Cà Mau với nhiều hoạt động trong tháng cao điểm Chuyển đổi số

Tháng cao điểm thực hiện Ngày Chuyển đổi số tại Cà Mau xoay quanh chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Không gian trưng bày của một gian hàng Chuyển đổi số tại Cà Mau thu sự quan tâm của lãnh đạo địa phương.
Không gian trưng bày của một gian hàng Chuyển đổi số tại Cà Mau thu sự quan tâm của lãnh đạo địa phương.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cho biết, các đơn vị chức năng tại địa phương đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong tháng cao điểm thực hiện Ngày Chuyển đổi số, với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

Tháng cao điểm chuyển đổi số tại Cà Mau kéo dài từ 10/9 đến 10/10/2024, tập trung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hướng đến thay đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của tổ chức, cá nhân dựa trên các công nghệ số một cách phù hợp, hiệu quả; bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng xã hội; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến…

Các hoạt động Chuyển đổi số tại Cà Mau cũng xoay quanh việc sử dụng, lan toả các ứng dụng số, giải pháp số từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó điểm nhấn là trưng bày các gian hàng, sản phẩm số, chú trọng tạo sự tương tác, thu hút người dân, doanh nghiệp đến với các hoạt động được tổ chức trong Ngày hội Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau.

Góp phần lan tỏa ý nghĩa ngày Chuyển đổi số, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau phối hợp với các đơn vị sở, ngành, chính quyền các địa phương trong tỉnh phát động và triển khai các hoạt động chiến dịch ra quân “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng số để phát triển kinh tế số” từ các Tổ công nghệ số cộng đồng (từ ngày 1 đến ngày 10/10/2024).

Trong đó, ưu tiên lựa chọn một số nội dung để hướng dẫn người dân như: sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán trên sàn thương mại điện tử Việt Nam, bảo vệ thông tin cá nhân, người thân và gia đình trên môi trường mạng, tìm kiếm thông tin hiệu quả trên Internet...

Trong tháng cao điểm Chuyển đổi số, các đơn vị, sở, ngành tỉnh và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn phối hợp trưng bày các gian hàng, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp số; các sản phẩm, tiện ích của định danh điện tử, ứng dụng VNeID; hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn và hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn cài đặt sinh trắc học; hỗ trợ khách hàng chuyển đổi từ 2G lên 4G sau khi cắt sóng 2G...

Cùng với đó là tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh; hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, người dân tham gia các sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, du lịch số.

Tại các xã, phường, thị trấn, cộng đồng có đông dân cư, hoạt động Chuyển đổi số được triển khai qua mô hình “Khu dân cư điện tử”, qua đó nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng hạ tầng số, nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ…để phục vụ đời sống hàng ngày và thay đổi phương thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Tỉnh Cà Mau huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy Chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số…

Nhờ quyết liệt nhiều giải pháp mà trong năm 2023, Cà Mau đạt 83,4/100 điểm đối với Bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử, tăng hơn 25 điểm so với năm 2022.

Hiện, Cà Mau có hơn 450 dịch vụ công trực tuyến, tất cả đã được kết nối, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 80,33%; thanh toán trực tuyến đạt 95,14%...