Cà Mau giảm số hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số

Theo chuẩn tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Cà Mau có hơn 17.000 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số và hơn 10.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số cận nghèo.

Hạ tầng giao thông nông thôn xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) được đầu tư xây dựng giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: HỒNG NHUNG
Hạ tầng giao thông nông thôn xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) được đầu tư xây dựng giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: HỒNG NHUNG

Thực hiện các dự án thuộc Chương trình 135, trong hai năm 2016 - 2017, tỉnh đã trích ngân sách 22 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 28 tuyến đường giao thông nông thôn cho những xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện U Minh, Đầm Dơi và Trần Văn Thời. Ngoài ra, đầu tư gần 40 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Trung ương để xây dựng 146 công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà văn hóa, duy tu, bảo dưỡng 123 công trình hạ tầng giao thông nông thôn. Có 2.300 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo nghề, tổng kinh phí gần bảy tỷ đồng.

Sau gần ba năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, các nội dung, chính sách của chương trình được triển khai đồng bộ, mang lại kết quả thiết thực, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhu cầu cấp thiết của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm mỗi năm khoảng 2% và số hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm hơn 3%.

Thời gian tới, tỉnh tập trung tạo việc làm, tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất; thực hiện đồng bộ công tác rà soát đánh giá đúng, chặt chẽ các chỉ tiêu thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đồng thời, tỉnh khẩn trương rà soát các nguồn lực đất ở, đất sản xuất, xem xét hỗ trợ đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

* Kiên Giang biểu dương phụ nữ khởi nghiệp xuất sắc

Năm 2018, với tinh thần đổi mới, phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tỉnh Kiên Giang đã thực hiện tốt vai trò kết nối, hỗ trợ, khai thác nguồn lực, vận động hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động phát triển kinh tế hộ, tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Cụ thể, các cấp hội đã tích cực hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ứng dụng khoa học và công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, nhân rộng các mô hình kinh doanh hiệu quả, giúp nhau liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng nguồn thu nhập; tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ xóa dần tư tưởng trông chờ ỷ lại, nỗ lực vượt khó, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Kết quả, năm 2018, toàn tỉnh tổ chức tư vấn cho 305 chị về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; 52 chị được tập huấn khoa học kỹ thuật; 25 chị được giới thiệu kết nối sản phẩm ra thị trường, 218 chị được hỗ trợ vay vốn từ 5 đến 50 triệu đồng/mô hình. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh cho 4.350 chị vay không lãi suất tổng số tiền 21 tỷ đồng. Vừa qua, 35 gương điển hình phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 được tỉnh biểu dương, hầu hết là những chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho nhiều người.