Dịp này, tỉnh Cà Mau cũng tổ chức khánh thành giai đoạn 1 khu đền chính Đền thờ Vua Hùng tại ấp Giao Khẩu nằm cạnh dòng kênh Bạch Ngưu xanh mướt, hiền hoà.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính tưởng nhớ về truyền thống dân tộc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng nhân dân địa phương đã thành kính dâng hoa, dâng hương, dâng các vật phẩm (bánh dân gian truyền thống tại địa phương) tưởng nhớ công ơn bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước.
Từ năm 2001, Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành Quốc giỗ của Việt Nam. Tại Cà Mau, miếu thờ Vua Hùng cách đây trăm năm, sau nhiều lần trùng tu đến gần đây thì được đầu tư xây dựng mới.
Công trình gồm 2 khu: khu đền chính (khu 1) tại vị trí di tích hiện hữu với tổng diện tích 2.057 m2; khu 2 tại vị trí phía Đông Quốc lộ 63 (đối diện vị trí hiện hữu) với diện tích 6.805 m2, với tổng kinh phí đầu tư gần 30 tỷ đồng.
Đến nay, giai đoạn 1 xây dựng đền chính hoàn thành khang trang, là niềm vui của đông đảo nhân dân địa phương. Đây còn là địa chỉ đỏ để nhân dân và giới trẻ Cà Mau tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc, góp phần phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Đều đặn hằng năm, Cà Mau tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương. Lễ năm nay tổ chức long trọng, trang nghiêm từ ngày 8 đến 10/4 (mùng 8 đến mùng 10/3 âm lịch), gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có lễ an vị (đặt tượng Vua Hùng), diễn ra từ 20 giờ đến 21 giờ 30 phút 9/4; lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng vào sáng 10/4 (mùng 10/3 Âm lịch) và lễ chính thức tưởng nhớ Vua Hùng được thực hiện theo nghi thức truyền thống vào sáng cùng ngày. Đối với phần hội, gồm các hoạt động thi đấu thể thao bóng đá và các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt đập niêu, đua xuồng ba lá… cùng chương trình văn nghệ.
Giỗ tổ Hùng Vương thường niên ở Cà Mau còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc và tôn vinh công đức Quốc Tổ Hùng Vương, các bậc tiền nhân, các anh hùng dân tộc đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi; tôn vinh các giá trị của thời đại Hùng Vương. Sự kiện trên cũng là một trong những chuỗi các sự kiện thuộc Chương trình “Cà Mau - Điểm đến 2022”.
Thông qua lễ hội, Cà Mau muốn kết nối các hoạt động tham quan, du lịch, tạo điều kiện giao lưu và giới thiệu nét đặc trưng, bản sắc văn hoá, sản phẩm du lịch của địa phương đến du khách gần xa.