Sau những ngày mưa tầm tã cuối tháng 7 vừa qua, những cánh đồng nuôi tôm trên địa bàn ấp Hữu Thời (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) đầy nước ngọt. Tận dụng cơ hội này, nông dân trong ấp đồng loạt trữ nước ngọt để rửa mặn cánh đồng nuôi tôm, chuẩn bị gieo trồng vụ lúa trên đất lúa-tôm (mùa hạn nuôi tôm, mùa mưa trồng lúa kết hợp nuôi tôm).
Chủ động vụ mùa mới
Nông dân Phan Quốc Khải (có 1 ha đất canh tác lúa-tôm) cho biết, từ lúc rửa mặn đồng tôm vào cuối tháng 7 đến nay đã hơn 15 ngày. Nếu thời tiết thuận lợi, mưa nhiều thì việc rửa mặn hoàn tất vào cuối tháng 8, có thể xuống giống vụ lúa mới 2023.
Cạnh đó, hàng xóm là ông Lê Thanh Phong cũng tranh thủ mưa nhiều để rửa mặn đồng nuôi tôm khoảng 1,5 ha. Trong thời gian rửa mặn, gia đình ông sạ lúa trên bờ mương để chuẩn bị cho vụ gieo trồng mới.
“Chúng tôi tranh thủ thực hiện theo đúng lịch thời vụ đã khuyến cáo, chuẩn bị mọi thứ cần thiết để ngay khi vừa rửa mặn xong đồng tôm sẽ có mạ đủ tuổi cấy xuống lấp vụ cho kịp” - ông Phong chia sẻ kinh nghiệm.
Biển Bạch Đông có hơn 4.000 ha canh tác lúa-tôm, cũng là một trong những vùng chuyên canh lúa-tôm của huyện Thới Bình. Sản xuất của nhà nông phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết cho nên thời gian qua, chính quyền xã luôn cập nhật sớm lịch thời vụ để có dự báo cần thiết giúp nhà nông chủ động sản xuất, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Biển Bạch Đông Nguyễn Phi Thoàn cho biết, cùng với chuyển giao khoa học kỹ thuật, chính quyền và đơn vị chuyên trách địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân chuyển đổi các giống lúa dài ngày sang giống chất lượng tốt nhưng ngắn ngày nhằm rút ngắn chu kỳ canh tác, “né” hạn, mặn vào cuối vụ thu hoạch. Đến nay, việc chuyển đổi đạt khoảng 1/3 tổng diện tích canh tác lúa-tôm.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau, tổng lượng mưa trong toàn mùa mưa năm 2023 của tỉnh thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%. Mưa có khả năng kết thúc trong khoảng tuần đầu tháng 11, sớm hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-10 ngày.
Khả năng đỉnh điểm của đợt El Nino có thể xảy ra trong 3 tháng (từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024), với cường độ từ trung bình đến mạnh. Trong thời gian này, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân.
Giúp nhà nông giảm rủi ro
Nếu dự báo trên thành hiện thực thì 35.000 ha lúa vụ đông xuân, hơn 37.000 ha lúa-tôm và khoảng 3.000 ha lúa mùa của Cà Mau trong niên vụ 2023 có khả năng bị ảnh hưởng.
Tại huyện Trần Văn Thời, nơi có hệ thống thủy lợi khép kín với hơn 28.000 ha đất sản xuất lúa 2 vụ (hè thu và đông xuân) và hơn 5.000 ha lúa-tôm, công tác dự báo tình hình khá sớm cho nên ngành chức năng địa phương đã chủ động được cách thức ứng phó.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đỗ Văn Sử cho biết, vụ hè thu năm 2023 gieo sạ muộn, kéo theo độ muộn vụ đông xuân. Vì vậy, vào vụ đông xuân người dân sẽ gieo sạ đồng loạt dẫn đến nguy cơ bị thiếu nước.
Chủ động ứng phó cho những tình huống có thể xảy ra, địa phương đã phân vùng sản xuất trên cơ sở điều kiện tự nhiên, hạ tầng (đê bao, ô thủy lợi, hệ thống trạm bơm...); xác định được các vùng cao gò, vùng trũng… để bố trí lịch thời vụ phù hợp nhằm điều tiết nước luân phiên cho các vùng sản xuất, không để tháo bỏ nước ngọt ra sông lớn, qua đó tích trữ nước vùng nội đồng phòng tình huống khô, hạn cuối vụ.
Tại Thới Bình, vùng chuyên canh lúa-tôm “chủ lực” của tỉnh với gần 19.000 ha nhưng thủy lợi đến nay vẫn chưa khép kín, sản xuất rất dễ “tổn thương” do hạn, mặn sớm vào cuối vụ. Vì thế, ngay từ đầu năm 2023, ngành chức năng địa phương đã chủ động triển khai sớm các công trình nạo vét về thủy lợi nhằm tăng khả năng tích nước ngọt ở kênh, rạch vào những tháng mùa mưa phục vụ canh tác.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, Nguyễn Văn Phúc, nếu hạn hán xảy ra cuối vụ thì khoảng 30-40% diện tích lúa-tôm toàn huyện sẽ bị ảnh hưởng bởi El Nino. Đây cũng là lý do trong suốt thời gian gần đây, huyện đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Nhờ vậy mà đến nay, toàn huyện có khoảng 93% (hơn 17.600 ha) diện tích sản xuất lúa sạch. Trong số này, có khoảng 7.300 ha đã chuyển đổi từ các giống dài ngày sang các giống lúa ngắn ngày (ST24, ST25…) nhằm “né” hạn, mặn vào cuối vụ.
Rút kinh nghiệm từ 2 đợt hạn hán gây thiệt hại lớn đến sản xuất của người dân ở mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 397 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn.
Đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong xây dựng các phương án ứng phó với El Nino một cách hiệu quả nhất. Trong tháng 7 vừa qua, ngành nông nghiệp cũng ban hành lịch thời vụ hướng dẫn nông dân gieo trồng vụ mới, đặc biệt là vùng canh tác lúa-tôm.
Tại những vùng này, đã khuyến cáo nhà nông xuống giống đợt đầu từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 dương lịch để thu hoạch từ nửa cuối tháng 11 đến giữa tháng 12; xuống giống đợt 2 từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 9 để thu hoạch trong tháng 12.
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau khuyến cáo: “Cùng với các biện pháp quản lý và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, ngành chức năng địa phương cần tiếp tục giúp người dân áp dụng biện pháp canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, canh tác sinh thái, hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM)… để mang lại hiệu quả tốt nhất”.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Quân, để chủ động cho vụ sản xuất mới đạt hiệu quả trước cảnh báo El Nino, các địa phương trong tỉnh được chỉ đạo xây dựng phương án tình huống mưa nhiều, chống ngập một số vùng trũng thấp; chuyển đổi giống lúa dài ngày sang sử dụng giống lúa nhóm A ngắn ngày, xây dựng lịch thời vụ xuống giống từng khu vực 2-3 xã để điều tiết nước từ vùng này qua vùng khác và thu hoạch được thuận lợi, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản…
Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nhằm giải quyết vấn đề hạn mặn vào cuối vụ lúa-tôm và vụ đông xuân năm nay; nông dân cần cắt vụ nuôi tôm tranh thủ tháo nước rửa mặn liên tục khi có mưa; hướng dẫn nông dân kê khai sản xuất ban đầu để làm cơ sở hỗ trợ thiệt hại khi có tình huống xấu nhất.