Dồn sức cho Bắc Giang dập dịch
Ổ dịch lần này xuất hiện đầu tiên tại xã Phương Sơn (Lục Nam) do ca F0 bị lây nhiễm từ ổ dịch Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội), ngay lập tức tỉnh đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Tiếp đó, ca F0 được phát hiện tại Công ty TNHH Shin Young Việt Nam (Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên) do lây nhiễm từ ổ dịch Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương với số ca F0, F1 tăng nhanh và tỉnh đánh giá đây là ổ dịch nguy hiểm, nguy cơ lây mạnh, khó kiểm soát. Từ ổ dịch thứ hai này đã lan sang ổ dịch nguy hiểm hơn ở Công ty Hosiden (KCN Quang Châu, huyện Việt Yên).
Trước tình hình đó, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thường xuyên họp trực tuyến với Bắc Giang để có sự chỉ đạo kịp thời. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn và đoàn chuyên gia Bộ Y tế đã đi về như con thoi, có hôm phải xuyên đêm tại Bắc Giang để hiến kế dập dịch.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, mặt trận chống dịch của Bắc Giang gần một tháng qua luôn trong trạng thái “nước sôi lửa bỏng”, thần tốc truy vết, khoanh vùng dập dịch. Các đồng Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh luôn sâu sát, nắm chắc tình hình; các cuộc họp diễn ra ngay trong đêm, thường xuyên họp trực tuyến ba cấp (tỉnh, huyện, xã) để ra các biện pháp chỉ đạo trúng, đúng, hiệu quả. Nhiều đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đã trắng đêm đến các điểm chốt, các cơ sở y tế kiểm tra, động viên các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Lời kêu gọi chung tay phòng, chống dịch của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, MTTQ tỉnh không chỉ được cán bộ, đảng viên, nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh hưởng ứng mà khắp nơi đã hướng về ủng hộ Bắc Giang.
Các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông… đã ngay lập tức chi viện nhân lực, kinh phí, phương tiện, trang thiết bị phòng, chống dịch; lập bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân tại Bắc Giang.
Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Yên Bái, thành phố Hà Nội… đã ủng hộ kinh phí, cử đoàn cán bộ y tế đến hỗ trợ Bắc Giang. Hình ảnh những cánh tay giơ lên xuất quân tiến vào vùng dịch, hình ảnh các đoàn y tế đến Bắc Giang vừa chân ướt chân ráo đã lao ngay vào tâm dịch và xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm… Những hình ảnh chí nghĩa, chí tình ấy khiến người dân Bắc Giang ai nấy đều rưng rưng xúc động. Hình ảnh Trung úy Tống Ngọc Kiên, cảnh sát giao thông, Công an huyện Yên Dũng giơ tay chào khi thấy đoàn xe chở cán bộ y tế ở Quảng Ninh đến hỗ trợ Bắc Giang đã làm nức lòng cư dân mạng, bởi thể hiện sự tri ân chân thành của người Bắc Giang với các “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch.
Từ giữa tâm dịch Bắc Giang còn bao câu chuyện cảm động khác hằng ngày, hằng giờ đang được viết lên từ những con người bình dị mà cao cả. Đó là chuyện về chú, cháu anh Đỗ Tuấn Kiên và Phạm Phúc Đức. Các anh đến từ cơ sở phục vụ bệnh nhân người có công 27-7 (Hà Nội) đã nhiều ngày qua đưa xe cứu thương chuyên dụng trực 24/24 giờ để vận chuyển các F0, F1 ở huyện Việt Yên đến nơi cách ly, điều trị. Đỗ Tuấn Kiên còn nhờ thêm cộng sự là Đặng Minh Trí lái xe cứu thương xuyên đêm vượt chặng đường 500 km từ Quảng Bình tham gia lực lượng y tế Bắc Giang chống dịch.
“Thực túc binh cường”, cuộc chiến với giặc Covid-19 diễn biến khó lường và cần chi viện ngay về hậu cần. Hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ tỉnh các địa phương, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ tổng số kinh phí, các phương tiện, thiết bị y tế phòng, chống dịch trị giá hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra các tổ chức, cá nhân hằng ngày vẫn đang ủng hộ hàng chục tấn lương thực, thực phẩm đưa vào các “siêu thị 0 đồng” ở các xã, thị trấn để hỗ trợ cho hàng chục nghìn công nhân, người lao động, người dân trong vùng cách ly, phong tỏa.
Có rất nhiều hình thức chung tay, góp sức khác nhau, hành động tuy nhỏ nhưng lại thiết thực. Của ít lòng nhiều, các cô giáo, các chị em câu lạc bộ Quan họ huyện Việt Yên và phụ huynh học sinh đã góp công góp sức, góp những đồng tiền ít ỏi để làm từng bữa ăn, nước uống “ngon như cơm nhà” trao tận tay lực lượng tuyến đầu.
Dịch Covid-19 bùng phát đợt này đúng dịp cử tri Bắc Giang và cả nước thực hiện quyền và trách nhiệm với lá phiếu bầu người đại diện cho mình vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2016. Chia sẻ với Bắc Giang đang bị ảnh hưởng nhất của dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã về thăm, động viên, trao tặng 10 tỷ đồng từ nguồn quỹ cứu trợ quốc gia, 20 máy thở và 350.000 khẩu trang y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”
Đã từng qua ba đợt dịch Covid -19, nhờ làm tốt công tác quản lý, giám sát cùng ý thức của người dân, trên địa bàn tỉnh chỉ xuất hiện ít ca bệnh và khống chế thành công để cuộc sống trở về “trạng thái bình thường mới” . Nhưng dịch bùng phát lần này trong khu công nghiệp, đặc thù nhiều nhà máy lớn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàng trăm nghìn công nhân làm việc đến từ 57 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chính vì vậy, việc tính toán thời điểm tạm dừng hoạt động các khu công nghiệp là quyết định hết sức khó khăn và được cân nhắc kỹ càng của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Việc dập dịch bằng biện pháp mạnh nhưng không thể vội vàng áp đặt mà phải chọn thời điểm thích hợp.
Trước khi đi đến quyết định tạm dừng hoạt động bốn trong sáu khu công nghiệp, tỉnh đã họp với các doanh nghiệp, thông báo diễn biến phức tạp của dịch và bàn bạc các giải pháp. Thời hạn tạm dừng như thế nào phụ thuộc vào tiến độ kiểm soát được dịch, song chủ trương không kéo dài quá lâu ảnh hưởng sản xuất của doanh nghiệp.
Chỉ khi đã xét nghiệm gần 140.000 công nhân, sàng lọc ca nhiễm nCoV đưa đi điều trị, người tiếp xúc gần đưa đi cách ly, những người có kết quả âm tính đưa về nơi ở, tạm thời cách ly ở nhà, có sự kiểm soát của chính quyền, không để công nhân trở về quê, khi đó tỉnh mới tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp là Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng.
Phải cân nhắc kỹ bởi nếu Bắc Giang đóng cửa sớm thì hàng chục nghìn công nhân có thể vội vã về quê khi chưa được xét nghiệm, chưa được sàng lọc thì nguy cơ bùng phát dịch cho các tỉnh, thành phố khác còn lớn hơn. Làm như vậy là đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro cho tỉnh nhưng an toàn cho cả nước.
Khi kêu gọi số công nhân ngoài tỉnh không về quê và thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, Bắc Giang lại phải đối mặt với một khó khăn khác là khẩn trương tìm các biện pháp hỗ trợ công nhân đang mắc kẹt trong các nhà trọ. Tỉnh thành lập Tổ hỗ trợ đời sống công nhân tiến hành rà soát, huy động các nguồn lực để không có công nhân nào trong các khu vực cách ly, phong tỏa bị thiếu đói.
Sau rất nhiều nỗ lực thần tốc, truy vết khoanh vùng dập dịch nhưng hiện nay tình hình dịch trên địa bàn tỉnh vẫn hết sức phức tạp. Từ ba ca nhiễm ban đầu đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm Covid -19 và hàng nghìn trường hợp F1 được đưa đi cách ly; công tác lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch vẫn được tiến hành khẩn trương, các bệnh viện dã chiến đã hoàn thiện để bảo đảm thu dung bệnh nhân.
Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, Bắc Giang đang bước vào vụ thu hoạch vải thiều với sản lượng khoảng 200 nghìn tấn. Mặc dù đã xây dựng kịch bản tiêu thụ vải trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng để tiêu thụ sản lượng vải thiều lớn như vậy trong thời gian ngắn là vấn đề hết sức khó khăn. Cùng với đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động, người dân trong vùng dịch cũng đang là nhiệm vụ hết sức cấp bách.
Từ thực tế trên, lãnh đạo tỉnh kêu gọi cả hệ thống chính trị trong tỉnh cần nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa khẩn trương dập dịch, vừa bảo vệ sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.
Để chung tay phòng, chống dịch, mỗi người dân Bắc Giang cần có trách nhiệm trước hết với mình và người thân của mình, sau đó là với đất nước, với cộng đồng. “Không chủ quan nhưng cũng không lo lắng thái quá”, mỗi người nhất thiết phải tuyệt đối tuân thủ "thông điệp 5K", đặc biệt là khẩu trang; theo dõi tin tức y tế, xác minh khả năng lây nhiễm (F1, F2, F3) của bản thân và gia đình để khai báo ngay khi có nguy cơ.