Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã cá chiên Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngày 8/10 toàn bộ số cá chiên đặc sản của Hợp tác xã cá chiên Thái Hòa nuôi trên sông Lô bỗng nhiên chết hàng loạt.
"Những ngày trước đó, khi đi cho cá ăn chúng tôi đều theo dõi đàn cá có sức khỏe bình thường, không có biểu hiện bị ốm, bệnh. Hiện tượng cá nuôi bị chết gây thiệt hại cho các hộ thành viên của Hợp tác xã khoảng 1,4 tỷ đồng", ông Bình cho hay.
Gia đình ông Bình ước tính thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Với thâm niên nuôi cá lồng hàng chục năm qua nhưng đây là lần đầu tiên ông gặp hiện tượng cá chết hàng loạt như vậy.
Lồng nuôi cá chiên của ông Phạm Văn Bình, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên bị thiệt hại nặng. |
Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban nhân dân xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã có 12 hộ nuôi cá với 40 lồng nuôi có cá chết bất thường, trong đó có khoảng 6.000 con cá chiên, hơn 240 con cá bỗng và khoảng 400 con cá lăng, khối lượng cá chết hơn 3,2 tấn. Ước tính thiệt hại trên 2 tỷ đồng.
Ông Lâm Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết, sau khi nhận thông tin cá chết hàng loạt, lãnh đạo UBND xã cùng cán bộ đã xuống cơ sở kiểm tra, phối hợp các đơn vị thực hiện lấy mẫu đánh giá nguyên nhân cá bị chết.
Xã Thái Hòa có thế mạnh về nuôi cá chiên đặc sản, nhờ nuôi cá chiên, nhiều hộ có kinh tế ổn định, đời sống khá giả hơn. UBND xã cũng đã xây dựng thương hiệu cá chiên đặc sản trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.
"Hiện tượng cá chết hàng loạt gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của địa phương. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền, cơ quan chức năng sớm xác định nguyên nhân cá bị chết và có những chính sách hỗ trợ cho người dân", ông Lâm Thanh Quang nói.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc lấy mẫu nước để xét nghiệm nguyên nhân cá chết. |
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, đến thời điểm hiện tại đã có 36 hộ nuôi cá chiên bị ảnh hưởng bởi hiện tượng trên, với 114 lồng nuôi, khối lượng cá chết khoảng hơn 11 tấn, xảy ra ở các xã Yên Nguyên (huyện Chiêm Hóa); Thái Hòa, Đức Ninh... (huyện Hàm Yên); Phúc Ninh ( huyện Yên Sơn)… Nguyên nhân cá chết chưa xác định.
Ông Đào Duy Quý, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngay khi nắm được tình hình cá chiên đặc sản và một số loại cá khác chết hàng loạt vừa xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương thành lập các đoàn công tác bao gồm lãnh đạo sở, kỹ sư thủy sản kiểm tra tất cả các khu vực xuất hiện cá chết để thực hiện lấy mẫu nước, mẫu cá gửi đi xét nghiệm xác định nguyên nhân cá chết.
Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền bắc thực hiện quan trắc, lấy mẫu nước tại các khu vực có hiện tượng cá chết để xét nghiệm.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cũng đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh hỗ trợ kiểm tra chất lượng nguồn nước sông Lô khu vực có cá chiên chết và đề nghị chính quyền địa phương, các hộ nuôi thực hiện tiêu hủy số lượng cá chết không rõ nguyên nhân để bảo đảm vệ sinh môi trường.