Cà Mau chú trọng kinh tế tập thể

Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã có nhiều trợ lực nhằm tạo đòn bẩy giúp các loại hình kinh tế tập thể ở địa phương phát triển thực chất, bền vững…
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) có sự liên kết chuỗi đầu vào, đầu ra, áp dụng cơ giới hóa.
Sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) có sự liên kết chuỗi đầu vào, đầu ra, áp dụng cơ giới hóa.

Những ngày này, phần lớn các đầm tại Hợp tác xã (HTX) nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng ở ấp Bào Vũng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã thu hoạch xong vụ đầu của năm 2024 với kết quả là vừa trúng mùa, vừa được giá. Chủ tịch HTX Tân Hưng Huỳnh Xuân Diện cho biết: “Năng suất bình quân đạt khoảng hơn 60 tấn/ha mặt nước. Nhờ bán được giá cao, trừ hết chi phí, mỗi héc-ta mặt nước nuôi tôm thẻ siêu thâm canh của HTX lãi hơn 1,5 tỷ đồng”.

Nhờ làm ăn hiệu quả, sau hơn tám năm thành lập, HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng đã tăng từ 44 lên hơn 70 thành viên với tổng diện tích nuôi tôm hơn 300 ha; trong đó, có hơn 50 ha nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh. Đây cũng là HTX chuyên về nuôi tôm năng suất cao đầu tiên trên địa bàn huyện Cái Nước hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới.

Cũng theo ông Huỳnh Xuân Diện, thành công bước đầu của HTX có nhiều yếu tố, trong đó có sự “tiếp sức” về nhiều mặt từ các cấp chính quyền và cơ quan chức năng địa phương, nhất là việc chuyển giao khoa học công nghệ sang quy trình nuôi tôm hai giai đoạn tái tuần hoàn nước. Nguồn nước cấp cho đầm tôm được tái sử dụng, giảm đáng kể chi phí xử lý nhưng nuôi được từ 4-5 vụ/năm. Gần đây, HTX cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công bước đầu máy tạo oxy và quạt đạp nước cho ao công nghiệp, xử lý môi trường nước theo phương thức thẩm thấu…

Thời gian qua, Cà Mau chú trọng phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, thế mạnh của tỉnh. Tính đến tháng 2/2024, trong tổng số 299 HTX toàn tỉnh, có đến 179 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, xếp loại từ trung bình đến tốt chiếm khoảng 62%. Riêng tại vùng chuyên canh lúa-tôm của huyện Thới Bình, trong số 35 HTX của huyện, có đến 30 HTX chuyên về nông nghiệp. Hiện, Thới Bình đã tạo lập được vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa chất lượng cao với hơn 10.000 ha, chiếm khoảng 50% tổng diện tích sản xuất lúa-tôm toàn huyện.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thới Bình Lý Minh Vững đánh giá: “Nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương được hưởng lợi khi gắn kết được chuỗi đầu vào, đầu ra, hoạt động ngày càng hiệu quả. Riêng tại HTX Trí Lực, hiện đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao được gần 1.000 ha, trong đó có 200 ha lúa-tôm hữu cơ được công nhận đạt chuẩn quốc tế…”.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 1.237 mô hình kinh tế tập thể hoạt động với các hình thức HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác ở nhiều lĩnh vực. Vận dụng các chính sách của Trung ương, tỉnh đã dành nhiều cơ chế ưu đãi về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ… đối với các loại hình hợp tác, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Các ngành, các cấp trong tỉnh còn lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ, giúp nâng cao tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, HTX trong tỉnh cũng là cầu nối tuyên truyền nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần giải quyết một số vấn đề về xã hội, nhất là về lao động, xóa đói, giảm nghèo…, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương trong tỉnh. Nhiều HTX đạt doanh thu bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm.

Tuy vậy, trên bình diện chung, kinh tế tập thể tại Cà Mau vẫn chưa phát triển tương xứng với lợi thế, tiềm năng sẵn có. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Sử, chỉ một số ít HTX đạt hiệu quả cao theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, còn lại đa số hoạt động chưa như kỳ vọng; trong đó, số lượng HTX không hoạt động chiếm đến hơn 20%. Điểm yếu nhất đối với HTX trong tỉnh hiện nay là khâu liên kết chuỗi và thực hiện theo đúng cam kết…

Theo đề án phát triển kinh tế tập thể của tỉnh Cà Mau giai đoạn 2024-2030, tỉnh sẽ huy động hơn 726 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau để thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế tập thể. Cà Mau sẽ thí điểm 18 mô hình HTX điểm (mỗi huyện 2 mô hình) và 2 liên hiệp HTX điểm; xây dựng thí điểm 54 mô hình HTX vệ tinh của các mô hình HTX điểm (mỗi HTX điểm có 3 HTX vệ tinh); tăng số lượng bình quân từ 15 thành viên/HTX (năm 2023) lên 70 thành viên/HTX năm 2030; tăng hỗ trợ hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lên 50% vào năm 2030…

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng, kinh tế tập thể phải thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế mới, cần tận dụng tốt các cơ hội để phát triển trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Thực tế đòi hỏi cần sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải có cách tiếp cận mới về mọi mặt để củng cố và phát triển kinh tế tập thể; qua đó, giúp kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế, tạo điều kiện để người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển nhanh, bền vững…