Cả nước hướng về đồng bào vùng lũ lụt: Từ thiện thế nào cho đúng?

NDO - Trong khi cả nước đang hướng về các vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, cũng xuất hiện nhiều “con sâu” gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động từ thiện. Trước hết phải kể đến tình trạng giả mạo, lừa đảo để trục lợi.
0:00 / 0:00
0:00
Cả nước hướng về đồng bào vùng lũ lụt: Từ thiện thế nào cho đúng?

Ở tuổi gần 90, một cụ ông tại TP Hồ Chí Minh dù đã rất yếu nhưng vẫn nhờ cháu chở đến điểm tập kết để gửi một chiếc bánh trung thu cho các cháu vùng bão lũ. Hình ảnh của ông khiến mọi người rưng rưng cảm động khi nhớ lại hình ảnh cụ bà 93 tuổi ở Nghệ An ôm thùng mì tôm gửi xe cứu trợ đồng bào miền trung gặp lũ lụt năm 2020. Tất cả đang hướng về các tỉnh, thành phố miền núi phía bắc với tất cả sự cầu nguyện bình an cho người dân đang chịu thiệt hại nặng nề bởi lũ, lụt sau cơn bão số 3.

Tính đến 17 giờ ngày 12/9/2024, số tiền các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 527,8 tỷ đồng. Rất nhiều cá nhân, tập thể đang vận động các nhà tài trợ, quyên góp các thực phẩm, quần áo, đồ dùng… cùng nhiều đoàn xe hướng về các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ để kịp thời cứu trợ bà con. Tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ nhau hơn lúc nào hết lại được thắp sáng lúc này.

Thế nhưng, trong lúc này, xuất hiện nhiều tình trạng giả mạo, lừa đảo để trục lợi.

Cả nước hướng về đồng bào vùng lũ lụt: Từ thiện thế nào cho đúng? ảnh 1

Nhiều nơi bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt.

Ngày 7/9, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng cảnh báo về tình trạng fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đến nay, dù đã bị nhiều người report (báo cáo) và báo chí đưa tin, fanpage giả mạo trên vẫn tồn tại, tiếp tục kêu gọi mọi người chuyển tiền từ thiện.

Liên quan đến vụ sập cầu Phong Châu, ngày 11/9, trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện trang fanpage giả mạo Ủy ban mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao, kêu gọi chuyển tiền ủng hộ vào một tài khoản cá nhân để ủng hộ gia đình các nạn nhân bị ảnh hưởng. Ngay sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo huyện Lâm Thao đã khẳng định thông tin đưa ra là không chính xác; đồng thời cảnh báo người dân nên nâng cao cảnh giác, tránh mất tiền oan.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc điển hình. Liên quan đến vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, khi sự kiện nào đó xảy ra, mọi người đều thấy người Việt Nam có tinh thần chia sẻ, đoàn kết, tương thân tương ái rất lớn.

Cả nước hướng về đồng bào vùng lũ lụt: Từ thiện thế nào cho đúng? ảnh 2

Nhà báo Tiến Nguyên (Tạp chí Pháp luật và Phát triển) trao nhu yếu phẩm cho bà con ảnh hưởng lũ lụt tại huyện Bảo Yên, Lào Cai.

Do đó, trong giai đoạn nhiều tỉnh bị ảnh hưởng bão lũ, thiên tai các phong trào từ thiện lan rộng. Bên cạnh các hoạt động được tổ chức bài bản, còn có một bộ phận nhỏ một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoàn cảnh nguy cấp để lợi dụng lòng hảo tâm, lòng thương của mọi người lập ra fanpage hay quỹ kêu gọi giả mạo.

“Đây cũng đang trở thành vấn đề chúng ta thường thấy lập đi lập lại nhiều năm nay. Chính chúng ta trong giai đoạn cấp bách đều rất muốn đóng góp nhưng ở trên môi trường mạng luôn luôn phải có kỹ năng tư duy phản biện hay kỹ năng thông tin để có thể nhận biết được những thông tin nào tin tưởng được, thông tin nào cần phải kiểm tra lại. Đôi lúc chúng ta muốn tự làm nhưng mọi thứ cần nên có kế hoạch, tổ chức, điều phối tổng thể chúng để có thể đến đúng với những người bị ảnh hưởng và trong trong tình huống hoàn cảnh nguy cấp nhất”, ông Nam nhấn mạnh.

Chuyên gia về tâm lý khuyên mọi người trước khi có quyết định hành động liên quan đến tài chính phải kiểm tra lại các thông tin và khuyến nghị lấy từ các trang thông tin chính thống hay từ tài khoản Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, thông tin từ các trang báo chính thống, uy tín.

Cả nước hướng về đồng bào vùng lũ lụt: Từ thiện thế nào cho đúng? ảnh 3
Cả nước đang hướng về các địa phương bị tổn thất nghiêm trọng sau cơn bão số 3.

Các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra cảnh báo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc đồng thời đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Việc phát hiện và báo cáo các trang mạo danh, lừa đảo cũng là một cách để góp phần bảo vệ cộng đồng.

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, nhiều đoàn cứu trợ mang quá nhiều thực phẩm, đồ dùng không phù hợp lên vùng lũ, trong khi điều kiện bảo quản, đun nấu không có, khiến các loại thực phẩm như bánh mì, bánh chưng… bị hỏng, gây lãng phí.

Nhà báo Đỗ Mỵ Châu, một người có nhiều kinh nghiệm trong công tác thiện nguyện chia sẻ: Để tránh tình trạng nêu trên, thông qua nhiều nguồn, cô đã kiểm tra nhu cầu thực tế tại địa phương mình sắp tới hỗ trợ. Đợt lũ lụt vừa qua, cô và nhóm đã thu mua áo phao, thuê thuyền máy, đèn pin, lương khô, nước sạch và thuốc men cho bà con tại các điểm ngập lụt tại tỉnh Tuyên Quang.

Cả nước hướng về đồng bào vùng lũ lụt: Từ thiện thế nào cho đúng? ảnh 4

Nhóm của nhà báo Đỗ Mỵ Châu trao quà tại Tuyên Quang.

Đoàn đã tận tay trao tặng 10 thùng thuốc; 60 thùng lương khô; 30 thùng bánh gạo; 20 thùng ngũ cốc; 7,2 tạ gạo tám thái; 500 chiếc bánh mì; 247 hộp muối vừng lạc, sữa, mì tôm, xúc xích; 100 chiếc áo phao và đã trao 19 triệu đồng tiền mặt đến những gia đình nghèo và cận nghèo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ lũ lụt.

Ngoài ra, để bảo đảm tính minh bạch, cô cũng công khai các khoản thu chi, cập nhật thường xuyên cho những thành viên tham gia đóng góp nắm được.

“Cách làm này sẽ giúp hoạt động từ thiện đi vào thực tế, tránh lãng phí và bảo đảm tính công khai”, nữ nhà báo tới từ Báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ.

Nhà báo Lâm Quang Huy, Trưởng Cơ quan đại diện Báo Nhân Dân tại Quảng Trị thì chia sẻ thẳng thắn: Nên dừng ngay gói nấu bánh chưng, cần ủng hộ tiền mặt cho người dân vùng lũ.

Dẫn chứng từ trận lũ dữ tại huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị ngày 17 và 18/10/2020, anh kể: “Vượt qua lũ dữ, đoàn chúng tôi có rất nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị có mặt tại xã Hướng Việt chia sẻ kịp thời với người dân vùng lũ quét. Khi đó trong đoàn có xe ô tô chở đầy bánh chưng nấu ở đồng bằng lên tặng bà con. Người dân nhận quà, mở bánh ra thì mới biết để lâu ngày bánh đã ôi thiu, không ăn được”.

Lúc này, một người địa phương cho đoàn biết: Họ cần tiền mặt, dù ít hay nhiều để “chủ động mua những thứ cần thiết nhất cho gia đình, từ đó tái thiết cuộc sống sau lũ”.

“Không chỉ riêng người dân Hướng Việt phản ánh, sau đó người dân các xã vùng lũ khác cũng phản ánh nhiều thứ như bánh chưng, muối thịt, thực phẩm ướt… được các đoàn hỗ trợ họ không ăn được vì đã hỏng. Đó là một bài học kinh nghiệm tặng quà cho người dân vùng lũ. Bánh chưng, bánh tét, thức ăn khô họ chỉ cần một hai ngày đầu khi nước lũ đang vây tứ phía. Nước rút, họ cần sự hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa, chứ không cần nhận quà theo phong trào”, nhà báo Lâm Quang Huy nhấn mạnh.

Anh bày tỏ quan điểm: Bánh chưng cũng là tiền nên quy số tiền mua nguyên liệu nấu bánh bằng tiền ủng hộ. Tốt nhất đến thời điểm này mọi người nên ủng hộ người dân vùng lũ bằng tiền, cũng không cần ủng hộ thực phẩm khô vì miền bắc không thiếu các dịch vụ cung cấp.

Có bao nhiêu tiền quý bấy nhiêu, chỉ có ủng hộ bằng tiền mới giúp bà con gặp thiên tai có nhiều phương án hơn để gượng dậy ổn định cuộc sống.

Cả nước hướng về đồng bào vùng lũ lụt: Từ thiện thế nào cho đúng? ảnh 5

Nhà báo Lâm Quang Huy và đồng nghiệp ủng hộ tiền mặt cho Trường TH-THCS Hướng Việt ngày lũ quét năm 2020.

Trong khi đó, ca sĨ Thái Thùy Linh cũng cho biết, điều quan trọng nhất của mọi hoạt động từ thiện là phải đúng người, đúng đối tượng và tạo ra cơ chế giám sát từ cộng đồng. Trong vai trò người điều phối, Thái Thùy Linh phát trực tiếp (livestream) phân công, chỉ đạo đội tình nguyện viên một cách bài bản, lớp lang trước công chúng.

Ca sĨ Thái Thùy Linh cho hay cô không kêu gọi mọi người quyên góp để có thể ủng hộ một số tiền lớn, thay vào đó, cô đóng góp trí tuệ, sức lực và khả năng kết nối để mang tới lợi ích cho cộng đồng, chẳng hạn, trong đợt cứu trợ sau bão số 3, Thái Thùy Linh kêu gọi mọi người hỗ trợ sức lực, xe vận chuyển để có thể gửi hàng hóa thiết yếu lên các tỉnh vùng lũ.

“Tôi cho rằng việc cá nhân làm từ thiện cần 3 yếu tố: Hiệu quả, minh bạch và cùng xây dựng một cộng đồng văn minh”, Thái Thùy Linh chia sẻ.