Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, hiện nay khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả lại diễn biễn phức tạp trở lại.
Tại tuyến biên giới phía bắc với địa bàn trọng điểm thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan và các đơn vị địa phương tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nên tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở được ngăn chặn, không phát sinh điểm nóng nhưng vẫn diễn biến phức tạp.
Hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép tại tuyến biên giới này chủ yếu là quần áo, đồ chơi, máy móc linh kiện điện tử... Điển hình ngày 7-7-2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp lực lượng Công an phát hiện và triệt phá kho hàng lậu rộng hơn 10.000 m2 tại Lào Cai, thu giữ hơn 160.000 sản phẩm hàng hóa lậu không có hóa đơn, chứng từ.
Đáng chú ý, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm là ma túy, pháo nổ vẫn tiềm ẩn và diễn ra phức tạp, tập trung chủ yếu ở địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Quảng Ninh... trong đó, vụ điển hình là vào tháng 3-2020, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp các lực lượng phát hiện, thu giữ 473 kg ma túy tổng hợp, bắt giữ bảy đối tượng.
Tại tuyến biên giới, cửa khẩu, địa bàn các tỉnh miền trung - Tây Nguyên, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Đà Nẵng… Hàng hóa chủ yếu mặt hàng rượu ngoại, đường, thuốc lá, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, lâm sản, pháo nổ, đồ chơi trẻ em; sản phẩm của động vật hoang dã, quý hiếm (vẩy tê tê, các sản phẩm từ ngà voi...) và xuất lậu mặt hàng khẩu trang y tế từ Việt Nam sang Lào.
Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, dọc theo tuyến sông Sêpôn hiện vẫn là điểm trung chuyển hàng hóa nhập lậu từ Lào về Việt Nam.
Các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh, thời điểm vào lúc đêm khuya, rạng sáng để vận chuyển số lượng lớn hàng cấm, hàng nhập lậu với phương thức, thủ đoạn ngày càng manh động và liều lĩnh hơn, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng để bỏ chạy.
Tại tuyến biên giới Tây Nam, địa bàn trọng điểm diễn ra các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép gồm các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An, An Giang… Để phòng ngừa dịch Covid-19 tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, các lực lượng chức năng Trung ương và địa phương đã phối hợp cắm chốt, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ nên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa giảm mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn số ít các đối tượng lợi dụng lúc sơ hở của lực lượng chức năng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới chủ yếu các mặt hàng thiết bị y tế, khẩu trang, thuốc lá ngoại...
Đáng chú ý, do thời gian qua thịt lợn trong nước lượng cung không đủ cầu, giá cả tăng đột biến nên có hiện tượng gia tăng tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn và thịt lợn từ Campuchia về Việt Nam. Điển hình vào tháng 3-2020, Cục Cảnh sát môi trường- Bộ Công an đã bắt giữ 20 tấn lợn nhập lậu tại Long An.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, đáng lo ngại là gần đây xuất hiện tình trạng các đối tượng chủ hàng sử dụng thủ đoạn thuê người dân vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng cấm và bắt người dân đặt cọc tiền hàng, nếu vận chuyển trót lọt thì mới trả tiền công vận chuyển.
“Thủ đoạn này đẩy người dân sinh sống dọc biên giới vào tình huống trực tiếp đối đầu với lực lượng chức năng, thậm chí có thể dẫn tới xô xát. Điều này làm cho lực lượng Biên phòng thực hiện nhiệm vụ tại khu vực biên giới rất khó xử, nhiều khi vừa phải làm công tác tuyên truyền vừa phải làm công tác nghiệp vụ”, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ.