Cà Mau nỗ lực xóa đói nghèo

NDO -

Năm vừa qua, tỉnh Cà Mau có gần bốn nghìn hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 8%, tuy nhiên, hiện số hộ nghèo, cận nghèo và tái nghèo còn khá cao. Bằng nhiều cách làm cụ thể, các địa phương trong tỉnh phân công cán bộ, đảng viên nhận giúp đỡ trực tiếp từng hộ nghèo, phấN đấu từng bước thu hẹp dần địa bàn dân cư, khóm, ấp và vùng nghèo trong tỉnh.

Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo

Năm 2006, Tỉnh ủy Cà Mau đã xây dựng nghị quyết, đề án và hằng năm triển khai các giải pháp, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo (XÐGN) với quyết tâm cao. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể ở từng địa phương đề ra chương trình hành động, mục tiêu cụ thể; phân công các tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên đỡ đầu hộ nghèo; khơi dậy truyền thống tương thân tương ái, thu hút các nguồn nội lực trong cộng đồng nhằm tạo bước chuyển về đời sống đối với hộ nghèo, người nghèo.

Bí thư Huyện ủy Phú Tân Ngô Thanh Lõi chia sẻ: Phú Tân là huyện ven biển, tỷ lệ hộ nghèo khá cao với 4.547 hộ, chiếm hơn 21% vào thời điểm năm 2006. Ðể giải bài toán về XÐGN, Huyện ủy ra nghị quyết với bước đi, cách làm khá cụ thể. Bước đầu phân công gần 1.648 đảng viên các cơ quan, ban, ngành huyện, đảng viên các tổ chức cơ sở đảng nhận hỗ trợ giúp đỡ 3.156 hộ nghèo. Mỗi đảng viên ít nhất giúp đỡ một hộ nghèo, thường xuyên đến vận động, hướng dẫn cho hộ nghèo cách làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Giải pháp giảm nghèo bền vững được thực hiện phù hợp theo hoàn cảnh của từng hộ.

Với các hộ có tư liệu sản xuất nhưng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất thì tranh thủ đầu tư từ các nguồn vốn vay ở các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kết hợp với vận động từ họ hàng, thân tộc đầu tư để họ có được đồng vốn phục vụ sản xuất, chăn nuôi, đồng thời hướng dẫn kế hoạch sản xuất, cách làm ăn, định kỳ kiểm tra hiệu quả làm ăn của mỗi hộ. Ðối với những hộ thiếu hoặc không có tư liệu sản xuất và vốn, thì ngoài việc tranh thủ từ các nguồn vốn vay, giải quyết việc làm, còn vận động dòng tộc và cộng đồng giúp đỡ thông qua việc hỗ trợ vốn cho vay với lãi suất thấp, cho mượn đất sản xuất và hùn vốn để họ có phương tiện và nguồn vốn sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ...

Ðối với đối tượng nghèo nhưng do không chí thú làm ăn, cờ bạc, rượu chè bê tha thì có sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, phân công đảng viên, cán bộ giúp đỡ phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục cho có ý thức vươn lên. Chị Huỳnh Thu Nguyệt, nhà ở thị trấn Cái Ðôi Vàm, Phú Tân, cho biết: Trước đây gia đình rất nghèo, ở nhà thuê và phải đi làm mướn để kiếm sống qua ngày. Ðược sự hướng dẫn tận tình của cán bộ và Chi hội Phụ nữ nhận giúp đỡ, năm 2010, gia đình được vay 5 triệu đồng từ Tổ tiết kiệm để đầu tư mua máy, vật tư để làm đậu hũ, sữa đậu nành... và chỉ sau một năm từ nguồn vốn này, gia đình chị Nguyệt lãi hơn 20 triệu đồng, giờ vươn lên thoát nghèo. Do có cách làm và bước đi phù hợp, năm qua, tổng số hộ nghèo của huyện Phú Tân giảm còn 1.981 hộ, chiếm 8,1% tổng số hộ.

Ða dạng cách làm xóa nghèo

Qua khảo sát của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, trong tổng số hộ nghèo, phần lớn là do thiếu vốn, phương tiện và đất sản xuất... Do đó, hiện có 75% số hộ nghèo có nguyện vọng được hỗ trợ vay vốn; 50% số hộ có nhu cầu về phương tiện, đất sản xuất, việc làm... Nhìn chung, việc giảm hộ nghèo ở Cà Mau chưa đạt kết quả bền vững, vì số hộ nghèo còn khá cao và tỉnh cần có bước đi bài bản, căn cơ hơn đối với công tác XÐGN hiện nay. Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác XÐGN chưa được các cấp ủy Ðảng, chính quyền thật sự coi trọng; việc triển khai thực hiện chỉ diễn ra từng lúc, từng nơi. Vẫn còn tâm lý trông chờ Nhà nước đầu tư, hoặc khoán trắng cho các đoàn thể lo liệu thông qua việc đưa tiền từ vốn vay, các nguồn quỹ, chương trình XÐGN đến các hộ nghèo coi như đã xong việc.

Tỷ lệ hộ nghèo được tiếp cận vay vốn còn thấp, nhiều hộ nghèo thiếu phương tiện, công cụ sản xuất, kiến thức khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất. Trong khi đó, phần lớn số hộ nghèo không những cần vốn mà cần được hướng dẫn lập các dự án sản xuất, gợi mở cách làm ăn, trồng các loại cây, con cho có hiệu quả nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, đồng vốn hỗ trợ cho các hộ nghèo thường bị phân chia một cách dàn trải, thiếu tập trung; bình quân hộ nào cũng có, mà đã là hộ nghèo thì cái nào cũng bức xúc cần chi: lo gạo ăn, thuốc chữa bệnh, học hành... Do đó, một phần khá lớn đồng vốn bị tiêu xài hết, rất khó thu hồi, không được sử dụng đúng mục đích cho sản xuất, dẫn đến kém hiệu quả trong công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Cà Mau.

 Giám đốc Sở LÐ-TB và XH, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo XÐGN tỉnh Cà Mau Võ Hoàng Hiệp, cho biết: Trước hết, tỉnh tiếp tục dồn sức chỉ đạo thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ðề án giảm nghèo đến tận cơ sở. Từ đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể cho các ngành, đoàn thể; phân công cán bộ, đảng viên đăng ký giúp đỡ hộ nghèo về phương pháp, kinh nghiệm làm ăn. Tỉnh chủ trương tiếp tục kiểm tra, rà soát lại các đơn vị lâm ngư trường, cơ quan quản lý nhận khoán đất rừng với quy mô diện tích lớn, song không tổ chức sản xuất có hiệu quả để từ đó điều chỉnh cấp lại cho hộ nghèo không đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Gần đây, tỉnh đã triển khai một số dự án tái định cư, ổn định đời sống cho gần hai nghìn hộ nghèo nhận đất tại các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Ðầm Dơi, Năm Căn; tiếp tục di dời, cấp đất cho hàng trăm hộ trong thời gian tới, gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng. Bố trí lại dân cư ở khu vực rừng tràm U Minh hạ và rừng ngập mặn. Ðối với hộ nghèo khi nhận đất ở khu định cư mới cần được hỗ trợ gỗ, tấm lợp và tiền để làm nhà; xây dựng đường giao thông, trường học, kéo điện, khoan giếng nước... nhằm ổn định cuộc sống bà con tại nơi ở mới.

Kinh nghiệm của các huyện Phú Tân, Ngọc Hiển chỉ đạo khá tốt công tác giảm nghèo, mang lại hiệu quả thiết thực được tỉnh phổ biến, nhân rộng. Tỉnh tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện đề án, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với XÐGN; nhân rộng các mô hình, hộ nghèo làm ăn có hiệu quả; rà soát từng xã, ấp, vùng nghèo và phân loại đối tượng nghèo để hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo phương châm làm đến đâu chắc đến đó, không để tình trạng cận và tái nghèo quay trở lại; hướng các mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế-xã hội với nâng cao đời sống nhân dân.

Ở mỗi huyện, thành phố chọn một, hai xã; khóm, ấp, vùng nghèo để làm điểm chỉ đạo xây dựng mô hình; cách làm phải dễ áp dụng, dễ phổ biến nhằm nhân rộng trên địa bàn; tổ chức thành từng nhóm từ năm đến bảy hộ nghèo và hộ khá để kèm cặp giúp đỡ. Việc hỗ trợ vốn cho hộ nghèo gắn với lập dự án sản xuất, gợi mở cách làm ăn, để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, khắc phục tình trạng "ăn mất vốn" rồi ở đâu cũng kêu thiếu vốn, nhằm đạt hiệu quả tốt hơn trong công tác XÐGN.