình thường, cá chết trên sông Mã đoạn chảy qua địa bàn huyện Bá Thước không có biểu hiện lâm sàng của bệnh truyền nhiễm, bệnh ký sinh trùng, nấm.
Tại thời điểm có hiện tượng cá chết, chỉ số ô-xy hòa tan đạt từ 3,1-3,3 mg/l, thấp hơn ngưỡng thích hợp. Cán bộ chuyên môn hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng di chuyển cá đến nơi có nguồn nước khác như gần cửa khe, suối, mương, ao, sục tăng cường khí ô-xy hoặc bơm nước sạch từ giếng vào lồng nuôi thì cá hồi lại bình thường.
Lấy 3 mẫu cá để xét nghiệm bệnh, 6 mẫu nước để xét nghiệm một số chỉ tiêu môi trường nước nuôi trồng thủy sản cho kết quả: Không phát hiện các bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng, nấm trên cá chết và có hiện tượng thiếu ô-xy hòa tan trong nước khiến cá ngột, chết.
Cán bộ chuyên môn lấy mẫu nước xét nghiệm. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đề nghị các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy tăng cường tần suất quan trắc, giám sát môi trường để cảnh báo sớm tới người dân; có các biện pháp khắc phục kịp thời khi phát hiện thủy sản chết, hướng dẫn người dân di chuyển, vệ sinh lồng nuôi, dùng máy bơm, máy sục khí để tăng cường ô-xy hòa tan, giảm thiệt hại.
Nếu tiếp tục xảy ra hiện tượng cá chết thì tổ chức thu gom, xử lý cá chết theo đúng quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y.
Với các vùng hạ lưu sông Mã chưa xảy ra hiện tượng cá chết cần chủ động, tích cực triển khai các biện pháp để hạn chế thiệt hại như di chuyển lồng bè, thu hoạch cá nuôi đủ kích cỡ, chuyển cá vào ao nuôi.