Mưu sinh vất vả
Ở mọi ngõ ngách của Hà Nội, dễ dàng bắt gặp bóng dáng của những người thu mua đồng nát. Phần lớn họ là những người phụ nữ nghèo, ở các huyện ngoại thành hay từ các tỉnh quanh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Ðịnh... lên Thủ đô kiếm sống. Nhiều chị đã có thâm niên cả chục năm kiếm sống bằng nghề đồng nát trên đất Hà thành.
'Ở quê với gia đình thì nhàn hơn, nhưng biết làm gì ra đồng tiền. Mỗi nhà chỉ có một sào, hai sào ruộng, cả năm mới được hai vụ, cả nhà trông vào đấy thì lấy gì mà sống. Gần ba năm nay, tôi bám lấy nghề đồng nát ở Thủ đô, thu mua phế liệu' - chị Hà, quê ở Ba Vì, cho biết.
Chẳng ai có thể thống kê được hiện ở Hà Nội có bao nhiêu người sinh sống bằng nghề này, nhưng có lẽ phải đến cả nghìn người. Tận dụng khoảng thời gian nông nhàn ở quê, họ kéo nhau lên nội thành thuê trọ mưu sinh. Ðồ nghề chỉ vỏn vẹn gồm chiếc xe đạp cũ hay đôi quang gánh, vài bịch ni-lông hay bao tải rác to tướng được cột vào yên xe, chiếc nón mê và một chiếc cân.
Cuộc hành trình kiếm sống của họ bắt đầu từ khi trời tờ mờ sáng và kết thúc khi đêm muộn. Mỗi người một chiếc xe đạp chia nhau đi các ngả đường, rao: 'Ai nhôm đồng, sắt vụn, phế liệu... bán đi!'... Phế liệu thu mua, nhặt nhạnh được phân thành từng loại và bán lại cho các chủ xưởng tái chế rác thải. 'Sắt vụn có giá là 8.500 đồng một cân, giấy bìa phế loại có giá là 2.500 đồng một cân, còn chai, lọ, chậu nhựa... có giá là chín nghìn đồng một cân'- chị Hà cho biết thêm.
Chị Dung, quê ở Hà Nam chia sẻ: 'Nghề này vất vả lắm, chỉ biết lấy công làm lãi. Kiếm được đồng tiền phải đổi bằng biết bao công sức, đi rạc người cả ngày, hôm nào may mắn lắm thì kiếm được một trăm, hai trăm nghìn đồng, còn thường thường chỉ được vài ba chục nghìn đồng thôi'. Chị Dung lên Hà Nội làm nghề đồng nát đã được hơn một năm rồi. Chồng chị lâm bệnh nặng, qua đời từ khi chị mới sinh đứa út được mấy tháng. Từ khi ấy, những toan lo cuộc sống đè cả lên vai người mẹ. Chị làm đủ mọi việc để kiếm tiền nuôi các con: buôn rau, khua hồ, xách vữa... rồi chuyển sang đi đồng nát để nuôi ba đứa con ăn học. Ðứa lớn nhất năm nay mới học lớp 7, còn đứa út thì học lớp 2. Sự nhọc nhằn khiến chị già hơn nhiều so với tuổi 30 của mình. Lúc nào chị cũng đội chiếc nón mê, luôn cụp xuống, nhưng không che hết được gương mặt đã xạm xụi, hốc hác, vì ngày nào cũng phải đối mặt với mưa, nắng, bụi đường. Chị miệt mài đạp xe đi rao, thu mua phế liệu từ sáng sớm cho đến tận tối mịt mới về. Chị kể, nhiều hôm đi mệt rã rời chân tay, bụng đói meo mà không mua được nhiều, vẫn phải cố đi, có thêm thắt được đồng nào hay đồng ấy. Thành quả sau một ngày dài cóp nhặt, chị treo lủng lẳng đằng sau xe, lộn xộn nhôm, sắt, chai lọ. Bao tải đựng phế liệu càng nặng càng giúp chị vơi bớt lo toan trên khuôn mặt hốc hác.
Chắt chiu cho con
Nhiều ngày theo bước chân của những người kiếm sống bằng nghề đồng nát, tôi đã có cái nhìn tường tận hơn về cuộc sống mưu sinh nhiều nhọc nhằn, vất vả, nhưng vẫn ấm áp tình người của họ. Ở khu vực Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Ðống Ða) hoặc khu vực ngoài đê sông Hồng (phường Phúc Xá, quận Ba Ðình) là những xóm trọ có tập trung nhiều người làm nghề chai chè đồng nát nhất. Cứ khoảng năm đến sáu người chen chúc nhau ở trong căn nhà lụp xụp, tối om, chỉ chừng 10m2. Họ nương tựa vào nhau để giảm bớt tiền thuê nhà, sinh hoạt vốn đã đắt đỏ. 'Tiền thuê nhà mỗi tháng 500 nghìn đồng, lại còn tiền sinh hoạt cũng đắt đỏ, nên mấy chị em cùng quê lên đây thuê trọ để san sẻ bớt cho nhau được phần nào hay phần ấy'- chị Lý, quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc cho biết. Chị kể, mới đầu còn bỡ ngỡ, không biết cân, mua thế nào, chỉ sợ lỗ nhưng nhờ sự giúp đỡ của các chị em cùng nghề, đi theo mấy lần để học hỏi, dần dần cũng đã 'thạo nghề' rồi. Cuộc sống của những phận người nghèo ở nơi đây luôn đầy ắp tình người, sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau.
Chị Ðoài, người phụ nữ thuê trọ ở xóm gầm cầu Long Biên, quanh năm nhặt rác ở khu vực chợ Long Biên, tâm sự: 'Chúng tôi cùng làm cái nghề bần hàn, lam lũ, vì thế thường động viên nhau, bày cho nhau những kinh nghiệm nhỏ để kiếm sống. Cùng chung cảnh xa quê, những lúc ốm đau, trái gió trở trời chị em đều quan tâm, chăm sóc lẫn nhau'.
Những đồng tiền nhàu nhò, thấm đẫm mồ hôi với bụi đường- thành quả kiếm được sau một ngày lặn lội mưu sinh được các chị lại chắt chiu, dành dụm gửi về quê cho các con có tiền ăn học và trang trải cuộc sống gia đình.
Với họ bây giờ, niềm an ủi, động viên lớn nhất là khi nhắc đến chuyện học hành của các con. Trong giờ nghỉ trưa ngắn ngủi, các chị dừng xe, ngồi tạm bên lề đường, góc phố, ăn vội vàng miếng cơm nắm, mẩu bánh mì đã nguội cho đỡ đói lòng. Những lúc ấy, các chị lại kể về những đứa con của mình ở quê và niềm vui hiếm hoi lại hiện lên những khuôn mặt đã xạm đen, hốc hác. Các chị đều bảo: 'Ðời mình chịu khó, chịu khổ đến đâu cũng phải cố cho các con được đi học, chỉ mong sao lớn lên chúng nó đỡ khổ hơn mình'.
Chị Dung, quê ở Hà Nam, tự hào khi nhắc đến ba đứa con nhỏ: 'Chúng nó đều ngoan và học giỏi. Mới đây, đứa lớn đoạt được giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện đấy'. Còn với chị Ðoài đang cố gắng dành dụm để chuẩn bị cho con thi đại học năm nay: 'Ðứa thứ hai nhà tôi học giỏi và có nghị lực lắm. Năm nay, nó quyết tâm thi đỗ đại học để xuống Hà Nội học, hai mẹ con được ở cùng nhau'. Niềm tự hào ấy làm vơi đi những mệt mỏi, là nguồn sức mạnh tinh thần rất lớn giúp các chị đi bộ hoặc đạp xe hàng chục cây số mỗi ngày trên khắp các nẻo đường, tần tảo kiếm sống.