Bước tiến mới trong điều trị ung bướu

Trước tình hình số lượng bệnh nhân khám và điều trị ung bướu ngày càng tăng và trẻ hóa, các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bình Định không ngừng nỗ lực học hỏi, tiếp nhận các kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng điều trị. Hiện nay, đội ngũ bác sĩ tại đây đã làm chủ được nhiều kỹ thuật điều trị phức tạp để tiếp tục duy trì tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Thời gian gần đây, số bệnh nhân đến khám và điều trị ung thư tại Bệnh viện đa khoa Bình Định ngày càng tăng.
Thời gian gần đây, số bệnh nhân đến khám và điều trị ung thư tại Bệnh viện đa khoa Bình Định ngày càng tăng.

Học hỏi và làm chủ kỹ thuật

Theo số liệu công bố của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 126 nghìn ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư, mỗi ngày có khoảng 300 người chết vì ung thư. Đáng chú ý, tỷ lệ người trẻ dưới 30 tuổi tử vong vì ung thư đang gia tăng. Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Trí, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa Bình Định cho biết, thời gian gần đây, số bệnh nhân đến khám và điều trị ung thư ngày càng tăng. Số bệnh nhân phải điều trị phẫu thuật cũng cao hơn, trong đó ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh phổ biến, chiếm 90% các bệnh ung thư tuyến nội tiết.

Để nắm bắt được kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường miệng, năm 2022, Khoa Ung bướu đã cử bác sĩ học trực tiếp tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; tiếp đó mời các chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật nội soi tuyến giáp của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về chuyển giao kỹ thuật. Đến nay, các bác sĩ của Khoa Ung bướu đã bước đầu làm chủ kỹ thuật phẫu thuật nội soi, nội soi chẩn đoán và can thiệp… giúp bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Hiện nay, kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường miệng đã được triển khai thường quy ở một số bệnh viện trong cả nước như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện K… Với bệnh lý tuyến giáp nói chung, trong đó có bệnh lý về u tuyến giáp, can thiệp bằng phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị quan trọng đạt hiệu quả cao nhất.

Bác sĩ Nguyễn Minh Trí chia sẻ: Kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường tiền đình môi dưới có rất nhiều ưu điểm so với các kỹ thuật khác, kể cả nội soi tuyến giáp qua các đường khác. Hy vọng trong thời gian tới, được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế, lãnh đạo bệnh viện, chúng tôi rất mong được đầu tư thêm một dàn máy nội soi tuyến giáp để có thể triển khai một cách thường quy, bởi hiện tại đã có người đi học và có thể làm chủ kỹ thuật, triển khai độc lập.

Áp dụng công nghệ hiện đại

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện đa khoa Bình Định, năm 2020 có 28.053 lượt bệnh nhân khám ung bướu (chiếm 8,37% tổng lượt khám toàn bệnh viện) và 8.320 lượt bệnh nhân ung bướu điều trị nội trú (chiếm 10,83% lượt bệnh nhân nội trú toàn bệnh viện). Để đáp ứng nhu cầu thăm khám bệnh nhân, Khoa Ung bướu đã triển khai các kỹ thuật điều trị ung bướu bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và giảm đau cho bệnh nhân. Trong đó, kỹ thuật xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính được triển khai từ năm 2011, mỗi năm triển khai khoảng 7.346 lượt xạ trị và xạ trị không biến liều. Hai năm qua, bệnh viện đã đầu tư 165,5 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh; trong đó, phải kể đến hai thiết bị quan trọng là hệ thống gia tốc tuyến tính đa mức năng lượng và hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT scanner 256 lát cắt.

Bác sĩ CKII Võ Thành Nam Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bình Định cho biết, việc được đầu tư một hệ thống gia tốc tuyến tính đa mức năng lượng có kỹ thuật xạ trị biến liều giúp nâng cao liều tia xạ tại khối u và giảm liều chiếu tới các cơ quan lành; từ đó giúp tăng khả năng kiểm soát khối u, đồng thời làm giảm tác dụng phụ của xạ trị trên các cơ quan lành. Ưu điểm vượt trội của xạ trị biến liều so với xạ trị thường quy là kỹ thuật này cho phép nâng liều cao tại khối u trong khi hạn chế liều chiếu vào mô lành chung quanh và khả năng kê liều đồng thời vào nhiều thể tích điều trị. Do đó, kỹ thuật này giúp tăng khả năng tiêu diệt khối u, đồng thời làm giảm tác dụng phụ của xạ trị, nâng cao khả năng sống sót cho bệnh nhân.

Hiện nay, Khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện có bốn hệ thống CT scanner, bao gồm hệ thống CT scanner 128 lát cắt được đầu tư năm 2017, hai hệ thống chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc (CT scanner 2 lát cắt) được đầu tư năm 2008 và một hệ thống chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc (CT scanner 6 lát cắt) được đầu tư năm 2007. Do vậy, việc đầu tư hệ thống CT scanner 256 lát cắt là rất cần thiết để bảo đảm bệnh viện có đủ trang thiết bị phục vụ công tác hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống CT scanner 256 lát cắt cũng giúp giảm liều chiếu xạ khi chụp so các máy chụp cắt lớp vi tính thông thường. Hệ thống CT scanner 256 lát cắt cũng hỗ trợ tốt hơn trong chụp tim mạch, giúp cho việc khảo sát và điều trị các bệnh lý và mạch máu, tim. Máy CT scanner 256 lát cắt có tốc độ mỗi vòng quay là 0,28 giây, như vậy mỗi lần chụp chỉ tốn khoảng 15 giây là cho hình ảnh chẩn đoán. Điều này hỗ trợ rất lớn cho công tác chẩn đoán, xử lý ca bệnh, nhất là đối với những ca cấp cứu, cần có kết quả chẩn đoán nhanh.

“Nhìn chung, việc đầu tư hệ thống máy gia tốc tuyến tính đa mức năng lượng và hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT scanner 256 lát cắt tại bệnh viện trong năm 2023 đã giúp nâng cao năng lực và hiệu quả xạ trị trong điều trị bệnh nhân ung bướu, giúp chúng tôi tăng cường ứng dụng chẩn đoán hình ảnh, nhất là chẩn đoán các bệnh về tim mạch. Điều này giúp giảm tỷ lệ chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến trên, góp phần đáp ứng tốt hơn nữa công tác khám và điều trị cho nhân dân trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận”, bác sĩ CKII Võ Thành Nam Bình chia sẻ.