Hiện tượng cá lồng nuôi trên sông bị chết tại Hải Dương năm nào cũng xảy ra. Nhưng hiện tượng hàng trăm tấn cá chết như năm nay thì là lần đầu tiên xảy ra, gây thiệt hại rất lớn cho một số hộ dân.
Cá chết hàng loạt
Tại xã Tiền Tiến, TP Hải Dương, ngày 28 và 29/3/2024 cá nuôi lồng có hiện tượng chết rải rác sau đó lan sang phường Nam Đồng và các phường, xã khác.
Từ ngày 4/4 đến ngày 8/4, hiện tượng cá lồng chết xuất hiện tại một số hộ ở các vùng nuôi thuộc các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Ninh Giang, Cẩm Giàng, Kim Thành, thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, từ ngày 9/4, tình trạng cá chết là không đáng kể, không còn hiện tượng cá chết bất thường.
Theo ước tính bước đầu của các huyện, thành phố, thị xã, kể từ ngày 30/3 đến nay, lượng cá lồng chết ước khoảng gần 1.000 tấn, chiếm gần 1% sản lượng toàn tỉnh. Tổng số hộ có cá nuôi lồng bị chết khoảng 400 hộ, với hơn 4.000 lồng, số hộ có cá chết hơn 30% sản lượng (khoảng gần 30 hộ), chủ yếu tại xã Tiền Tiến và phường Nam Đồng (TP Hải Dương).
Theo ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương, địa phương có tổng số 2.340 lồng nuôi cá trên sông, nhiều nhất là tại phường Nam Đồng 917 lồng.
Theo báo cáo của thành phố Hải Dương, đến ngày 7/4, số lồng có cá chết tại phường Nam Đồng là 70 lồng, 115 tấn cá chết; xã Tiền Tiến có 95 lồng với 140 tấn cá chết. Số lượng bán cá giải cứu ở hai xã, phường nêu trên được 440 tấn.
Ngay những ngày đầu xảy ra hiện tượng cá chết ở xã Tiền Tiến và phường Nam Đồng, lãnh đạo các ngành nông nghiệp, tài nguyên môi trường và thành phố Hải Dương đã thường xuyên bám sát hiện trường, tìm hiểu nguyên nhân ban đầu; hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cá, phương pháp xử lý khi nước thiếu ô-xi, các biện pháp phòng chống cá chết để giảm thiệt hại; huy động lực lượng giúp tiêu thụ cá cho các hộ dân và giúp các gia đình thu gom, xử lý số cá chết tránh gây ô nhiễm môi trường; yêu cầu ngành điện bảo đảm cung cấp điện đầy đủ, liên tục cho các vùng nuôi cá lồng...
Cá chết do thiếu ô-xi?
Trước hiện tượng cá lồng chết bất thường, các đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của tỉnh Hải Dương đã khẩn trương kiểm tra thực tế, phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi sát, nắm bắt tình hình, xác định nguyên nhân.
Qua kiểm tra phân tích yếu tố dịch tễ, mổ khám, xét nghiệm, kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm, lấy mẫu môi trường nước và tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, các ngành chức năng nhận định: Cá nuôi lồng trên sông bị chết không do yếu tố dịch bệnh, không do ngộ độc thức ăn mà do thiếu ô-xi hòa tan trong nước.
Thực hiện xét nghiệm nhanh tại các điểm có cá chết cho thấy hàm lượng ô-xi hòa tan (DO) rất thấp, hàm lượng khí độc cao (NH4+-N, NO2-N).
Ông Đỗ Tiến Bậc, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Hải Dương cho biết: Từ 15/3 đến 15/4, qua làm việc cùng Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Hải Dương và khảo sát thực tiễn, mực nước và tổng lưu lượng dòng chảy trên sông Thái Bình thấp hơn nhiều năm, giai đoạn nước đứng cũng kéo dài hơn những năm trước.
Hiện tượng cá chết, bước đầu được đánh giá là do thiếu ô-xi có thể một phần do ảnh hưởng thời tiết và thủy văn, nhưng không đủ điều kiện để kết luận là cá chết do thiên tai. Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 3 đến nay, tỉnh Hải Dương không công bố có thiên tai.
“Của đau con xót”, nhiều hộ dân nuôi cá lồng cho rằng có nguồn nước thải độc hại xả vào sông Thái Bình thông qua hệ thống thủy lợi.
Về vấn đề này, ông Đỗ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, đến ngày 15/4, ngành đã rà soát 5 trong 6 huyện, thành phố có nguồn xả thải ra sông Thái Bình, nhưng trong giai đoạn này các huyện, thành phố chỉ lấy nước từ sông Thái Bình vào trong đồng, không có nguồn nước thải ra.
Các nguồn xả thải công nghiệp cũng không có hiện tượng xả thải. Từ ngày 15/3 đến nay trên địa bàn tỉnh cũng không xảy ra sự cố gì về môi trường. Như vậy cũng chưa xác định được cá chết là do nguồn xả thải.
Trước giải thích của cán bộ chuyên môn, cá chết là do nồng độ ô-xi trong nước thấp, người dân đã đề nghị các ngành chức năng làm rõ nồng độ ô-xi thấp là do đâu. Ngày 15/4, UBND tỉnh Hải Dương đã có Văn bản số 1379/UBND-VP gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị hỗ trợ xác định nguyên nhân gây giảm nồng độ ô-xi trong nước.
Cá lồng chết bất thường, người dân khó được hỗ trợ
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và ngành nông nghiệp tỉnh đặc biệt quan tâm, chia sẻ với khó khăn của những hộ dân nuôi cá lồng bị thiệt hại trong những ngày qua.
Ngoài việc các cấp chính quyền, các ngành chức năng đã trực tiếp giúp các hộ dân xử lý sự cố, UBND tỉnh đã ban hành hai văn bản vào ngày 9/4 và ngày 13/4, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất cho các hộ dân có cá nuôi lồng bị chết.
Theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng những điều kiện sau: Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.
Căn cứ báo cáo đánh giá của các cơ quan tham mưu ở Hải Dương: Cá chết không phải do thiên tai; cá chết không do dịch bệnh; cá chết không do xả thải từ các nguồn xả thải mà là “cá chết do thiếu ô-xi”, vì vậy không thể thực hiện cơ chế hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại cuộc họp giải pháp hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất cho các hộ dân có cá nuôi lồng bị chết do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì chiều 15/4, tất cả lãnh đạo các đơn vị cấp huyện, thành phố đều khẳng định: Số lượng cá bị chết trong báo cáo thực chất chỉ là con số ước lệ do các hộ nuôi cá và xã báo cáo lên; thực tế không có đơn vị nào đứng ra cân hoặc kiểm đếm.
Do vậy, không địa phương nào xác định được chính xác mức độ thiệt hại, khối lượng cá chết của các hộ, nên không đủ cơ sở pháp lý để giải ngân nếu được cấp kinh phí hỗ trợ.
Tỉnh Hải Dương có thể xem xét áp dụng cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các hộ nuôi cá bị thiệt hại, nhưng căn cứ vào các nội dung đã nêu thì khả năng người dân được hỗ trợ là rất khó khăn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, khôi phục sản xuất, hiện nay, các ngân hàng đã và đang tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình để có cơ chế hỗ trợ phù hợp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay mới. Đã có ngân hàng thực hiện giảm lãi suất đồng loạt cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại với mức giảm bình quân 1%/năm.
Từ năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã khuyến cáo các địa phương không để phát sinh các lồng cá mới.
Thế nhưng, đến cuối năm 2023, tổng số lồng cá nuôi của tỉnh đã lên tới 7.811 lồng; sản lượng nuôi lồng ước đạt 24.097 tấn (tăng 8,1% so năm 2022).
Tất cả các lồng nuôi cá đều phát triển tự phát, không có trong quy hoạch và cơ bản không được cấp phép.